ClockChủ Nhật, 16/04/2017 14:38

Đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu khi vẫn còn lãng phí, gian lận thuế

Trong khi dư luận tiếp tục "nổi sóng" với đề xuất nâng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít xăng thì tình hình gian lận nhằm trốn thuế vẫn xảy ra tại các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và lãng phí vẫn xảy ra khi tiếp tục có dự án nghìn tỷ đồng "đắp chiếu" trên khu "đất vàng".

Lập luận nhằm đề xuất nâng khung thuế suất thuế BVMT đối với xăng dầu do Bộ Tài chính đưa ra vẫn chưa thuyết phục được dư luận

Tại cuộc họp báo quý I/2017 diễn ra đầu tuần này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít không tác động đến doanh nghiệp mà phải đến khi nâng mức thuế cụ thể mới có tác động. Nếu không tăng sẽ "gây thiệt hại cho quốc gia".

Một trong những cơ sở để ngành tài chính đề xuất nâng khung thuế suất đó là do giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn so với 136 nước trên thế giới, trong đó thấp hơn Lào 4.806 đồng/lít, Campuchia 2.826 đồng/lít, Singapore 16.175 đồng/lít và Hồng Kông 26.518 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu của Việt Nam hiện đang ở mức thấp: Tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức 37,24% với xăng, 21,14% với diesel, 11,5% với dầu hỏa và 18,4% với mazut. Trong khi, tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%.

Tuy nhiên, như người viết bài này đã trao đổi trong bài viết: Thuế xăng dầu lên 8.000 đồng/lít: “Lợi ích quốc gia” đâu phải dăm ba tỷ đô trước mắt?, thì những lập luận của đại diện Bộ Tài chính chưa thật sự thuyết phục. Bản thân nhiều độc giả Dân trí cũng đã gửi bình luận chia sẻ bức xúc với lập luận cho rằng giá xăng Việt Nam rẻ hơn các nước và lo ngại nhiều hệ lụy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nếu đề xuất này được thực thi.

Bởi, vấn đề cân đối ngân sách Nhà nước sẽ không thể giải quyết cốt lõi nếu như chỉ dựa vào những nguồn thu thiếu bền vững (như thuế BVMT với xăng dầu) mà gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (là nguồn thu bền vững cho ngân sách). Trong khi đó, chi thường xuyên dù nhiều năm quyết tâm siết chặt thì con số vẫn rất lớn, lên tới 211.200 tỷ đồng - gấp gần 5 lần so với mức chi cho đầu tư phát triển là 44.160 tỷ đồng.

Chưa kể, có những thời điểm, việc quản lý nguồn vốn đầu tư không chặt chẽ đã khiến hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước bị "ném" vào những dự không hiệu quả, mà điển hình là 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương. Cho đến nay, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo việc thực hiện xử lý, tồn tại yếu kém tại 12 dự án này với hơn 100 nhiệm vụ giao cho các tập đoàn, tổng công ty để thực hiện.

Rồi mới đây, theo thông tin báo chí, dự án khách sạn 5 sao Tam Cốc – Bích Động được cấp chứng nhận đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, sau nhiều năm xây dựng hiện đang nằm “đắp chiếu”, bỏ hoang trên khu “đất vàng” rộng 8 ha ngay ở thành phố Ninh Bình.

Khách sạn 5 sao ngàn tỷ đồng “đắp chiếu” trên khu “đất vàng”

Chưa kể, tình trạng gian lận, trốn thuế vẫn xảy ra rất tinh vi, mà trách nhiệm của cơ quan hải quan, chống buôn lậu là rất lớn.

Theo số liệu hải quan, trong tháng 3, xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập về đạt hơn 6.700 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với tháng 2 (4.160 chiếc), mức tăng 61%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1 triệu USD từ 73 triệu USD tháng 2 lên 74 triệu USD tháng 3, mức tăng 1,37%. Lượng xe mới nhập về tăng mạnh, giá rẻ thậm chí đã khiến dân buôn xe cũ "toát mồ hôi".

Mặc dù Tổng cục Hải quan cho biết vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào gian lận về xuất xứ song qua kiểm tra theo dõi, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp khai báo thấp hơn so với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế.

Điểm qua một số vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần qua có thể thấy, trong khi đề xuất nâng thuế BVMT với xăng dầu đang gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân thì trên thực tế, nguồn thu ngân sách vẫn có thể cải thiện thông qua việc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động gian lận, buôn lậu để chống thất thu, sử dụng từng đồng vốn đầu tư một cách hiệu quả, không lãng phí.

Hơn nữa, theo một thông tin từ VEPR, thì trong bối cảnh ngân sách khó khăn, điều bất ngờ là khoản đóng góp từ xổ số kiến thiết lại rất lớn, lên tới 10.000 tỷ đồng trong quý I. Đây là khoản thu vừa mới được đưa vào cân đối NSNN theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Trước đó, vào năm 2016, khoản này góp khoảng 1 tỷ USD và tăng 9% so với năm 2015.

Con số này một phần cho thấy, thú vui "đỏ-đen" của người dân nước ta là rất lớn. Và để tăng thu NSNN, có thể mở rộng nguồn thu thay vì việc tăng thuế gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số phận Thông tư 20: Vẫn chờ phán quyết

“Việc giải thích yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng không phải là “điều kiện kinh doanh” hay là thành phần khác của thủ tục hành chính là do Bộ Công Thương thực hiện vì Bộ Công Thương ban hành văn bản pháp luật này”, Bộ Tài chính cho biết.

Số phận Thông tư 20 Vẫn chờ phán quyết
Xe nhập tắc đường về, ô tô mùa Tết tăng giá

Các DN nhập khẩu ôtô như đang hết sức lo lắng trước nguy cơ không làm được thủ tục thông quan khi xe về tới cảng, nhất là với các lô hàng về tháng 12 để khách mua chơi Tết. Nguy cơ tăng giá có thể xảy ra, khi phía nhập khẩu phải đi mượn Giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện.

Xe nhập tắc đường về, ô tô mùa Tết tăng giá

TIN MỚI

Return to top