Thế giới

Lời cảnh báo trở thành hiện thực

ClockThứ Năm, 29/10/2015 07:18
TTH - Đầu tuần này, một động thái thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế tại khu vực Biển Đông là việc Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực 12 hải lý, gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc tôn tạo trái phép trên vùng biển này. Việc đưa tàu vào tuần tra sáng 27/10 (theo giờ Việt Nam) được coi là một động thái hiện thực hóa những thách thức và cảnh báo lâu nay của Mỹ đối với hành vi làm “thay đổi hiện trạng” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Gettyimages

Trước đó, Mỹ vẫn thường đưa ra những lời cảnh báo rằng, hành vi cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo mà Trung Quốc ngang nhiên tiến hành là hành vi không được chấp nhận, làm đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải trong khu vực. Đây cũng được xem là thách thức mạnh nhất mà Washington thực hiện nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, bằng tuyên bố thiết lập lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo nói trên.

Phù hợp luật pháp quốc tế

WSJ ngày 28/10 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen gần bãi Subi và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn thành mà không gặp sự cố nào. Được biết, đây từng là những bãi đá chìm khi nước triều dâng cao, trước khi Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo hồi năm 2014.

Quan chức này nói thêm, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục điều động tàu chiến đến tiếp cận các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông: “Chúng tôi sẽ tái thực hiện động thái này. Chúng tôi hoạt động trên vùng biển quốc tế vào thời điểm và khu vực theo lựa chọn của chúng tôi. Đây sẽ là một hoạt động thường xuyên và hoàn toàn dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế”.

Trong một động thái liên quan, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề xuất tăng cường hoạt động tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp. Trước đó, Washington đã từng nhiều lần tuyên bố nước này không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển ở xung quanh các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner chỉ rõ, Mỹ sẽ không cần phải tham khảo ý kiến của bất kỳ quốc gia nào khác, nếu nước này quyết định tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, “điểm cốt lõi của tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế là bạn không cần phải tham khảo ý kiến với bất cứ ai”.

Phản ứng đa chiều

Trước sự xuất hiện của khu trục hạm USS Lassen tại khu vực 12 hải lý xung quanh 2 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, các quốc gia đã có những phản ứng khác nhau liên quan đến động thái này.

Phát biểu trước báo giới ngày 27/10, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, “tất cả chúng tôi đều hoan nghênh sự cân bằng về quyền lực ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Một khi chiến hạm Mỹ tuân theo luật lệ quốc tế, chúng tôi không thấy có vấn đề bất ổn. Thật không phù hợp khi một quốc gia nói ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn cản các tàu bè khác”.

Đồng quan điểm với Philippines, Bộ Quốc phòng Australia cũng ra thông cáo khẳng định, “điều quan trọng là theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải-hàng không, và Biển Đông không phải là ngoại lệ. Chính vì thế, Australia ủng hộ mạnh mẽ các quyền này”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay, hiện Australia không tham gia các hoạt động cùng với Mỹ trên Biển Đông, nhưng nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Washington và các đối tác khác trong khu vực về an ninh hàng hải, bởi “Australia có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

USS Lassen là loại tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được trang bị tên lửa dẫn đường cùng các loại tên lửa phòng không, đánh chặn và ngư lôi. Trong quá trình hoạt động, máy bay tuần biển và săn ngầm hiện đại P-8A Poseidon sẽ hộ tống cho USS Lassen từ trên cao.

Cùng ngày 27/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông nên “kiềm chế”, đồng thời hối thúc Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết những căng thẳng tại vùng biển hiện nay. Tuy nhiên, ông Widodo không đề cập trực tiếp đến hành động của Mỹ, mà chỉ nhấn mạnh lập trường trung lập của Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á: “Indonesia sẵn sàng đóng góp vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp tại đây”.

Trong một phản ứng trái chiều đáng quan tâm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố, Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến tự do hàng hải và các chuyến bay, nhưng “kiên quyết phản đối việc gây tổn hại đến lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc với danh nghĩa là tự do hàng hải và hàng không”. Theo tuyên bố trên, “Bắc Kinh sẽ kiên quyết đối phó với hành động khiêu khích từ các nước khác, đồng thời tiếp tục giám sát trên không và trên biển, cũng như sẽ có thêm hành động khi cần thiết”.

Biển Đông là vấn đề khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nỗ lực tìm cách tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ CNN, WSJ & The Diplomat)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top