Thế giới

ASEAN phải là “một con tàu không được chìm”

ClockThứ Năm, 10/08/2023 16:51
TTH.VN - Theo thông tin mới đăng tải trên trang Jakarta Post, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ví Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một con tàu phải nổi trong biển thách thức địa chính trị để người dân Đông Nam Á có thể hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thông điệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới Đại hội đồng AIPA-44Khám phá tiềm năng ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030Thái Lan dẫn đầu hệ sinh thái xe điện của ASEANCampuchia kêu gọi thúc đẩy quan hệ kinh tế ASEAN – MỹKêu gọi một ASEAN ngày càng trưởng thành

leftcenterrightdel
Lễ thượng cờ kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ASEAN. Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân 

“Con tàu lớn này phải tiếp tục ra khơi; Nó không được chìm vì chúng ta có trách nhiệm với hàng trăm tỷ người sinh sống trong khu vực”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày ASEAN ở Jakarta cho hay.

Tổng thống, đại diện Indonesia để đảm nhận vai trò chủ tịch hiệp hội năm nay đã nêu quan điểm của mình khi ASEAN đánh dấu 56 năm kể từ khi được thành lập bởi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vào ngày 8/8/1967.

Hơn nửa thế kỷ sau đó, ASEAN đã mở rộng thành viên với sự gia nhập của Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Trong khi đó, Timor Leste dự kiến sẽ gia nhập khối với tư cách là thành viên thứ 11 trong những năm tới.

Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ được tổ chức ở Jakarta vào tháng tới, Indonesia mong muốn giúp ASEAN duy trì vai trò trung tâm trong khu vực để có thể đối mặt với nhiều thách thức phía trước và ứng phó hiệu quả với các động lực toàn cầu.

“Chúng ta hãy làm việc cùng nhau để biến ASEAN trở nên quan trọng và biến khu vực trở thành trung tâm của sự tăng trưởng”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Dưới sự chủ trì của Indonesia, ASEAN đã tập trung vào thế mạnh của mình với tư cách là một cộng đồng kinh tế để phát triển các chương trình tăng cường chăm sóc sức khoẻ khu vực và cải thiện an ninh lương thực và năng lượng nhằm ứng phó với những diễn biến toàn cầu như COVID-19 và xung đột ở Ukraine.

Khối khu vực cũng đang tìm cách trở thành một trung tâm sản xuất xe điện và tăng cường sự ổn định và kết nối tài chính khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, 600 triệu dân của khu vực vẫn là trọng tâm của các ưu tiên của khối và thành công của khu vực nên được đo bằng việc liệu nó có mang lại “những lợi ích thực sự, cụ thể và hữu hình” cho cuộc sống của người dân hay không. Đổi lại, chính người dân là những người cuối cùng sẽ đảm bảo sự trường tồn của cộng đồng ASEAN.

Trọng tâm kinh tế

Theo nghiên cứu về Tình hình Đông Nam Á năm 2023 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), phù hợp với vai trò chủ tịch định hướng kinh tế của Indonesia, người dân Đông Nam Á đã quan tâm đến các vấn đề kinh tế.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.308 người được hỏi từ các học viện, doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự và phương tiện truyền thông từ khắp khu vực, qua đó cho thấy, gần 2/3 số người được hỏi lo sợ nhất về tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế.

Theo sau những lo ngại về kinh tế là lo lắng về khí hậu (chiếm 57,1%), trong khi khoảng cách kinh tế xã hội và căng thẳng quân sự gia tăng được xếp ở vị trí thứ ba, với 41,9% số người được hỏi cho rằng chúng đáng lo ngại.

Song dù tập trung vào kinh tế, một số nhà phân tích vẫn cho rằng ASEAN vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đảm bảo hoà bình khu vực.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi nhà nghiên cứu cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) Dewi Fortuna Anwar cho biết: “Hầu hết người dân ASEAN chưa hiểu được vai trò quan trọng của ASEAN và coi đó là điều hiển nhiên như thể hoà bình và an ninh khu vực tự đến”.

Theo đó, hoà bình, ổn định và an ninh khu vực là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Hoà bình và ổn định không tự đến mà phải được nuôi dưỡng.

Trong một ý kiến khác có liên quan, mặc dù ASEAN đã cố gắng cung cấp các đặc quyền trong khu vực như miễn thị thực đi lại và kết nối kinh tế, nhưng sự gắn kết và kết nối của khối với xã hội dân sự trong những nỗ lực đó vẫn còn hạn chế. Trong đó, sự tham gia của xã hội dân sự, một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng ASEAN hướng tới người dân phụ thuộc vào mối quan hệ mà các quốc gia thành viên có với nhóm.

Nếu các quan chức cấp cao của ASEAN gần gũi với xã hội dân sự, họ sẽ sẵn sàng tham gia hơn.

Mối quan tâm về an ninh

Indonesia lên nắm quyền chủ tịch luân phiên của khối ASEAN vào thời điểm quan trọng trong lịch sử, vốn đã bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch thảm khốc và khủng hoảng khí hậu, đồng thời cũng bao gồm cả tác động của biến động kinh tế và xung đột.

Trong vài năm qua, những vấn đề này, cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường đã thách thức sự thống nhất của khối.

Mặc dù vậy, Tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh sự tin tưởng của ông đối với ASEAN, qua đó khẳng định nó là một ví dụ về cách một khu vực rất đa dạng có thể chung sống hài hoà và cho thấy sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên không nhất thiết là rào cản để đạt được các mục tiêu chung.

Ông nhận xét: “Những thách thức và động lực toàn cầu ngày nay không hề dễ dàng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Nhưng tôi tin rằng ASEAN có thể vượt qua tất cả, miễn là khối đoàn kết”.

Dưới sự lãnh đạo của Indonesia, ASEAN đã và đang nỗ lực tiếp tục thể chế hoá các biện pháp bảo vệ nhân quyền, củng cố các chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân và hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một trong những điểm nóng lớn nhất của khối.

Đan Lê (Lược dịch từ The Jakarta Post)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top