ClockThứ Ba, 10/12/2019 07:00
QUẢN LÝ TÁI ĐÀN TRONG CHĂN NUÔI LỢN:

Không hỗ trợ cho các hộ tự ý tái đàn

TTH - Giá lợn hơi tăng cao. Tuy nhiên do tình hình dịch tả lợn châu Phi (TLCP) chưa có dấu hiệu ngưng, gây thiệt hại lớn, nên các hộ chăn nuôi vẫn không muốn tái đàn.

Chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển đàn lợn sau dịch

Người nuôi lợn nhỏ lẻ chưa mặn mà tái đàn

Ngại tái đàn

Hơn 2 tháng qua, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh. Đỉnh điểm, hộ nuôi Nguyễn Phú Cường, xã Thủy Vân (TX. Hương Thủy) xuất bán lứa lợn với giá cao nhất trong nhiều năm (75 ngàn đồng/kg lợn hơi). Tại các địa phương khác, thương lái thu mua lợn hơi với giá khoảng từ 72 đến 75 ngàn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so trước khi xảy ra dịch bệnh và cao nhất từ trước đến nay. Tại các chợ dân sinh, giá lợn hơi tăng cao khiến cho người bán cũng như người mua gặp khó khăn.

Hằng năm, gia đình bà Cao Thị Sương, xã Điền Hải (Phong Điền) vẫn duy trì vài cặp lợn trong chuồng để có thêm thu nhập và tận dụng nguồn thức ăn thừa trong gia đình. Thế nhưng từ khi địa phương xác nhận có xảy ra dịch TLCP gia đình không còn mặn mà với việc chăn nuôi lợn.

Bà Sương chia sẻ, với giá lợn hiện nay người chăn nuôi đang lãi rất khá, tuy nhiên chăn nuôi hiện nay của gia đình không mấy an toàn. Địa phương cũng đã khuyến cáo nếu chuồng trại không đảm bảo an toàn mà người dân cố tình nuôi sẽ không áp dụng chính sách hỗ trợ giá nên gia đình cũng không muốn tiếp tục nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ cảm thấy không an toàn với việc thả nuôi lợn trong điều kiện không đảm bảo nên đã chủ động chuyển đổi sang nuôi các loại gia cầm khác thay thế.

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng số đàn gà, vịt, bò, dê đều tăng từ 5% đến 30% so với thời điểm đầu năm. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy ngành chăn nuôi đang dần có những chuyển dịch đúng hướng. So với nuôi lợn hiện nay, lợi nhuận thu được từ việc chuyển đổi sang nuôi gà vịt, bò… không quá cao nhưng chi phí đầu tư thấp và ít xảy ra dịch bệnh. Nếu có dịch bệnh cũng đã có vắc xin dự phòng nên không quá lo ngại. Còn với dịch trên lợn sẽ rất lâu mới có nguồn vắc xin dự phòng nên nhiều người phải chuyển nghề.

Một số hộ muốn tái đàn cũng đang gặp một số khó khăn do nguồn con giống khá cao. Hiện giá lợn giống tốt ở mức 1,5-1,7 triệu đồng/con (10-12 kg). Nguồn lợn giống hiện tại ở các trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn dồi dào như trước. Nếu trước đây toàn tỉnh duy trì khoảng 25 ngàn con lợn giống thì hiện nay cũng dao động trong khoảng 18 ngàn con.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy chia sẻ, tình hình DTLCP trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các ổ dịch chưa được xử lý triệt để rất dễ tái bùng phát. Nếu tái đàn vào thời điểm này sẽ rất mạo hiểm cho người nuôi. Bằng chứng là một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã xảy ra dịch trước đó, khi tái đàn dịch bệnh đều quay lại (một số hộ chuyển sang chăn nuôi an toàn mới không xảy ra dịch). Điều này tạo nên tâm lý e dè trong các hộ chăn nuôi.

Giá tăng là cơ hội

Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn vẫn duy trì hơn 150.000 con. Số lượng con giống, nhất là ở các trang trại lớn vẫn đảm bảo cho việc tái đàn. Tuy nhiên, các trang trại lớn này chủ yếu không cung ứng ra bên ngoài mà tập trung quay vòng trong sản xuất. Hiện, trang trại của doanh nghiệp Marvil ở Phong Hiền (Phong Điền) có khoảng 6.000 con; Công ty CP 1-5 khoảng 3.500 con; Swine Line nuôi ở Phú Lộc khoảng 2.500 con; Công ty cổ phần CP liên kết với người dân ở Phong Điền, Quảng Điền khoảng 1.000 con...

Tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn cũng nằm trong dự báo của cơ quan chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, giá lợn tăng là một lợi thế. Vì khi giá lợn tăng, người chăn nuôi có lãi sẽ có thêm điều kiện để cải tạo, hoàn thiện lại quá trình chăn nuôi, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Hiện nhiều xã kiểm soát dịch bệnh rất tốt, có 58 xã, phường/172 xã, phường phát hiện dịch TLCP đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Các địa phương đã và đang rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn trong vùng đang không có dịch TLCP bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn; duy trì đảm bảo thật tốt các giải pháp trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh. Khuyến cáo những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học thì không nuôi tái đàn lợn. Các cơ sở cố tình tái đàn mà không khai báo với chính quyền và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra.

Theo ông Hưng, chủ trương chung thời điểm hiện tại, không cho nhập giống để tái đàn ngay sau khi xuất hiện dịch, mà phải đợi xử lý môi trường sạch bệnh. Đồng thời, thực hiện đúng theo khung kịch bản của Bộ NN&PTNT là địa phương cấp xã phải công bố hết dịch TLCP; địa điểm tái đàn phải đủ điều kiện vệ sinh môi trường; khi tái đàn chỉ nuôi 10% so với nhu cầu của hộ dân, trang trại. Sau khi tái đàn 30 ngày nếu kiểm tra âm tính với dịch TLCP mới cho tiếp tục tái đàn hết 90% còn lại, hạn chế thấp nhất việc tái phát dịch TLCP.

Trước khi tái đàn phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại… Đồng thời, người chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương cơ quan thú y trước khi thả nuôi để được theo dõi.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn chặn xuất, nhập lợn trái phép

Tại thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước khoảng 155 ngàn con, tăng 6.600 con, tương ứng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kiểm dịch, ngăn chặn xuất, nhập lợn trái phép được ngành chức năng quan tâm...

Ngăn chặn xuất, nhập lợn trái phép
Nuôi lợn bằng thảo dược

Lợn ngự - cái tên được công ty cp tập đoàn quế lâm (tập đoàn quế lâm) đặt cho giống lợn thương phẩm mới của đơn vị này, đang triển khai nuôi ở trang trại công ty và nông hộ. Là giống lợn thương phẩm “cao cấp” đầu tiên của cả nước, đang mở ra một “chương mới” cho mặt hàng nông sản của tỉnh.

Nuôi lợn bằng thảo dược
Chủ động tái đàn, đảm bảo nguồn cung

Đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000 hộ, cơ sở nuôi lợn ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi (TLCP). Hiện, các trang trại, doanh nghiệp đã trở lại tái đàn, tăng đàn khoảng 80.000 con.

Chủ động tái đàn, đảm bảo nguồn cung
Cuối quý III mới cơ bản đủ lợn giống cho sản xuất

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến tháng 7/2020, tổng đàn lợn nái của cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với 1/1/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020.

Cuối quý III mới cơ bản đủ lợn giống cho sản xuất

TIN MỚI

Return to top