Thế giới

Hàn Quốc quyết định gia nhập hiệp định CPTPP

ClockThứ Bảy, 16/04/2022 17:03
TTH.VN - Hãng thông tấn Yonhap ngày 15/4 đưa tin Hàn Quốc đã quyết định tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục xuất khẩu trước những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.

Lợi ích của Hàn Quốc khi tham gia CPTPPHàn Quốc sẽ quyết định việc tham gia CPTPP trước tháng 6

11 quốc gia thành viên của CPTPP hiện chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2020. Ảnh: CAND

Cuối năm ngoái, Hàn Quốc đã khởi động tiến trình gia nhập CPTPP - một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định đã được ký kết vào tháng 3/2018 tại Chile, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12 năm đó với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Giới chức Hàn Quốc cho biết kế hoạch gia nhập CPTPP đã được thông qua tại cuộc họp liên bộ trưởng liên quan đến kinh tế ngày 15/4, và Chính phủ Hàn Quốc sẽ chính thức đệ đơn xin gia nhập sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước, bao gồm cả báo cáo lên Quốc hội.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo khẳng định “việc gia nhập hiệp định mang ý nghĩa quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta ứng phó tốt hơn với hoàn cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, các quốc gia thành viên của CPTPP chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu trị giá khoảng 5,2 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

CPTPP là phiên bản đàm phán lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn đầu. Tuy lúc đầu đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập TPP, nhưng vào năm 2017, Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đệ trình đơn đăng ký gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào ngày 9/5 tới. Chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol được kỳ vọng ​​sẽ tiến hành các cuộc đàm phán sau đó về tư cách thành viên của nước này trong CPTPP, ước tính ​​sẽ mất ít nhất khoảng một năm.

Bộ Thương mại Hàn Quốc khẳng định chính phủ đã “xem xét kỹ lưỡng việc tham gia CPTPP trong 8 năm qua và quyết định gia nhập được đưa ra sau khi cân nhắc các giá trị kinh tế và chiến lược”.

Theo ước tính của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, việc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư cho Hàn Quốc, làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm 0,33%-0,35%.

Trước mối lo ngại của nông dân và ngư dân trong nước về việc tham gia CPTPP có khả năng gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và ngư nghiệp nội địa, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ nỗ lực phản ánh những vấn đề của các lĩnh vực có khả năng bị ảnh hưởng càng nhiều càng tốt trong các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP và đưa ra các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

Theo đánh giá của Chính phủ Hàn Quốc, việc mở cửa thị trường có khả năng khiến sản lượng trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này giảm tới 440 tỷ won (358,01 triệu USD) mỗi năm trong 15 năm tới, và sự tăng trưởng nhập khẩu thủy sản như dự kiến ​​cũng sẽ làm giảm sản lượng địa phương, với giá trị lên tới 72,4 tỷ won mỗi năm.

Ngoài Hàn Quốc, Đài Loan, Ecuador và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, trong khi Anh đã bắt đầu quá trình đối thoại để gia nhập hiệp định.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Châu Á năm 2024: Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn

Hãng tin CNBC dẫn nhận xét từ Giám đốc điều hành Công ty tư vấn RiverPeak Group Curtin S. Chin và nhà phân tích khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Jose B. Collazo cho biết, giống như năm 2023, năm 2024 dường như không mang lại nhiều điều đáng mừng cho người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vẫn còn đó những hi vọng và niềm vui.

Châu Á năm 2024 Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn
Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

Theo số liệu chính thức vừa được Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố ngày 24/12, Hàn Quốc đã chính thức trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 20%, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp ở mức đáng báo động.

Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”
Return to top