Thế giới

Tương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á

ClockChủ Nhật, 04/02/2024 06:52
TTH - Các nền tảng giao đồ ăn là một trong những hoạt động kinh doanh thành công nhất kể từ đại dịch COVID-19. Trong khi những hoạt động kinh doanh khác cố gắng duy trì lợi nhuận bằng cách chuyển hoạt động sang hình thức trực tuyến, thì thành công của họ vẫn không bằng những gì mà các nền tảng giao đồ ăn đạt được.

Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á dần có chỗ đứng trên toàn cầuHàn Quốc thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái giữa thời đại dịchThái Lan: Gia tăng hàng tấn rác thải nhựa từ dịch vụ giao đồ ăn mùa dịch

 Đông Nam Á là thị trường có nhiều triển vọng và dư địa lớn đối với sự phát triển của các nền tảng giao đồ ăn. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Theo một nghiên cứu mới của Công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works, tổng chi tiêu giao đồ ăn trên các nền tảng của khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng ở mức 5%, đạt 17,1 tỷ USD vào năm 2023. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chậm lại trong thời kỳ hậu đại dịch, ngành này hiện đang xem xét cách để duy trì lợi nhuận, với việc sáp nhập và hợp nhất là sự lựa chọn đối với một số nền tảng giao đồ ăn.

Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng của khu vực

Đúng như dự đoán, hãng Grab của Singapore tiếp tục là nền tảng dẫn đầu thị trường trong khu vực ở mức 55%. Đứng thứ 2 là Foodpanda với 15,8%, trong khi Gojek đứng thứ 3 với 10,5%. Cả ShopeeFood và Line Man cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý trong khu vực.

Tuy Grab dẫn đầu thị trường, Singapore lại không dẫn đầu về tăng trưởng của các nền tảng giao đồ ăn. Đó là Việt Nam, với mức tăng trưởng được ghi nhận gần 30%, bất chấp sự kiểm soát chi phí từ hầu hết các hãng giao đồ ăn. Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là thị trường giao đồ ăn nhỏ nhất của khu vực.

“Grab tiếp tục giành được thị phần đáng kể tại Singapore, Malaysia và Philippines, cũng như tại Indonesia, thị trường lớn nhất khu vực. ShopeeFood, vốn ít nhận được sự chú ý từ bên ngoài do cuộc chiến thương mại điện tử lớn hơn mà Shopee đang phải đối mặt, lại thực sự tăng trưởng cao nhất (gần 2/3); trong khi Line Man ở Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số”, nghiên cứu của Momentum Works nêu rõ.

Về chi tiêu, tổng chi tiêu cho F&B (dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng và ăn uống) ở khu vực Đông Nam Á được ước tính ở mức 125,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, các thương hiệu F&B cao cấp (nhất là ở Singapore) phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều thương hiệu cao cấp ở Singapore nhận thấy năm 2023 khó khăn hơn so với năm 2022, khi có nhiều thương hiệu phải dùng đến các biện pháp cắt giảm chi phí trong bối cảnh bất ổn vĩ mô và lạm phát. Điều này có thể đã làm tăng độ nhạy cảm về giá của những thực khách thuộc tầng lớp trung lưu.

Năm 2023 cũng chứng kiến sự tăng tốc về hoạt động gia nhập và mở rộng của các thương hiệu F&B Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á. Xu hướng này được minh chứng bởi 30 cửa hàng của Luckin Coffee tại Singapore, và gần 4.000 cửa hàng của Mixue trên khắp Đông Nam Á. Các thương hiệu thuộc nhiều chủng loại và quy mô cũng đã có mặt trong khu vực. Họ đã áp dụng chiến lược vào các hoạt động tại cửa hàng, tiếp thị, vận hành và quản lý nhượng quyền thương mại. Động lực này được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2024.

Sự hợp nhất của các nền tảng giao đồ ăn

Vào năm 2023, một số nhà khai thác dịch vụ giao đồ ăn đã chú ý đến việc hợp nhất. Ngoài một số nền tảng giao đồ ăn nhỏ hơn quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh, một số khác đang chọn cách sáp nhập và củng cố hoạt động.

Hầu hết các nền tảng chính đều đã đạt hoặc đang trên đà đạt được mức lợi nhuận được điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) hòa vốn, với một số nền tảng nhắm mục tiêu dòng tiền tự do dương trong năm 2024. Tuy nhiên, như kinh nghiệm của Meituan và Uber đã chỉ ra, lợi nhuận có thể không phải là một trạng thái cố định, các nền tảng cần liên tục cân bằng tăng trưởng với khả năng sinh lời bền vững. Có thể thấy, Air Asia đã hợp nhất hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của mình với Foodpanda vào năm ngoái. Nhưng đó chỉ là khởi đầu của một quá trình hợp nhất lớn hơn.

“Với mức tiêu thụ F&B mạnh mẽ, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và sự hợp nhất đang diễn ra, có rất nhiều dư địa đối với sự phát triển của các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực. Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi, các công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, ông Jianggan Li, Giám đốc Điều hành và người sáng lập của Momentum Works cho biết.

Về mặt chiến lược kinh doanh, các công ty giao đồ ăn hiện đang sử dụng quảng cáo để mở rộng doanh thu, chẳng hạn như quảng cáo sản phẩm để thu hút nhiều khoản đầu tư hơn. Các nền tảng đang mở rộng danh mục sản phẩm quảng cáo để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm các chuỗi F&B lớn, các cửa hàng F&B nhỏ và các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Đáng chú ý, nền tảng dẫn đầu Đông Nam Á là Grab chỉ có 5% trong tổng dân số 600 triệu người của khu vực là khách hàng giao dịch hàng tháng. Dân số chưa được khai thác ở các thành phố lớn, việc mở rộng sang những thành phố nhỏ hơn và phục vụ khách du lịch mang lại cơ hội tăng trưởng hơn nữa dành cho các nền tảng giao đồ ăn. Những nền tảng này cũng có thể và cần liên tục tối ưu hóa hoạt động để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Dù thế nào đi nữa, năm 2024 dường như là một năm đầy hứa hẹn đối với Grab trong lĩnh vực nền tảng giao đồ ăn. Trong khi đó, đối với những nền tảng khác, tất cả sẽ phụ thuộc vào cách hoạt động và hy vọng duy trì lợi nhuận trước sự cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành.

Lê Thảo

(Lược dịch từ Tech Wire Asia)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):
Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu

Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Return to top