Thế giới

Biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền ngày càng tăng

ClockThứ Bảy, 24/06/2023 19:12
TTH.VN - Các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 đưa ra cảnh báo rằng nguy cơ mắc các bệnh do virus lây truyền từ muỗi như sốt xuất huyết và chikungunya ở châu Âu ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
leftcenterrightdel
 Các bệnh do muỗi truyền ngày càng có xu hướng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), do châu Âu đang có xu hướng ấm dần lên, với các đợt nắng nóng và lũ lụt diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đồng thời mùa hè kéo dài và nhiệt độ cao hơn đã dẫn đến các điều kiện thuận lợi hơn cho các loài muỗi xâm lấn như Aedes albopictus và Aedes aegypti. 

Trong một báo cáo, trung tâm này cho biết muỗi Aedes albopictus (hay còn gọi là muỗi vằn châu Á) - vật trung gian truyền virus chikungunya và sốt xuất huyết, đã tự hình thành và được ghi nhận ở các khu vực xa hơn về phía bắc và phía tây châu Âu. Trong khi đó, một loài muỗi khác là Aedes aegypti - truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da, chikungunya, zika và virus Tây sông Nile, đã xuất hiện ở Síp từ năm 2022 và có thể lan sang các nước châu Âu khác.

Dữ liệu do ECDC công bố là một cảnh báo rõ ràng rằng biến đổi khí hậu, cũng như các yếu tố như di cư và thay đổi sử dụng đất, dường như đang góp phần vào sự lây lan của các bệnh do muỗi truyền trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng.

Một thập kỷ trước, muỗi Aedes albopictus đã xuất hiện ở 8 quốc gia châu Âu, với 114 khu vực bị ảnh hưởng. Đến năm nay, muỗi đã xuất hiện ở 13 quốc gia và ảnh hưởng đến 337 khu vực ở châu Âu, theo dữ liệu của ECDC.

Giám đốc ECDC Andrea Ammon cho biết: “Nếu điều này tiếp tục, chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp mắc bệnh hơn và có thể tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết, chikungunya và sốt Tây sông Nile”. Theo đó, bà Ammon nhấn mạnh các nỗ lực cần tập trung vào các cách kiểm soát quần thể muỗi, tăng cường giám sát và thực thi các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Trước đây, các bệnh này được du nhập từ nước ngoài, nhưng “hiện tại, chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh ngay trong nước”, bà Ammon cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Theo ECDC, các cách để kiểm soát quần thể muỗi bao gồm loại bỏ nước đọng nơi muỗi sinh sản, sử dụng thuốc diệt bọ gậy thân thiện với môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về kiểm soát muỗi.

Để tự bảo vệ mình, mọi người có thể sử dụng màn chống muỗi, ngủ hoặc nghỉ ngơi trong phòng có màn che hoặc điều hòa, mặc quần áo che gần hết cơ thể và sử dụng thuốc chống muỗi, ECDC nêu rõ, trong đó nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức về các bệnh lây truyền qua muỗi là điều cần thiết.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết. Trong khi khoảng 80% trường hợp nhiễm bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng vẫn có các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chảy máu trong, tổn thương nội tạng và tử vong.

Sốt Chikungunya, một căn bệnh suy nhược được cho là đã lây nhiễm cho hàng chục nghìn người, lần đầu tiên được xác định ở châu Phi vào năm 1953. Bệnh gây đau nhức dữ dội ở các khớp nhưng hiếm khi gây tử vong. Hiện vẫn chưa có vaccine cho Chikungunya và bệnh này chủ yếu được điều trị bằng thuốc giảm đau.

Dữ liệu của ECDC cũng cho biết có 1.339 ca sốt Tây sông Nile (West Nile) mắc phải tại địa phương, trong đó có 104 trường hợp tử vong, đã được báo cáo ở châu Âu vào năm 2022, con số cao nhất kể từ khi xảy ra dịch bệnh vào năm 2018. Các triệu chứng sốt Tây sông Nile có thể bao gồm nhức đầu, sốt, đau cơ và khớp, buồn nôn và mệt mỏi. Những người bị sốt West Nile thường tự hồi phục, mặc dù các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.

Nguy cơ sốt rét quay lại

Ông Peter Sands - người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, từng dự báo bệnh sốt rét có thể quay trở lại châu Âu do biến đổi khí hậu. Ông Sands tin rằng đại dịch tiếp theo có khả năng là “một căn bệnh đã có sẵn trong chúng ta”, và biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy nó trở thành đại dịch.

Châu Âu đã thành công trong việc loại trừ bệnh sốt rét thông qua một chương trình quy mô lớn về phun thuốc diệt côn trùng, thoát nước đầm lầy và điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, Địa Trung Hải vẫn hoàn toàn thích hợp cho việc truyền bệnh sốt rét.

Báo cáo mới nhất từ ECDC về bệnh sốt rét hôm 23/6 cho thấy hơn 99% trong số 4.800 trường hợp mắc bệnh trong khu vực vào năm 2021 có liên quan đến du lịch. ECDC cho biết bệnh sốt rét “vẫn là một nguy cơ đối với EU/EEA và cần phải giám sát, chuẩn bị và phòng ngừa bệnh sốt rét liên tục ở EU/EEA”.

Cũng theo bà Ammon, điều cần thiết là nghiên cứu thêm để hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các bệnh truyền nhiễm này cũng như nghiên cứu thêm về các biện pháp kiểm soát muỗi bền vững và thân thiện với môi trường. Người đứng đầu ECDC cho biết năng lực của phòng thí nghiệm để giám sát là cần thiết, cũng như nâng cao nhận thức của công chúng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Kyodo & AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top