Thế giới

Tiếp tục vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

ClockThứ Sáu, 20/05/2022 09:26
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã có những chia sẻ về kết quả chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam: Cầu nối phát triển mối quan hệ hai nướcChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 15-17/5 vừa qua.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà về kết quả chuyến thăm.

- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm chính thức Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Chuyến thăm chính thức của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane đã thành công rất tốt đẹp, qua đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Quốc hội, góp phần vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Các vị Lãnh đạo cấp cao Lào đánh giá cao chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của Việt Nam trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022,” cũng là chuyến thăm của Lãnh đạo Quốc hội nước ngoài đầu tiên đến Lào trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

Phía bạn nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, nhất là việc kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, bước đầu mở cửa trở lại thành công, đạt nhiều kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng và đang đảm nhiệm tốt vai trò chủ nhà SEA Games 31, khẳng định sự tự tin, tự chủ và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Với tình cảm chân thành, tin cậy, bạn cũng chia sẻ tình hình của Lào thời gian qua, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chương trình hành động nhằm khắc phục ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã truyền tải thông điệp nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ cùng các bạn Lào, với tinh thần đồng chí, anh em, hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa; khẳng định Việt Nam luôn bên cạnh, đồng hành, giúp đỡ Lào vượt qua thử thách, tiếp tục phát triển.

- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Trong 2 ngày rưỡi thăm chính thức nước bạn Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có một chương trình hoạt động dày đặc với 27 hoạt động chính thức.

Tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hội kiến Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh; tới thăm nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith; nguyên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào Thongsing Thammavong.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào - những người đồng chí, người bạn gắn bó thân thiết của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp, trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Lào kiêm Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Lào-Việt  Sounthone Sayachak; tiếp Tổng Kiểm toán Nhà nước Lào Malaythong Kommasith, Bộ trưởng Tài chính Bounchom Ubonpaseuth, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam Boviengkham Vongdara; dự Chiêu đãi chính thức do Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới đặt vòng hoa tại Đài Liệt sĩ, dự Lễ khởi động dự án Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam; thăm Văn phòng đại diện Ngân hàng BIDV; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào…

Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra trong bầu không khí chân thành, cởi mở, tin cậy và thẳng thắn.

Hai bên đã trao đổi sâu sắc, thực chất về các nội dung hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội giai đoạn 2022-2026 được ký nhân dịp này; đẩy mạnh trao đổi đoàn Lãnh đạo Quốc hội và giữa các Ủy ban, các Nhóm đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh có chung biên giới và kết nghĩa với các địa phương của bạn.

Hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các Hiệp định, Hiệp ước, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ; phối hợp tổ chức các hoạt động theo kênh Quốc hội để chào mừng “Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022”…

Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực như Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á(AIPA), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…

Cùng với đó, hai bên nhất trí phối hợp cùng Quốc hội Campuchia để hoàn thiện quy trình, thủ tục nâng cấp Cơ chế hợp tác giữa 3 cơ quan lập pháp 3 nước (Campuchia-Lào-Việt Nam) lên cấp Chủ tịch Quốc hội chủ trì, dự kiến được tổ chức vào năm 2023…

Đặc biệt, lãnh đạo Quốc hội Lào mong muốn trao đổi, học tập kinh nghiệm của Việt Nam về công tác Đảng trong Quốc hội, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội (Việt Nam) cũng như Đảng bộ của Quốc hội Lào trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Quốc hội.

Hai Chủ tịch Quốc hội cũng đã chứng kiến việc trao đổi 4 văn kiện hợp tác gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc Chính phủ Việt Nam và Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Biên bản làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đối tác của Lào.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã đến thăm tỉnh Champasak.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak-Vilayvong Bouddakham; đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam; thăm công ty cao su Việt-Lào, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; thăm Tổng lãnh sự quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt, doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại 4 tỉnh Nam Lào.

Bên cạnh các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Đoàn chính thức đã tiến hành 10 cuộc gặp, trao đổi song phương với các cơ quan, đối tác tương ứng của Lào. Các cuộc trao đổi đều có nội dung thực chất, toàn diện, thể hiện tinh thần khẩn trương triển khai các thỏa thuận cấp cao năm 2022.

- Ông có thể chia sẻ về Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19” được hai Chủ tịch Quốc hội chủ trì?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà: Hai Chủ tịch Quốc hội hai nước đã đồng chủ trì Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19” với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành của Lào. Đây là hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội vừa được ký kết vào sáng 16/5.

Đại biểu hai nước đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp về chính sách và xây dựng pháp luật nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội quốc gia sau đại dịch COVID-19 theo tình hình và điều kiện thực tiễn của mỗi nước.

Bạn cho rằng dù quy mô, thời điểm, đối tượng các gói hỗ trợ, các cơ chế đặc thù của Lào và Việt Nam khác nhau nhưng vấn đề được các cơ quan của Quốc hội Việt Nam chia sẻ đều là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà Lào có thể tham khảo để phục hồi kinh tế sau khi mở cửa trở lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tiếp tục tổ chức hội thảo tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi nước.

- Thưa ông, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào thì cũng cần phải có những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào. Vậy Cơ quan lập pháp hai nước đã có những chia sẻ kinh nghiệm gì để đẩy mạnh hợp tác kinh tế hai nước?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà: Tại cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào, cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam và có ý kiến phản hồi, nhấn mạnh các dự án Việt Nam đang đầu tư tại Lào đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Lào; ghi nhận sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Lào để sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào.

Đầu tư của Việt Nam hiện đứng thứ ba tại Lào. Phía bạn đánh giá cao việc hai bên duy trì đà phát triển quan hệ thương mại và đầu tư song phương ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, song cho rằng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 1,2 tỷ USD dù tăng hơn 33% so với năm 2020 vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại mỗi nước.

Bạn nhất trí hai bên cần có các giải pháp đột phá để nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thành một trụ cột quan trọng tương xứng với quan hệ chính trị đặc biệt giữa hai nước; tiếp tục quan tâm, có biện pháp hiệu quả giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam và các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với quan điểm cho rằng, quan hệ đặc biệt thì cũng cần phải có những cơ chế chính sách đặc biệt để đẩy mạnh hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp nỗ lực tự thân, khắc phục khó khăn, có chính sách phù hợp với thị trường, phong tục tập quán của Lào để đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư có bước đột phá.

Với quyết tâm chính trị ở các cấp, của cả hai bên, chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ gia tăng mạnh mẽ, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Thông tin doanh nghiệp:
Cách sử dụng kí tự đặc biệt để làm đẹp chữ kí số

Trong thời đại số hóa, chữ kí số không chỉ đơn thuần là một công cụ xác minh danh tính mà còn phản ánh phong cách và cá tính của người sử dụng. Để tạo nên sự khác biệt, việc thêm kí tự đặc biệt vào chữ kí số đang trở thành một xu hướng độc đáo. Nhưng làm sao để sử dụng kí tự đặc biệt đúng cách và hiệu quả? Hãy cùng khám phá!

Cách sử dụng kí tự đặc biệt để làm đẹp chữ kí số
Return to top