Thế giới

WHO: Thông tin sai lệch khiến dịch sởi diễn biến nghiêm trọng

ClockThứ Sáu, 06/12/2019 16:07
TTH.VN - Số ca mắc bệnh và tử vong do sởi trong năm 2019 đã gia tăng đáng kể so với năm ngoái, khi đã có hơn 142.000 người chết vì bệnh dịch này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

WHO: Dịch sởi tái hoành hành mạnh mẽ ở châu Âu

Dịch sởi đang lan rộng ở nhiều quốc gia cận Sahara. Ảnh minh hoạ: VNreview

Trong một cảnh báo về mức độ tiêm chủng thấp ở mức nguy hiểm và các vụ bùng phát dịch quy mô lớn ở một số quốc gia, WHO cho rằng, các thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội đã khiến diễn biến của dịch sởi ngày càng nghiêm trọng khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 95% độ bao phủ tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Dịch sởi ở Samoa

Tại quốc đảo Samoa thuộc Thái Bình Dương, chỉ có 31% người dân đảo có khả năng miễn dịch với bệnh sởi, WHO cho biết và nhấn mạnh tác động của những thông tin sai lệch lan tràn trong các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.

Tình hình đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng, với các bệnh viện và phòng khám được cho là quá tải và phải vật lộn để điều trị cho những người dễ bị tổn thương nhất – những trẻ em dưới 5 tuổi, và các bệnh nhân khác mắc các bệnh mãn tính bao gồm cả bệnh tiểu đường.

Hơn 60 ca, chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã chết kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, với hơn 4.200 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận. Theo Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc cơ quan tiêm chủng của WHO, thông tin sai lệch được lan truyền qua các kênh truyền thông xã hội thực sự ảnh hưởng đến quyết định của cha mẹ về việc có nên tiêm phòng cho con hay không, dẫn đến kết quả là số trẻ em mắc sởi và tử vong gia tăng.

'Một thất bại tập thể'

“Chúng ta đều biết rằng có một loại vaccine an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng và có sẵn để phòng ngừa bệnh sởi đã tồn tại được khoảng 50 năm, với hàng trăm triệu người đã được tiêm Vaccine. Đây thực sự là một thất bại tập thể khi nhiều vụ dịch sởi đang xảy ra và gia tăng số trường hợp tử vong, với lý do sâu xa là mọi người không được tiêm vaccine...”

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine trung bình trên toàn cầu chống lại bệnh sởi đạt khoảng 86% - tăng từ 72% trong năm 2000, một biện pháp mà WHO ghi nhận đã cứu sống hơn 23 triệu người trong khoảng thời gian đó.

Mặc dù đây là một thành tựu lớn về sức khỏe cộng đồng, và là lý do tại sao tử vong do bệnh sởi kể từ đầu thế kỷ đã giảm từ 535.000 ca xuống còn 142.300 ca vào năm ngoái, nhưng đã có rất ít tiến triển trong việc cải thiện phạm vi bao phủ vaccine trong khoảng một thập kỷ qua, ông O'Brien giải thích.

Theo dữ liệu mới nhất về bệnh sởi của WHO, các trường hợp nghi ngờ và được xác nhận mắc sởi năm 2019 (nghi ngờ có 614.915 ca, xác nhận có 413.308 ca) đều cao hơn so với năm 2018 (lần lượt là 483.215 và 333.445 ca).

Bệnh sởi gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch

Nhấn mạnh tác động rộng hơn của căn bệnh này, WHO cũng trích dẫn bằng chứng được công bố gần đây cho thấy bệnh sởi cũng có thể gây tổn hại đến "bộ nhớ" của hệ thống miễn dịch trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi bị nhiễm bệnh.

Tác động này đã khiến những người sống sót dễ bị tổn thương trước các bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như cúm hoặc tiêu chảy nặng, Tiến sĩ O'Brien cho biết.

Theo WHO, bệnh sởi có nhiều khả năng tác động đến những người trẻ không có đủ dinh dưỡng, đặc biệt là những người không đủ vitamin A, hoặc có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu do HIV/AIDS hoặc các bệnh khác.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top