Thể thao trong nước

Nhiều tín hiệu vui cho thể thao Huế

ClockChủ Nhật, 28/04/2019 14:18
TTH - Không chỉ là những tín hiệu cho thấy một tương lai tươi sáng của cờ vua, Karatedo từ giải trẻ châu Á và giải vô địch Đông Nam Á mới đây, sắp tới, thể thao Huế hứa hẹn có sự “lột xác” tích cực.

“Khai phá” tiềm năng thể hìnhHơn 200 VĐV tham dự giải Việt dã truyền thống huyện Phú Vang

Đua xe đạp, chạy bộ và bơi trên sông Hương - phương án đang được Sở Văn hóa và Thể thao tính đến

Đẳng cấp, bản lĩnh

Từng một thời “làm mưa làm gió” ở đấu trường quốc gia, quốc tế, nhưng với nhiều lý do, cờ vua và Karatedo Huế phải “im hơi lặng tiếng” suốt một thời gian dài, thậm chí có thời điểm dấy lên không ít quan ngại qua câu hỏi và cũng là câu trả lời: “Đến khi nào 2 môn này mới khôi phục lại được vị thế vốn có”.

Thật ra không phải đến bây giờ, những VĐV cờ vua, Karatedo mới giành thành tích cao ở đấu trường châu lục và khu vực mà đã vài năm gần đây. Tuy nhiên, nếu so với quá khứ thì chưa thấm vào đâu. Dẫu vậy, một khi “tích góp” những thành tích liên tục ấy, một mặt chứng minh được phong độ, đẳng cấp khi chỉ với 3 VĐV, Karatedo đã đem về 4 huy chương (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), còn cờ vua, dù phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng những kỳ thủ Cố đô vẫn xuất sắc giành được 2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ.

Điều đáng nói, 1 trong số 4 VĐV cờ vua, dù mới 8 tuổi và lần đầu tiên tham dự một giải đấu đẳng cấp châu lục cũng như không có người thân đi kèm nhưng nữ kỳ thủ nhí Lâm Bình Nguyên vẫn rất tự tin khi nhập cuộc trong không gian thi đấu đầy áp lực. Hay như Nguyễn Hà Khánh Linh, dù 11 tuổi trong khi nội dung tham dự đa phần là các đối thủ 12 tuổi nhưng em vẫn xuất sắc vượt qua để giành 1 HCV đồng đội.

Trong thể thao, phong độ, đẳng cấp và tâm lý vững là yếu tố quyết định thành tích. Và, với những gì đã diễn ra tại giải vô địch Đông Nam Á, giải trẻ châu Á, Karatedo cùng cờ vua đang thắp lên một tương lai tươi sáng trong hành trình tìm lại vinh quang.

Tập trung hơn nữa vào những môn trọng điểm

Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Phan Thanh Hải chia sẻ, do đầu tư hạn chế nên thời gian qua, thành tích thể thao Huế nói chung, một số môn trọng điểm chưa như kỳ vọng, trong khi đây chính là ưu thế của thể thao Cố đô trên các đấu trường trong và ngoài nước.

Sở văn hóa & Thể thao sẽ tham mưu với UBND tỉnh để có hướng đầu tư tập trung hơn trên tinh thần lựa chọn thế mạnh, có chiến lược lâu dài, tránh tình trạng “ăn xổi”. “Có một thuận lợi là kinh phí đầu tư cho một số môn, như: cờ vua, vật, các môn võ không quá lớn nên việc tăng thêm nguồn lực trong thời gian tới không phải là chuyện bất khả thi. Chỉ cần có phương án cụ thể và thuyết phục, tôi tin lãnh đạo tỉnh sẽ ủng hộ”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng chia sẻ, việc thành lập quỹ tài trợ cho các môn trọng điểm cũng là một phương án khả thi bởi trước đó, thông qua kết nối với một số người Huế thành đạt xa quê, chỉ cần cụ thể, thiết thực qua sự tiến bộ, qua số huy chương giành được thì những người này sẽ chung tay tiếp thêm động lực để các VĐV tiếp tục phấn đấu vì vinh quang tỉnh nhà.

Thể thao song hành cùng du lịch

Không chỉ thể thao đỉnh cao, thể thao phong trào cũng là điều mà ngành thể thao đang rất quan tâm. Điều mà Sở Văn hóa & Thể thao hướng đến là nghiên cứu tổ chức một giải thể thao 3 môn phối hợp: Đua xe đạp - chạy bộ - bơi và lấy sông Hương làm “trục” chính.

Sông Hương sẽ sôi động hơn nếu có thêm môn đua thuyền rồng

Huế có sông Hương rất đẹp nhưng hơi ít hoạt động. Nếu như tổ chức được, một mặt khích lệ phong trào TDTT, mặt khác thu hút, tạo thêm điểm nhấn trong mắt du khách. Khi đó, không chỉ gắn liền với văn hóa, sông Hương còn là điểm đến của thể thao. Điều này hứa hẹn góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là du lịch, ông Hải nói.

Ngoài việc từng giành 1 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ ngay từ lần đầu tiên góp mặt tại ĐH TDTT toàn quốc 2010, thì thuyền rồng Huế (thuyền truyền thống) từng xuất hiện tại giải đua ghe mừng Quốc khánh trên sông Hương một vài năm gần đây. Đó cũng là lý do Sở Văn hóa & Thể thao hướng đến khôi phục lại môn đua thuyền rồng, cùng định hướng đây sẽ là một trong những môn thể thao vừa có thể phát triển phong trào, đỉnh cao, vừa có thể song hành cùng du lịch.

Hiện, một số nước trong khu vực: Thái Lan, Malaysia, Indonesia…  cùng một số tỉnh, thành, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, An Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Bình Phước… phát triển mạnh bộ môn này và với nền tảng sẵn có, bên cạnh đua thuyền Sup, sông Hương sẽ sôi động hơn khi thu hút được những tay chèo trong nước, quốc tế tham dự.

“Khi đó chúng ta sẽ không tổ chức theo dạng bó hẹp, dân gian như trước mà phải phù hợp trên tinh thần lan tỏa, hội nhập. Mình cứ nghĩ đơn giản thế này, Quảng Nam tổ chức được đua thuyền thúng thì tại sao Huế không tổ chức được đua thuyền rồng”, ông Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu

Tác động tích cực từ thị trường quốc tế, các chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tạo được lợi thế riêng của DN Huế trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Billiards cần những cú hích

Từ môn giải trí ưa thích, Billiards đang dần có được những nhân tố và tạo dựng được nét riêng độc đáo để nhân rộng và phát triển.

Billiards cần những cú hích
Return to top