Thế giới
Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3):

WHO tăng cường sáng kiến chống lại bệnh lao chết người

ClockThứ Sáu, 24/03/2023 18:41
TTH.VN - Theo dữ liệu từ, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, số người chết vì bệnh lao (TB) lại tiếp tục tăng vào năm ngoái do sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột và các cuộc khủng hoảng khác.

Số ca tử vong do bệnh lao tăng trở lại trên toàn cầuSẽ có thêm nhiều ca tử vong vì lao, AIDS ở các nước nghèo vì COVID-19

leftcenterrightdel
Đến nay, bệnh lao vẫn gây ra 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác. Ảnh: Shutterstock 

Trong một thông báo được đưa ra trước thềm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định sẽ mở rộng phạm vi của một sáng kiến đã được thực hiện trong 5 năm qua, nhằm nỗ lực loại bỏ một trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu trên thế giới về bệnh truyền nhiễm vào năm 2030.

Theo dữ liệu từ WHO, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây chết người hàng đầu thế giới. Mặc dù số ca tử vong đã giảm gần 40% trên toàn cầu kể từ năm 2000, nhưng căn bệnh này vẫn gây ra 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác, với những tác động to lớn đối với gia đình và cộng đồng. Đại dịch COVID-19 cùng với các cuộc khủng hoảng đang diễn ra như xung đột vũ trang, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và kinh tế, đã đảo ngược tiến bộ đạt được trong nhiều năm trong cuộc chiến chống bệnh lao. Năm ngoái, lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, WHO đã ghi nhận sự gia tăng số người mắc bệnh lao và lao kháng thuốc, cùng với sự gia tăng số ca tử vong. 

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Bệnh lao có thể phòng ngừa, điều trị và chữa khỏi, nhưng căn bệnh cổ xưa vốn đã hành hạ nhân loại hàng thiên niên kỷ vẫn tiếp tục gây ra đau khổ và tử vong cho hàng triệu người mỗi năm…”. Từ đó, WHO cam kết hỗ trợ các quốc gia đẩy mạnh các phản ứng phòng chống lao, bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao như một phần trong hành trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân và tăng cường khả năng phòng thủ của mỗi người trước dịch bệnh và đại dịch.

Tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ

Sáng kiến hàng đầu về bệnh lao của WHO được thiết lập vào năm 2018 để thúc đẩy nghiên cứu và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ, nhằm hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu. Giờ đây, sáng kiến này sẽ được mở rộng và kéo dài đến năm 2027, với mục đích mở rộng quy mô cung cấp các dịch vụ chăm sóc có chất lượng cho những người mắc bệnh lao, thông qua khả năng tiếp cận công bằng với chẩn đoán nhanh do WHO khuyến nghị, uống thuốc điều trị với thời gian ngắn hơn, tăng khả năng tiếp cận bảo trợ xã hội và các đổi mới khác.

Công cụ mới cần thiết

Song song đó, WHO cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng đầu tư cả trong nước và quốc tế vào các dịch vụ, nghiên cứu và đổi mới bệnh lao, đặc biệt là trong việc phát triển vaccine mới và đã đề xuất thành lập Hội đồng tăng tốc vaccine lao. WHO kêu gọi các chương trình và dịch vụ chống lao, đặc biệt là ở các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, được công nhận là một thành phần thiết yếu của hệ thống y tế, đồng thời tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Được biết, loại vaccine phòng chống lao duy nhất hiện có đã tồn tại hơn một thế kỷ, và loại vaccine này không bảo vệ đầy đủ những người trẻ tuổi và người lớn, những đối tượng gây ra hầu hết các trường hợp lây truyền bệnh lao.

“Chúng ta cần cung cấp các công cụ mà chúng ta có sẵn cho nhiều người hơn. Nhưng chúng ta cũng cần những công cụ mới”, lãnh đạo WHO nhấn mạnh tại Geneva. “Việc gia tăng tình trạng kháng thuốc đang làm suy yếu hiệu quả của một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao”, ông cho biết thêm.

Kêu gọi hành động

Sáng kiến hàng đầu này của WHO nhằm mục đích thúc đẩy hành động và trách nhiệm giải quyết các nguyên nhân chính gây ra dịch lao, chẳng hạn như nghèo đói, suy dinh dưỡng, tiểu đường, HIV, sử dụng thuốc lá và rượu, điều kiện sống và làm việc tồi tệ, cùng nhiều vấn đề khác.

WHO và các đối tác cũng đưa ra lời kêu gọi hành động đối với các chính phủ nhằm đẩy nhanh việc triển khai các chế độ điều trị bằng đường uống mới đối với bệnh lao kháng thuốc - vốn vẫn đang tiếp tục là mối quan tâm cấp bách về sức khỏe cộng đồng.

Thực tế, lao kháng thuốc gây thiệt hại đáng kể cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, cho cộng đồng và các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Vào năm 2021, gần nửa triệu người mắc bệnh lao đa kháng thuốc hoặc lao kháng rifampicin (MDR/RR-TB), nhưng chỉ 1/3 trong số đó được điều trị.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO cho biết: “Năm 2023 là cơ hội để chúng ta thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới chấm dứt bệnh lao”. Vào Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay, WHO đang thúc đẩy các cam kết chính trị vững chắc ở cấp cao nhất, với sự hợp tác đa ngành một cách vững mạnh. “Chúng tôi cần tất cả mọi người - các cá nhân, cộng đồng, xã hội, nhà tài trợ và chính phủ - làm phần việc của mình để chấm dứt bệnh lao. Vâng, cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”, bà Kasaeva khẳng định.

Tháng 9 tới, Đại hội đồng LHQ sẽ triệu tập một hội nghị cấp cao về bệnh lao. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros, đây “sẽ là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống bệnh lao, nếu các nhà lãnh đạo thực hiện các cam kết thực sự và lâu dài để đầu tư vào việc ứng phó với bệnh lao”. 

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ WHO & UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết

Để đáp ứng nhu cầu điều trị và cấp cứu dịp Tết cho 11 đơn vị y tế của 4 tỉnh, thành, Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai nhiều đợt hiến máu vệ tinh và tăng cường truyền thông.

Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết
Return to top