Thế giới

Báo Mỹ ca ngợi Việt Nam là “thung lũng Silicon” của Đông Nam Á

ClockThứ Hai, 07/09/2015 14:47
TTH.VN - Báo công nghệ PCMag của Mỹ nhận định, Việt Nam là thung lũng Silicon ở Đông Nam Á nhờ có đội ngũ lập trình viên, kỹ sư và doanh nhân giỏi.

PCMag đưa tin, với dân số hơn 93,5 triệu người và độ tuổi trung bình vào khoảng 30,3, nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi đội ngũ lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và sinh viên trẻ tuổi. Họ không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn dẫn đầu trong các hoạt động đổi mới công nghệ.

Tờ báo công nghệ của Mỹ cho rằng, công nghệ ở Việt Nam đang bùng nổ với lợi thế lớn về nhân lực. Số lượng các lập trình viên, kĩ sư, doanh nhân trẻ cũng như sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng tăng.

bao my ca ngoi viet nam la "thung lung silicon" cua dong nam a hinh 0
Việt Nam có nhiều trung tâm CNTT lớn.

PCMag giới thiệu về khu công nghệ cao Đà Nẵng (Da Nang Hi-Tech Park) - một trong nhiều dự án thuộc kế hoạch phát triển CNTT tới năm 2020 của Việt Nam, bao gồm nhiều văn phòng và nhà máy phục vụ cho số lượng ngày càng tăng các công ty phần mềm và công nghệ thông tin quốc tế.

Cách đây 15 năm, gần như chưa có một công ty công nghệ nào ở Việt Nam, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT chuyên về phần cứng, phần mềm và nội dung số.

PC Mag dẫn lời Giám đốc điều hành của Công viên Phần mềm Quang Trung – một trong những công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam cho hay, chính phủ Việt Nam coi ngành công nghệ cao là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, chính phủ đầu tư rất mạnh mẽ vào các cơ sở hạ tầng và xây dựng nhiều chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Mỗi năm, các trường đại học từ thủ đô Hà Nội tới Đà Nẵng và TP HCM đã cho ra đời hàng trăm kĩ sư phần mềm và CNTT có chất lượng. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã được tuyển ngay vào các công ty lớn như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony, và Toshiba. Ngày càng nhiều sinh viên tìm kiếm các quỹ đầu tư để khởi nghiệp sau khi ra trường.

Đà Nẵng – “Trái tim” công nghệ

Theo PC Mag, Đà Nẵng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, đồng thời cũng là một trung tâm công nghệ. Sau khi được đầu tư mạnh về hạ tầng như sân bay mới trị giá 60 triệu USD và hệ thống đường cao tốc trị giá 93 triệu USD, Đà Nẵng trở thành địa điểm tiềm năng để phát triển kinh tế quy mô lớn.

bao my ca ngoi viet nam la "thung lung silicon" cua dong nam a hinh 1
Tập đoàn công nghệ IBM xếp Đà Nẵng vào danh sách những thành phố mà hãng này lựa chọn để đầu tư chương trình trị giá 50 triệu USD.

Năm 2012, Đà Nẵng đã lọt vào danh sách 33 thành phố trên toàn thế giới được nhận tài trợ 50 triệu USD từ cuộc thi “Thành phố Thông minh hơn” của IBM (IBM Smarter Cities Challenge). Khoản tiền này được đầu tư cho chương trình 3 năm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giao thông và đô thị hóa của thành phố.

Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM tại Việt Nam nhận định, Đà Nẵng đang phát triển nhanh và được quy hoạch tốt. Điều này đã giúp thành phố có được một lợi thế hoàn hảo để thực hiện những sáng kiến phát triển kinh tế mới.

PC Mag cho rằng Việt Nam có ba trường đại học đào tạo về CNTT quy mô lớn, đó là Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa TP HCM.  Các kỹ sư tốt nghiệp thường được tuyển vào các công ty CNTT ở từng khu vực.

PC Mag trích lời ông Nguyễn Bình, trưởng khoa CNTT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết, hầu hết sinh viên đều chọn ngành phần mềm. Toàn bộ chương trình đào tạo đại học đều hướng tới việc phát triển kỹ năng làm việc cho sinh viên thông qua các khóa học, bài giảng về những công nghệ đang được sử dụng rộng rãi.

Ông Bình cho hay, một số sinh viên tốt nghiệp làm cho các công ty lớn. Một số thành lập các công ty nhỏ với quy mô khoảng 10 đến 20 nhân viên. “Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện lớn cho các công ty mới thành lập tại Việt Nam như họ được miễn thuế trong vòng 8 năm đầu tiên. Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có nhiều chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty,” ông Bình nói.

TP HCM – “hạt nhân” công nghệ thông tin

Theo PC Mag, ngành CNTT của TP HCM đang phát triển “chóng mặt” với xu hướng thành lập các công ty mới.

Ông Dương Nguyễn Vũ, giám đốc đầu tiên của Viện John Von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cho hay, ông muốn xây dựng thế hệ các doanh nhân và các nhà công nghệ tiếp theo của Việt Nam. Ông tin rằng thế hệ trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết này chính là một ví dụ điển hình cho tiềm năng phát triển các công ty công nghệ mới (start-up) ở Việt Nam. 

bao my ca ngoi viet nam la "thung lung silicon" cua dong nam a hinh 2
TP HCM được cho là mảnh đất đầy tiềm năng cho các công ty CNTT mới khởi nghiệp.

Tuy nhiên, ông cho rằng, điểm hạn chế ở Việt Nam là chưa có suy nghĩ giống như tại Thung lũng Silicon. Mọi người vẫn ngại ngần trước quá nhiều rủi ro. Chỉ những người đã tiếp cận với sự đổi mới và tinh thần doanh nghiệp mới sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để lãnh đạo một start-up.

Bà Jeff Diana thuộc công ty phần mềm dành cho doanh nghiệp Atlassian cho hay: “Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm đầu tư và công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và TP HCM là trung tâm của tiến trình này.”

Atlassian hiện mở rộng các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với mong muốn thay đổi hệ thống giáo dục của Việt Nam và tạo ra nhiều lập trình viên có khả năng hơn.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế trong vòng 5 năm trở lại đây sẽ được chứng minh tại sự kiện phát triển gia công phần mềm CNTT Việt Nam (VNITO) vào tháng 10 tới.

Sự kiện này được tổ chức bởi công ty phần mềm Quang Trung và Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh. VNITO là cơ hội để ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam thể hiện mình với bạn bè thế giới.

Trần Ngọc (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top