ClockThứ Sáu, 13/12/2013 08:05

Sẵn sàng hiến máu cứu người

TTH - Những năm gần đây ngày càng có nhiều sinh viên tham gia phong trào hiến máu tình nguyện và câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của Trường đại học Y Dược Huế nhằm mang lại sự sống cho nhiều người bệnh trong cơn nguy kịch. Đỗ Đình Tuấn và Phan Đình Nguyên là hai trong số những sinh viên đi đầu phong trào này.

Tôi cảm thấy thật bất ngờ khi gặp Đỗ Đình Tuấn, lớp trưởng lớp Y học cổ truyền 6 bởi vẻ ngoài khá gầy của cậu sinh viên đã có đến 14 lần hiến máu! Từ khi bước chân vào trường đến nay, năm nào Tuấn cũng tham gia hiến máu, năm nhiều nhất Tuấn hiến đến 5 lần! Hiến nhiều như thế nên Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế đã quá “quen mặt” chàng sinh viên nhỏ nhắn này. Nhớ lại một kỷ niệm khó quên khi đi hiến máu đột xuất, Tuấn kể: “Đó là lần Khoa Nhi cần gấp máu cho một em bé. Lúc đó đã 9h30’ tối, em vội vã lên bệnh viện để cho máu nhưng đến nơi thì đã có người cho máu nên em về. Vừa về thì người nhà lại gọi điện cầu cứu: “Chú cứu con tôi với!” vì người cho máu kia không hiến được, vậy là lại lên, đến nơi lại đã có người,... cứ như thế, lên lên về về bệnh viện đến 3 lần. Đến lần thứ tư người nhà bệnh nhân gọi lên hiến máu giúp thì đã 11h30’, lúc đó xe em lại hết xăng, 4h sáng mai còn phải đi tình nguyện hè nên không thể lên lần nữa dù rất muốn...”. Một lần hiến máu đột xuất khác là lần Tuấn đi lâm sàng ở Khoa Nhi, “một bác sĩ trong khoa có con bị xuất huyết tiêu hoá cần tiểu cầu gấp, bác sĩ đó đã khóc và vào phòng giao ban hỏi tụi em. Em đã lập tức sang cho máu, cho xong em lại về phòng học tiếp. Hôm đó, bác sĩ ấy mừng vô cùng!”, Tuấn nhớ lại.

Không chỉ sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ lúc nào, Tuấn còn thành lập câu lạc bộ máu sống trên facebook và vận động các bạn tham gia hiến máu khi có trường hợp cần gấp. Có lần bệnh viện cần máu để tiếp cho một em nhỏ mổ tim, Tuấn đã vận động được 5-6 bạn đến cho máu. “Có thời gian số điện thoại của em được “phát tán” trong Khoa ngoại tim mạch lồng ngực Bệnh viên Trung ương Huế. Người nhà bệnh nhân gọi đến cảm ơn nhiều đến nỗi em bị “ám ảnh” luôn. Sau khi cho máu, người nhà người bệnh thường cho sữa và tiền bồi dưỡng nhưng tụi em không bao giờ lấy. Em chỉ nghĩ mình giúp được họ là mừng rồi, xong là về thôi”, Tuấn chia sẻ.
 
Một thành viên nữa không kém phần tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện Trường đại học Y Dược Huế là Phan Đình Nguyên, sinh viên lớp Y4F ngành Bác sĩ đa khoa, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của trường.
 
Trước buổi chiều gặp tôi, Nguyên vừa hiến máu đột xuất cho một trường hợp cần máu trước mổ. 3 năm học đại học, Nguyên đã có 8 lần hiến máu. “Giúp được ai là cảm thấy hạnh phúc. Nhiều lần hiến máu đột xuất, em thấy đa số bệnh nhân cần máu là người nghèo, rất tội. Hiện em đang tìm thêm các bạn để cho máu một bệnh nhân bị hở van tim và suy tim độ 4, người đó đã 25 tuổi nhưng chỉ nặng 35 cân”, Nguyên nói.
 
Dù thành lập chưa lâu nhưng Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của Trường đại học Y Dược Huế đã vận động được trên 200 đơn vị máu hiến đột xuất, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. “Hiện câu lạc bộ đã có trên 500 thành viên là các bạn sinh viên trong trường, có lúc số thành viên lên đến 1.500 người. Chúng em có danh sách tất cả các thành viên với đầy đủ tên, số điện thoại, nhóm máu để khi cần hiến máu kịp thời cho bệnh nhân nguy kịnh là có thể gọi ngay”, Nguyên cho biết.
 
Bên cạnh vai trò tích cực trong Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của trường, Nguyên còn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn, hội và các câu lạc bộ khác trong trường. Riêng Tuấn thì thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện ngoài trường như Câu lạc bộ thiện nguyện viên chuyên nấu cơm chay miễn phí để phát cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Là 1 trong 5 thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ, Tuấn thường phải dậy sớm từ 3h sáng để nấu cơm chay. Có lần 3h sáng dậy nấu đồ chay xong Tuấn phải đến trường để tham gia hiến máu nhân đạo lúc 6h30’sáng. “Chiến lợi phẩm” sau những lần hiến máu như thế lúc thì cái dù, khi thì cái balô nhỏ làm kỷ niệm do Trung tâm Huyết học truyền máu tặng. Tuấn dí dỏm: “Em đã có hẳn một “bộ sưu tập” dù và balô rồi đấy. Mẹ em cứ hỏi con lấy ở đâu ra lắm dù thế?”.
 
Tôi biết, “bộ sưu tập” của Tuấn và Nguyên chắc chắn sẽ còn tiếp tục nhiều lên nữa và điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm những bệnh nhân nguy kịch được cứu sống... từ những nghĩa cử cao đẹp của Tuấn, Nguyên và nhiều sinh viên Trường đại học Y Dược Huế.
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kể chuyện anh Bộ đội Cụ Hồ

Là chủ đề hội thi kể chuyện sách do Trung tâm VH,TT&TT phối hợp Phòng GD&ĐT thị xã Hương Thủy tổ chức ngày 30/11. Hội thi thu hút hơn 600 học sinh đến từ 23 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Kể chuyện anh Bộ đội Cụ Hồ

TIN MỚI

Return to top