ClockThứ Ba, 25/07/2023 06:36

Nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu

TTH - Nắng nóng gay gắt, kéo dài hay mưa lũ bất thường đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong nuôi trồng thủy sản đối với người dân. Thay đổi tư duy, phương thức nuôi thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu là điều bắt buộc.

Nuôi trồng thủy sản: Cần thích ứng biến đổi khí hậuNuôi trồng thủy sản an toàn: Hướng đi bền vững

leftcenterrightdel
 Cảnh thu tôm nuôi ven biển ở Phong Hải giờ hiếm thấy

Từ vài năm nay, các vùng nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền ảm đạm lạ thường, không còn sôi động như trước. Nếu như trước đây, người dân ngại nuôi, hoặc không nuôi tôm trong mùa nắng nóng thì nay cả trong điều kiện thời tiết mát mẻ cũng không thể thả nuôi. Cứ thả giống khoảng một vài tuần, hoặc một đến hai tháng thì tôm nuôi lại bị dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân.

Ông Mai Văn Lọng ở xã Phong Hải (Phong Điền) có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm chân trắng trên cát đến nay vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân tôm thường bị chết đột ngột. Trong khi đó, các biện pháp nuôi được áp dụng như nhiều vụ nuôi trước, thậm chí cải tiến hơn nhưng tôm nuôi vẫn bị dịch bệnh, chết. Ông Lọng chỉ có thể nhận định, do thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi thất thường khiến tôm nuôi không thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt.

Không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản mới nhằm thích nghi môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi nhiều hộ bỏ hoang ao hồ nuôi tôm thì một số hộ chuyển sang nuôi cá kình, bước đầu mang lại hiệu quả.

Ông Mai Văn Lọng nhận thấy, qua một số vụ nuôi đầu tiên, cá kình phù hợp với điều kiện môi trường, nguồn nước trên vùng cát xã Phong Hải và Ngũ Điền nói chung. Nuôi cá kình không mang lại thu nhập cao như nuôi chuyên tôm nhưng ít dịch bệnh, thu nhập ổn định, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Sắp đến, ông Lọng tiến hành nuôi thử nghiệm một số loại cá xen tôm chân trắng và nuôi chuyên một số loại cá đặc sản.

leftcenterrightdel
Kiểm tra tôm nuôi trên cát 

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu cho rằng, qua nhiều vụ nuôi thất bại trong những năm gần đây có thể khẳng định môi trường vùng nuôi, ao nuôi tôm, nguồn nước... đang có vấn đề. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu các giải pháp ứng phó với môi trường, nuôi tôm bền vững. Trước mắt, khuyến khích, vận động người dân chuyển sang nuôi cá kình và một số loài cá phù hợp nhằm có nguồn thu nhập ổn định và không bỏ phí ao hồ.

Không riêng nuôi tôm trên cát ven biển, cả nuôi cá lồng trên sông, đầm phá cũng đang gặp nhiều bất lợi do thời tiết, môi trường bất ổn. Cứ vào mùa nắng nóng, hay lũ đầu mùa thì cá nuôi như cá trắm, cá dìa... lại chết. Điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi phương thức và khung lịch thời vụ nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết.

Tiến sĩ Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng, với nuôi cá lồng trên sông, đầm phá phải thay đổi cơ cấu thời vụ, tránh tối đa nuôi vào thời điểm nắng nóng gay gắt, hay trong mùa mưa lũ. Để làm được điều này, khâu chọn kích cỡ cá giống phải lớn và đảm bảo chất lượng là rất quan trọng. Giống có kích cỡ lớn sẽ có khả năng thích nghi và chống chịu tốt hơn trong điều kiện thời tiết bất lợi so với giống kích cỡ nhỏ và nhanh cho thu hoạch. Điều này vừa hạn chế tối đa thiệt hại do nuôi vào thời điểm nắng nóng và có khả năng “vượt lũ”.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin, trung tâm đã và đang triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, như mô hình nuôi cua gạch thương phẩm, lươn đồng, cá đối, dìa, kình... Mới đây, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình thí điểm nuôi xen tôm, cua, cá đối sinh thái trong rừng ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền) với quy mô 2ha.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các hộ dân về chuẩn bị ao hồ đảm bảo và đã tiến hành thả con tôm thẻ với kích cỡ 3-5cm/con, mật độ 5 con/m2; cua kích cỡ 3-5cm/con, mật độ 0,2 con/m2 và cá đối kích cỡ 4-6cm/con, mật độ 0,2 con/m2. Qua kiểm tra, các đối tượng thủy sản đang phát triển và sinh trưởng tốt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương, ban ngành đã triển khai thành công một số mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại vùng cát ven biển Ngũ Điền đã nuôi thành công mô hình ốc hương, tôm nuôi thẻ chân trắng trong ao tròn diện tích nhỏ bằng công nghệ cao. Trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn có các mô hình nuôi cá “vượt lũ” với các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như nâu, mú, dìa... Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhân rộng các mô hình nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững trước xu thế biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.


Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ

Trong tình hình mưa lũ, các trường học ở vùng thấp trũng cần tính đến phương án dạy học linh hoạt để “sống chung” vói điều kiện thời tiết.

Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ

TIN MỚI

Return to top