ClockThứ Sáu, 09/12/2016 09:10

Kỳ thi 2017: Dễ thử sức, và dễ... mất điểm

Những thay đổi lớn trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng 2017 vừa được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến lại một lần nữa khiến học sinh, phụ huynh phập phồng lo lắng.

Chia nhỏ để quản lý

Tách thí sinh (TS) tự do, mỗi phòng thi không quá 24 TS, không hạn chế nguyện vọng, được lựa chọn điểm môn thi cao nhất xét tốt nghiệp... là những điểm mới trong dự thảo. Theo đó, phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 TS. Cụ thể, TS tự do đã tốt nghiệp được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc sở GDĐT quyết định; TS hệ giáo dục thường xuyên được bố trí phòng thi riêng…

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại Hà Nội (ảnh minh họa).  Ảnh: Đàm Duy

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 bao gồm các bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chỉ bài thi môn ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi bài thi khoa học tự nhiên và khoa học Xã hội gồm 120 câu hỏi với 4 lựa chọn duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm 150 phút. Bài thi ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn toán vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút.

Giải thích về thay đổi này, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, việc tách TS là để phù hợp với những thay đổi trong phương án thi mới, giảm sự bất lợi cho TS khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, trong phương án thi mới, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Trong đó, căn cứ để xét tốt nghiệp là 4 bài thi (3 bài thi độc lập và 1 bài thi tổ hợp). Như vậy, đối với những TS là học sinh lớp 12 sẽ phải làm tối thiểu 4 bài thi. Ngược lại, TS tự do chỉ cần làm những môn thi mình chọn để lấy điểm xét tuyển vào đại học (ĐH). Với thay đổi này, nếu để chung các nhóm đối tượng thi khác nhau trong 1 phòng  thi sẽ dẫn đến hiện tượng: TS tự do hoàn thành môn thi trước phải ngồi đợi một thời gian rất dài mới được ra khỏi phòng thi hoặc phải chờ đợi đến thời gian thi môn của mình. Điều này ảnh hưởng đến trật tự phòng thi và tâm lý của những TS khác.

Với việc tách riêng TS tự do, Bộ GDĐT cho biết, đề thi sẽ được in thành 3 phần tách rời nhau. Mỗi phần là một môn thi, thời gian làm bài 50 phút. TS tự do chỉ cần hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian quy định. Hết thời gian cho từng phần, giám thị sẽ thu lại giấy nháp và đề thi của từng TS thi môn đó, rồi chuyển sang môn thi khác. Trường hợp TS chỉ thi một môn, sau khi hoàn thành bài thi, TS có thể ra khỏi phòng thi để sang khu vực chờ hoặc rời khỏi hội đồng thi để ra về. Điều này tránh ảnh hưởng đến những TS phải làm cả tổ hợp 3 bài thi trong thời gian 150 phút.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cho rằng, kể cả tách điểm thi, hội đồng thi thì vẫn phải quy định thời gian và trình tự làm các môn thi là giống nhau. Tức là một môn thi sẽ bắt đầu và kết thúc cùng lúc ở cả 2 hội đồng thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, chỉ cần thực hiện thi theo ca thi, không cần chia hội đồng thi gây tốn kém và mất nhiều công sức. “Trong hội đồng thi chung có thể có nhiều ca thi chia theo các môn thi. TS đến môn thi nào thì vào thi môn đó, hết ca thi ra về. TS nào phải thi tất cả các ca thì ngồi lại” – một chuyên gia giáo dục góp ý.

“Nới” quy định lựa chọn môn thi

Điểm khác biệt được nhiều TS quan tâm trong dự thảo quy chế thi lần này là Bộ GDĐT “nới” thêm quy định về lựa chọn môn thi. Theo đó, ngoài quy định TS được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì Bộ cũng cho phép TS có thể thi cùng lúc 2 bài thi trên, bài nào có điểm cao hơn thì chọn lấy điểm xét tốt nghiệp.

Theo thầy Trần Văn Cường – giáo viên một trường THPT tại TP.Thái Bình, quy định này rất nhân văn, nó tạo điều kiện để TS có thể thử sức mình ở nhiều môn thi, có cơ hội nhiều hơn trong việc đạt điểm cao nhất dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thầy Cường lưu ý: “TS không nên ôm đồm tất cả các môn. Việc lựa chọn môn thi để tập trung ôn tập rất quan trọng. Chỉ nên chọn môn nào mình có lợi thế”.

Tương tự, ông Lưu Hải Tiền - Trưởng phòng Khảo thí Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Nếu lựa chọn thi cả 5 bài thi đồng nghĩa với việc các em sẽ phải thi 9 môn thi. Nếu không có phông kiến thức căn bản tốt, các em sẽ rất dễ mất điểm. Vì vậy, các em nên tập trung ôn tập 6 môn thi mà mình có lợi thế để đạt điểm cao hơn”.

Trong khi đó, quy định về không giới hạn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ cũng khiến nhiều TS băn khoăn. Theo quy định này, đợt 1 TS đăng ký xét tuyển một lần, không quá 4 nguyện vọng (vào tối đa 4 trường) trên một phiếu đăng ký xét tuyển duy nhất và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Ngoài ra, ở các đợt xét tuyển bổ sung, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của TS không bị giới hạn.

Cô Nguyễn Thị Thu – giáo viên THPT tại  Phủ Cừ (Hưng Yên) băn khoăn: “Việc không giới hạn nguyện vọng rất tốt, tuy nhiên, năm nay Bộ lại nói sẽ quản lý TS bằng một hệ thống dữ liệu duy nhất. TS nào đã trúng tuyển thì hệ thống này sẽ tự loại để tránh ảo. Nhưng tôi sợ rằng, với hơn 1 triệu TS dự thi, phần mềm của Bộ có bị quá tải không? Năm trước và năm trước nữa, đã có rất nhiều TS phải khóc dở, mếu dở vì nín thở chờ điểm thi, điểm trúng tuyển nhưng cứ đến “giờ vàng” thì lỗi hệ thống, mạng không vào được”.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top