|
Du khách quốc tế tham quan thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN |
Được biết, báo cáo mới nhất của UN Tourism nhằm theo dõi thường xuyên các xu hướng du lịch ngắn hạn, qua đó cung cấp cho các bên liên quan trong ngành du lịch những phân tích mới nhất về du lịch quốc tế.
Nhận định về những kết quả tích cực này, Tổng Thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili cho rằng: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu du lịch là một tin tuyệt vời cho các nền kinh tế trên toàn thế giới. Chi tiêu của du khách đang tăng thậm chí còn mạnh hơn cả lượng khách đến, điều này có tác động trực tiếp đến hàng triệu việc làm và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời đóng góp quyết định vào cán cân thanh toán và doanh thu thuế của nhiều nền kinh tế”.
Tổng cộng 35 trong số 43 quốc gia có dữ liệu về doanh thu đã vượt mức được ghi nhận trước đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia báo cáo mức tăng trưởng hai chữ số so với năm 2019 (tính theo tiền tệ địa phương) trong 8 - 9 tháng đầu năm nay.
Những quốc gia có thành tích tốt nhất về doanh thu là Serbia (+99%), khi doanh thu gần như tăng gấp đôi (so với cùng kỳ năm 2019), cũng như Pakistan (+64%), Romania (+61%), Nhật Bản (+59%),… Trong số những quốc gia có mức doanh thu cao nhất thế giới, Nhật Bản (+59%), Thổ Nhĩ Kỳ (+41%) và Pháp (+27%) đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số đến tháng 9/2024.
Bên cạnh đó, dữ liệu về chi tiêu du lịch quốc tế cũng phản ánh xu hướng tương tự, đặc biệt là ở các thị trường nguồn lớn như Đức (+35% so với năm 2019), Mỹ (+33%) và Pháp (+11%).
Mặc dù các kết quả nhìn chung mạnh mẽ, UN Tourism lưu ý, vẫn còn một số thách thức về kinh tế, địa chính trị và khí hậu. Ngành du lịch vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong hoạt động du lịch và lữ hành, cụ thể là giá di chuyển và lưu trú cao, cũng như giá dầu biến động. Các cuộc xung đột và căng thẳng lớn trên thế giới tiếp tục tác động đến niềm tin của người tiêu dùng, trong khi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu hụt lao động cũng là những thách thức quan trọng đối với hiệu suất du lịch.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ UN Tourism)