Thế giới

Báo thế giới viết gì về đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày khai trương

ClockThứ Ba, 09/11/2021 15:46
Đưa tin về việc khai trương đường sắt Cát Linh - Hà Đông, báo chí thế giới cho biết đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông và ô nhiễm ở Hà Nội.

AFP cho hay, là một thành phố có hơn 5 triệu xe máy, nhưng Hà Nội hôm 6.7 đã khai trương tuyến đường sắt đô thị đầu tiên khi chính quyền cố gắng giảm bớt ùn tắc giao thông và ô nhiễm vốn đã tồn tại từ lâu ở thủ đô Việt Nam.

Sau nhiều năm trì hoãn và chi phí xây dựng tăng gần gấp đôi, chuyến tàu đã rời ga Cát Linh, gần trung tâm thành phố, để bắt đầu hành trình dài 13km về phía Hà Đông, nơi tập trung dân cư đông đúc.

“Tôi quyết định thử đi thử vì tò mò. Tôi rất vui vì tàu đã vận hành sau nhiều lần trì hoãn" - AFP dẫn lời chị Nguyễn Thị Thu, một người dân đi tàu trong ngày khai thác thương mại đầu tiên.

Những hành khách khác đến sớm để tạo dáng trước đoàn tàu mới sáng bóng, trong khi trẻ nhỏ trên tàu thích thú nhìn ra khung cửa sổ lớn ngắm cảnh Hà Nội khi tàu chạy.

Trẻ em thích thú ngắm cảnh khi tàu chạy. Ảnh: AFP

Thủ đô Hà Nội với 9 triệu dân được cả biết đến với lượng xe máy dày đặc đi lại trên đường phố hàng ngày. Số lượng xe máy lưu thông trên đường đã tăng từ 2 triệu chiếc năm 2008 lên 5,7 triệu chiếc vào năm 2020. Số lượng ô tô cũng tăng vọt trong cùng kỳ, từ 185.000 lên 700.000 chiếc.

Người dân thường mất hàng giờ trên đường vì tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên, nhưng ít người chọn đi xe buýt - phương tiện giao thông công cộng duy nhất có sẵn cho đến thời điểm hiện tại.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, lưu lượng giao thông lớn cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở thủ đô. Thành phố thường xuyên ghi nhận chỉ số không khí không có lợi cho sức khoẻ trong những tháng mùa đông.

Ngày 6.11, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) nhấn mạnh rằng đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ giải quyết những vấn đề đó. Nó sẽ giúp “giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thay đổi giao thông trong nội thành” - ông nói.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông đã mất một thập kỷ để hoàn thành, việc xây dựng bị gián đoạn nhiều lần do các vấn đề an toàn và chi phí tăng cao khiến dự án bị đội vốn lên gần 900 triệu USD so với ngân sách ban đầu là 550 triệu USD. AFP cho hay Hà Nội sẽ có thêm 9 tuyến nữa vào năm 2030.

Bài viết trên Nikkei về đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh chụp màn hình

Với tiêu đề "Đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động", tờ Nikkei cho biết, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam - dự án trị giá khoảng 900 triệu USD do Trung Quốc hỗ trợ - đã bắt đầu hoạt động tại Hà Nội hôm 6.11, sau thời gian dài bị trì hoãn để kiểm tra an toàn.

Tuyến metro số 2A của Hà Nội, được khởi công xây dựng vào năm 2011, là tuyến đường sắt dài 13km, gồm 12 ga nối Yên Nghĩa với Cát Linh ở trung tâm Hà Nội. Việt Nam đã chi trả phần lớn dự án với sự hỗ trợ phát triển chính thức từ Trung Quốc. Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc số 6 - một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - là nhà thầu của dự án.

"Tôi đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Tôi nghĩ việc di chuyển trong thành phố sẽ trở nên thuận tiện hơn" - tờ Nikkei dẫn lời một người dân Hà Nội 55 tuổi đi tàu cho biết.

Mỗi đoàn tàu gồm bốn toa và có thể vận chuyển khoảng 900 hành khách. Tàu có tốc độ tối đa là 80km/h. Đi toàn bộ tuyến đường mất khoảng 23 phút. Giá vé ngày là 30.000 đồng/người không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày. Giá vé tháng có các mức từ 100.000-200.000 đồng/người cho sinh viên hoặc hành khách phổ thông. Thành phố Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người dân đi tàu trong 15 ngày đầu kể từ ngày khai trương.

Nikkei cho biết thêm, Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án đường sắt đô thị khác. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ thương mại phía Nam của Việt Nam, Hitachi và các công ty Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng một tuyến đường sắt, trong khi một công ty khác ở Hà Nội nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Pháp và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Người dân thích thú trải nghiệm đi tàu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 6.11, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã bàn giao cho chính quyền Hà Nội quản lý và khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc xây dựng. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trên cả nước đi vào hoạt động thương mại.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức khởi công vào tháng 10.2011. Quá trình chạy thử hoàn thành vào tháng 12.2020, với hơn 70.000km chạy thử trên hàng nghìn chuyến, cho phép hệ thống vận hành thương mại - Tân Hoa Xã thông tin thêm.

Theo Laodong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam
Return to top