Thế giới

Tội phạm mạng trực tuyến lợi dụng xung đột Israel-Hamas để trục lợi

ClockThứ Ba, 24/10/2023 09:22
TTH.VN - Lừa đảo trực tuyến tiếp tục là một vấn đề toàn cầu mà các chính phủ và tổ chức đang cố gắng giải quyết. Mặc dù nhận thức ngày càng được nâng cao và các hoạt động trấn áp tội phạm mạng đã được triển khai nhưng số nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trực tuyến vẫn tiếp tục gia tăng.

Cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo du lịch mùa lễ hộiEuropol báo động tình trạng tội phạm lợi dụng ChatGPT cho mục đích xấu

Một số kẻ lừa đảo trực tuyến lợi dụng lòng trắc ẩn của con người trong các vụ xung đột để trục lợi. Ảnh: iStock 

Theo báo cáo của GroupIB, các vụ lừa đảo trực tuyến trong năm 2022 đã gây tổn thất tổng cộng 55 tỷ USD. Báo cáo cũng cho biết sự thiếu nhận thức, thiếu các biện pháp phòng ngừa và khởi tố trên toàn thế giới góp phần làm gia tăng các vụ lừa đảo trực tuyến.

Ngày nay, có rất nhiều loại lừa đảo trực tuyến, từ lừa đảo đơn giản qua email và mạng xã hội cho đến các kế hoạch lừa đảo tinh vi có thể quét sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của nạn nhân. Các trò lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất bao gồm lừa đảo tình cảm, lừa đảo việc làm, lừa đảo thương mại điện tử và tiền điện tử.

Hầu hết nạn nhân rơi vào những trò lừa đảo như vậy là những người không thực hành tốt an ninh mạng, ví dụ như không kiểm tra tính hợp lệ của các ưu đãi, khuyến mãi và giải thưởng trong các cuộc thi. Cũng có những người bị “hấp dẫn” bởi các khoản lợi nhuận được hứa hẹn để đăng ký vào các trò lừa đảo trực tuyến, phổ biến nhất là trong các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok và Facebook vốn có tính năng tặng quà và thanh toán bằng tiền điện tử.

Tại Mỹ, FBI đã cảnh báo công chúng về sự gia tăng gần đây của các vụ lừa đảo “Phantom Hacker” trên toàn quốc, ảnh hưởng đáng kể đến người cao tuổi. Phantom Hacker là trò lừa của những kẻ mạo danh các tổ chức tài chính và thành viên chính phủ để nâng cao lòng tin của nạn nhân, từ đó có thể khiến nạn nhân mất toàn bộ tài khoản ngân hàng, tiết kiệm, hưu trí hoặc đầu tư dưới chiêu bài “bảo vệ” tài sản. Từ tháng 1 đến tháng 6/2023, 19.000 khiếu nại liên quan đến lừa đảo trực tuyến đã được gửi tới Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của FBI (IC3), với thiệt hại ước tính của nạn nhân lên tới hơn 542 triệu USD.

Gia tăng lừa đảo trực tuyến do xung đột và chiến tranh

Ngoài ra, một số kẻ lừa đảo trực tuyến chọn cách kiếm lợi từ sự kết hợp giữa sự hỗn loạn do chiến tranh, xung đột và lòng trắc ẩn. Ví dụ, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục chứng kiến chiến tranh mạng ngày càng gia tăng, với việc tin tặc từ cả hai bên nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Gần đây hơn, cuộc xung đột Israel - Hamas khiến cả hai bên trở thành mục tiêu tấn công mạng của các nhóm hackers có chủ đích. Trong khi những tin tặc và tội phạm mạng là một phần của cuộc xung đột, những phát hiện từ Bitdefender còn cho thấy các vụ lừa đảo trực tuyến cũng đang gia tăng. Phòng nghiên cứu chống thư rác của Bitdefender bắt đầu nhìn thấy các chiến dịch lừa đảo qua email nhằm cứu trợ thiên tai và giúp đỡ người tị nạn khi tội phạm mạng lợi dụng cuộc chiến thảm khốc ở Israel và Gaza để thu lợi tài chính bằng cách khai thác lòng tốt của người khác.

Những kẻ lừa đảo này nhận thức được xung đột nhưng không thực sự đứng về phía nào. Thay vào đó, chúng nhận thấy xung đột leo thang giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine đã tạo ra những cơ hội lừa đảo mới, tất cả đều là vì tiền.

Do đó, các nhóm tội phạm mạng đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào hộp thư đến của người tiêu dùng bằng thư lừa đảo. Nhiều email spam (thư rác) được chuyển hướng tới các hộp thư đến ở Nga, Thụy Điển, Romania, Iran và Ấn Độ, cũng như ở Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh.

Các vụ lừa đảo qua email này giống với xu hướng thư rác đã được các nhà nghiên cứu Bitdefender xác định trong cuộc xung đột Ukraine. Những trò lừa đảo này liên quan đến việc quyên góp tiền điện tử và các chương trình trả trước phí, lợi dụng cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhắm mục tiêu vào nạn nhân của cả hai phía trong cuộc xung đột.

Tình cảnh hỗn loạn và thảm khốc ở Dải Gaza đang là “cơ hội” của nhiều kẻ lừa đảo trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN 

Bất chấp có rất nhiều nạn nhân và nhu cầu viện trợ thực sự, tội phạm mạng vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công thư rác một cách trơ tráo. Chúng đóng giả vừa là nạn nhân vừa là tổ chức từ thiện giả mạo, lừa người dùng internet chuyển tiền cho chúng, từ đó tước đoạt phần hỗ trợ cho những người thực sự cần được giúp đỡ.

Khi cuộc chiến bước sang tuần tiếp theo, Bitdefender dự đoán những email lừa đảo này sẽ thường xuyên tràn ngập các hộp thư đến trên toàn thế giới. Những kẻ lừa đảo điều chỉnh câu chuyện và yêu cầu quyên góp của chúng dựa trên những tin tức và cập nhật mới nhất về cuộc xung đột, kéo dài mối đe dọa cho người dùng.

Kêu gọi cảnh giác

Như thường lệ, cảnh giác và được cung cấp đầy đủ thông tin là chìa khóa để không rơi vào những trò lừa đảo trực tuyến như vậy. Cho dù bọn lừa đảo có vẻ chân thực đến đâu đi nữa thì việc kiểm tra chéo thông tin hoặc thực hiện một số nghiên cứu trước khi thực hiện một hành động cũng không gây hại gì.

Bitdefender kêu gọi mọi người dân cập nhật thông tin và không để rơi vào các tình huống lừa đảo có thể nhận được trong thời gian này. Cách tốt nhất để giữ an toàn và bảo vệ tài chính của mỗi người là kiểm tra chặt chẽ tất cả các thông tin liên lạc liên quan đến chiến tranh, cho dù qua email, điện thoại, văn bản hoặc phương tiện truyền thông xã hội.

Tội phạm mạng có nhiều cách để tiếp cận các nạn nhân mục tiêu. Ngay cả việc trả lời những email lừa đảo cũng có thể cung cấp manh mối cho bọn chúng lợi dụng. Do đó, cảnh giác là điều vô cùng quan trọng để mỗi người tự bảo vệ mình, Bitdefender nhấn mạnh.

Đối với những cá nhân muốn quyên góp một cách an toàn cho những nạn nhân thực sự của chiến tranh, Bitdefender khuyên họ nên tìm hiểu các tổ chức từ thiện hợp pháp - nơi có thể trợ giúp và cung cấp các dịch vụ khẩn cấp thực sự cho người dân.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Tech in Asia)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác với "quà mồi"

Chiêu trò lừa đảo tặng quà chẳng còn mới, nhưng lợi dụng thời điểm gần Tết, chiêu trò đó lại diễn ra nhiều hơn với thủ đoạn tinh vi hơn.

Cảnh giác với quà mồi
App giả, lừa thật

Với thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, tốt nhất khi các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu làm lại định danh, cung cấp mã OTP, chụp ảnh căn cước công dân, chân dung không rõ mục đích, mọi người nên từ chối.

App giả, lừa thật
Lừa làm giấy tờ đất đai, chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng

Ngày 26/12, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Võ Nguyễn Hoàng Nguyên (sinh năm 1990), trú tại số nhà 22/13 Phan Kế Bính, phường Thủy Xuân (TP.Huế) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa làm giấy tờ đất đai, chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng
Return to top