ClockThứ Năm, 09/06/2022 07:00

Nâng nền đường, dân lo ngập

TTH - Việc nâng cao độ nền đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu nằm trong Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lũ tại các tuyến đường chính kết nối các KĐTM và khu hành chính tập trung tỉnh. Tuy nhiên, người dân cho rằng, nâng cao độ nền đường “vô hình trung” tạo thành những con đê ngăn nước lũ, gây ngập úng trong khu dân cư hiện hữu.

Ngầm hóa đường dây trung, hạ thế ở một số tuyến đường

 

Nhiều tuyến đường trong KĐTM An Vân Dương bị ngập trong trận lũ cuối năm 2020

Lo lắng

Trận lũ lịch sử cuối năm 2020 đã để lại trong người dân khu vực phường Xuân Phú, An Đông (TP. Huế) “ký ức” kinh hoàng khi hàng loạt nhà cửa, trục giao thông chính trong khu vực bị ngập sâu từ 0,5-1m, làm “tê liệt” khu dân cư trong nhiều ngày.

Mới đây, hạng mục nâng cấp đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA) triển khai với việc nâng cao độ nền đường lên 0,5m, nhiều hộ dân lo lắng về tình trạng tiêu thoát lũ khi có mưa lớn. Hiện các đơn vị thi công đã hoàn thành xây nền gạch 2 bên đường và đổ đất đá nâng cao độ nền đường một số đoạn trên tuyến. Riêng đường Tố Hữu đoạn nối tại khu vực bùng binh trở về đường Võ Văn Kiệt đang tiến hành rào chắn, cấp phối đá dăm…

Ông Trần Văn Nam, một hộ dân phường An Đông cho biết, những năm gần đây, tình trạng ngập lụt trong KĐTM An Vân Dương ngày một rõ rệt hơn, do nhiều công trình xây dựng mới chắn đường thoát lũ tự nhiên ra đồng ruộng. Đầu năm 2022, thấy đơn vị thi công xây tường chắn gạch, đổ đất đá cấp phối nâng cao độ nền đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, bà con rất lo lắng.

Thi công nâng cao độ mặt đường Võ Nguyên Giáp

Từ trận lũ năm 2020, một số khu dân cư thuộc phường đã ngập úng, tiêu thoát nước chậm, nhiều nơi phải di chuyển bằng thuyền trong nhiều ngày. Nay nền đường cao hơn nửa mét, giao thông sẽ thuận lợi hơn nhưng vô tình tạo thành “đê” ngăn nước, làm cho việc thoát lũ chậm hơn. Đến mùa mưa lũ, nhiều nơi sẽ ngập cục bộ, nếu lượng mưa lịch sử như cuối năm 2020 thì không biết sẽ ra sao.

Hạng mục nâng cấp đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp bao gồm 2 gói thầu. Gói thầu số 26 được khởi công vào tháng 10/2019, dự kiến hoàn thành 10/2023 với tổng chi phí xây dựng hơn 141 tỷ đồng. Gói thầu 26 gồm cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm KĐTM An Vân Dương (đường Võ Nguyên Giáp và Tố Hữu), do Công ty CP Thành Đạt thi công; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh, cấp nước tưới cây, họng cứu hỏa, xây dựng vỉa hè.

Người dân lo lắng khi nâng mặt đường sẽ gây ngập úng

Gói thầu số 39 gồm xây dựng đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp (phần nâng cao độ nền đường) và di dời trạm biến áp, do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 thực hiện. Hạng mục xây dựng gói thầu gồm nâng cao độ mặt đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, xây dựng 2 cống hộp ngang đường, di dời trạm biến áp và ngầm hóa đường dây trung hạ thế. Tổng chi phí xây dựng của gói thầu là 92,5 tỷ đồng, gói này được khởi công từ 3/2022, dự kiến hoàn thành 9/2023.

Theo Ban Quản lý DA, mục đích thi công các hạng mục nhằm cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị. Cải tạo cảnh quan và không gian xanh công cộng, góp phần chỉnh trang đô thị trở nên xanh sạch đẹp và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Chính phủ. Giảm thiểu tình trạng ngập lũ tại các tuyến đường chính kết nối các KĐTM và khu hành chính tập trung tỉnh.

Đảm bảo tiêu thoát lũ

Theo Ban Quản lý DA, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ, nước biển dâng nên tác động không nhỏ đến KĐTM An Vân Dương và vùng phụ cận. Để đảm bảo thoát nước tự nhiên theo hướng từ tây sang đông, nam xuống bắc đổ ra biển, quy hoạch cũng đã thiết kế cao độ nền xây dựng khu đô thị thấp dần từ tây sang đông và từ nam xuống bắc.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý DA thông tin, đường Tố Hữu thuộc Khu A – KĐTM An Vân Dương, đường Võ Nguyên Giáp thuộc Khu A và Khu B – KĐTM An Vân Dương.

Tuyến đường Tố Hữu đang được nâng cao độ mặt đường lên 0,5m

Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu A được phê duyệt tại Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 27/11/2007 của UBND tỉnh. Theo đó, cốt thiết kế giao thông trên trục đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp thấp nhất là 2,1m và cốt cao nhất là 2,2m. Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu B được phê duyệt tại Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của UBND tỉnh. Theo đó, cốt thiết kế giao thông trên trục đường Võ Nguyên Giáp là 2,1m. Điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu A được phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019 của UBND tỉnh. Theo đó, cốt thiết kế giao thông trên trục đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp được điều chỉnh thành 2,64m.

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch Khu A - KĐTM An Vân Dương, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh đã phối hợp các sở, địa phương và Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế để nghiên cứu điều chỉnh cốt cao độ và hành lang thoát lũ.

Thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2020, TP. Huế bị ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão lớn, gây mưa lớn kéo dài làm nước các sông dâng cao gây ngập hầu hết toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn TP. Huế nói chung và địa bàn KĐTM An Vân Dương nói riêng. Các trục đường chính trong KĐTM An Vân Dương đã hình thành đều ngập nước hoàn toàn dẫn tới giao thông ngưng trệ, đi lại rất khó khăn.

Trên cơ sở rà soát cao độ thiết kế được duyệt, cao độ thực tế các đợt lũ lớn trong năm 2020, ý kiến của các sở, ngành và cao độ quy hoạch điều chỉnh, việc điều chỉnh nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp và nâng cao độ các tuyến đường thuộc khu hành chính tập trung kết nối với 2 tuyến đường này và đường mặt cắt 36m, nhằm thích ứng tình hình ngập lụt, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững và giảm thiểu ùn tắc giao thông là thật sự cần thiết. Cao độ điều chỉnh cũng phù hợp với Quy hoạch phân khu Khu A - KĐTM An Vân Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh.

Ông Võ Văn Việt cho rằng, theo hiện trạng địa hình khu vực, mức nước lũ hàng năm và Quy hoạch san nền phân Khu A, B –KĐTM An Vân Dương, hướng thoát nước lũ theo hướng từ tây sang đông. Tại đồ án quy hoạch thoát nước phân Khu A, B, ngoài hệ thống thoát nước mưa, trong khu vực còn xây dựng các kênh đào nối thông các sông Phát Lát, An Cựu, Như Ý và xây dựng các hồ điều hòa để giảm thiểu tình trạng ngập lũ khi nâng cốt cao độ tuyến đường.

“Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ngập úng khi nâng cốt cao độ 2 tuyến đường, đơn vị thiết kế đã thiết kế bổ sung các cống ngang đường. Theo đó, bổ sung 1 cống hộp 4x4m tại vị trí cống 3 cửa trên đường Võ Nguyên Giáp trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Phát Lát đến kênh sinh thái. Bổ sung 1 cống hộp 2x4x4m trên đường Tố Hữu trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Lăng Xá Cồn đến sông Như Ý”, ông Võ Văn Việt cho biết.

Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu tổng thể việc thoát lũ và phương án khắc phục của TP. Huế và của vùng phụ cận, bao gồm cả KĐTM An Vân Dương. Sau khi có kết quả của đề án, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khắc phục cây xanh bị chết

Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu tiến hành rà soát, đánh giá tìm nguyên nhân các cây đã trồng bị khô héo và có các giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng cây phải trồng lại.

Khắc phục cây xanh bị chết
Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có dịp về Tuyên Quang, và lại được thăm Tân Trào- Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử
Không gian cho nước thoát

Để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, khu đô thị hiện nay, về lâu dài, quy hoạch cần phải đảm bảo cho không gian nước thoát ra sông Hương hoặc thoát về phía đông, ra đồng ruộng. Trong khi đó, việc nâng mặt đường chống ngập sẽ dẫn đến tăng chênh lệch cao độ với dân cư hiện hữu, đồng thời thay đổi lưu vực thoát nước nên cần phải có đánh giá tổng thể bao gồm cả khu vực lân cận.

Không gian cho nước thoát
Ngầm hóa đường dây trung, hạ thế ở một số tuyến đường

Ban Quản lý dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên Huế cho biết, để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh cho phép ngầm hóa đường dây trung, hạ thế thuộc một số đường chính trong Khu đô thị mới An Vân Dương.

Ngầm hóa đường dây trung, hạ thế ở một số tuyến đường

TIN MỚI

Return to top