ClockThứ Bảy, 24/09/2016 14:28

Bộ TT&TT đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng số

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, để Việt Nam phát triển bền vững trong cuộc cách mạng số cần tập trung phát triển nguồn lực con người, đưa ra chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng công nghệ mới, có chính sách hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT, đảm bảo an toàn thông tin để đối phó trước các nguy cơ tấn công mạng…

Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam  (Vietnam ICT Summit 2016) với chủ đề Cách mạng số - Cơ hội và thách thức diễn ra sáng ngày 24/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc ứng dụng CNTT-TT thực sự đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn đối với các quốc gia. Lĩnh vực CNTT-TT tạo ra việc làm cho hàng triệu doanh nghiệp và người lao động trên khắp thế giới, nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, đạt giá trị hàng tỷ đô la, cạnh tranh được với những tập đoàn lớn, chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn lãnh đạo Chính phủ tham quan triển lãm bên lề ICT Summit 2016

Xu hướng Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo, thiết bị di động thông minh đã làm thay đổi, “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh cho đến đô thị thông minh hay quốc gia thông minh. Chính việc ứng dụng CNTT-TT này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cá nhân, tổ chức và năng lực cạnh tranh của các quốc gia trên toàn cầu.

Bên cạnh những lợi ích, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định những thay đổi to lớn, mạnh mẽ có thể nhìn thấy, đi kèm với cuộc cách mạng này là những khó khăn, thách thức, thậm chí là những mối đe dọa tới an ninh quốc phòng của các quốc gia nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.

Sự kết nối mà điển hình là xu hướng IoT cũng mang lại những thách thức vô cùng lớn khi quy mô của hoạt động này đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống và lớn hơn rất nhiều so với những ứng dụng CNTT-TT trước đây.

Trong bối cảnh thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng số, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung tập trung quá nhiều vào những lợi ích, những mặt tích cực, các cơ hội và doanh thu khổng lồ và CNTT-TT mang lại mà chưa sẵn sàng, thiếu sự chuẩn bị để đối diện với mặt tiêu cực là những cuộc tấn công mạng ngày càng thường xuyên, dai dẳng với những kĩ thuật ngày càng hiện đại, tinh vi và phạm vi, quy mô tấn công ngày càng mở rộng.

Chính những nguy cơ hiện hữu này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp, các nhà quản lý về CNTT-TT phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về hoạt động đảm bảo an toàn thông tin mạng song song với việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT-TT.

Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, cả nước đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra cho chúng ta không gian phát triển rộng lớn.

Trong bối cảnh đó, CNTT-TT đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng Việt Nam thành một nước mạnh về CNTT-TT. Trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng số, vai trò của CNTT-TT cần phải được nâng lên một tầm cao mới. Để nắm bắt được thời cơ mà cuộc cách mạng số này mang lại, Bộ TT&TT đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam có thể “tăng tốc”.

Trước hết, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, ưu tiên số một phải tập trung là việc phát triển nguồn lực con người. Bộ TT&TT sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT đảm bảo chất lượng, chú trọng tăng nhanh tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện điều này, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc điều chỉnh chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với biến đổi nhanh của công nghệ và sự phát triển của cách mạng công nghiệp mới.

Cùng đó, Bộ TT&TT sẽ đưa ra các chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đưa ứng dụng CNTT tới mọi miền của tổ quốc. Đây là điều kiện quan trọng để tạo nên nền tảng cho nền kinh tế số của Việt Nam.

Bộ TT&TT sẽ đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam để đưa CNTT thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của đất nước đảm bảo thực hiện các chiến lược đã được Đảng và Nhà nước đề ra.

Xây dựng và ban hành các cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp CNTT-TT nói chung cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản để làm chủ công nghệ lõi thông qua các chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT phải là nhiệm vụ ưu tiên của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, là nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở nước ta. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT sẽ chủ động, tích cực xây dựng các chính sách, tiêu chí hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quốc gia.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ cùng các Bộ ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều phối, ứng cứu đảm bảo ATTT. Ngoài ra, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để xây dựng nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực ATTT.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, để tận dụng tốt những thuận lợi và vượt qua được các thách thức mà cuộc cách mạng số mang lại, ngoài vai trò chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự tham gia ủng hộ tích cực của cộng đồng các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT là hết sức quan trọng. Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng các cá nhân, doanh nghiệp sẽ nỗ lực, tham giam, đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động thúc đẩy cũng như đảm bảo an toàn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam.

Theo ICT News

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chi tiêu CNTT toàn cầu sẽ tăng lên gần 5,3 nghìn tỷ USD trong năm nay

Tờ The Edge Malaysia ngày 17/7 trích dẫn dự báo mới nhất của Gartner Inc., công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới cho hay, chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu được dự kiến sẽ đạt tổng cộng 5,26 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tương đương với mức tăng 7,5% so với năm 2023.

Chi tiêu CNTT toàn cầu sẽ tăng lên gần 5,3 nghìn tỷ USD trong năm nay
Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8% lên 5.060 tỷ USD trong năm 2024

Theo dự báo mới nhất của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin Gartner, chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến sẽ đạt tổng cộng 5.060 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo tăng trưởng 6,8% được đưa ra hồi tháng 1 và đưa chi tiêu CNTT toàn cầu đi đúng hướng để vượt ngưỡng 8.000 tỷ USD trước năm 2030.

Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8 lên 5 060 tỷ USD trong năm 2024
HUE-S đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

Chiều 19/8, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “HUE-S chuyển đổi số đồng hành cùng doanh nghiệp”. Qua đó, làm rõ định hướng, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS) trên nền tảng Hue-S; nhu cầu CĐS của cộng đồng DN và vai trò, cam kết của DN số tiên phong tích hợp các nền tảng hỗ trợ CĐS cho DN trên Hue-S.

HUE-S đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top