|
Ông Hà đã có kinh nghiệm hơn 40 năm đan và sửa lưới |
Cha truyền con nối
Được một ngư dân giàu kinh nghiệm tại vùng bãi ngang Phú Lộc chia sẻ về những tấm lưới vừa chắc tay, vừa có chất lượng tốt của ông Hà, chúng tôi háo hức tìm đến nhà ông.
Ngôi nhà của ông Hà gần biển với dãy hiên rộng. Nơi đây có thể thoáng ngửi thấy mùi mằn mặn đặc trưng của làng chài. Bên sân, dưới bóng cây tỏa rộng, chiếc thuyền nằm nhà trong những ngày biển động được che đậy kỹ càng. Giữa sân, vừa tỉ mỉ ngồi đan với đôi tay thoăn thoắt, ông Hà vừa kể với chúng tôi câu chuyện về nghề đan lưới gia truyền của gia đình.
“Từ khi còn là một đứa trẻ làng chài, tôi đã thấy ông nội của mình tỉ mỉ ngồi đan các mắt lưới. Đến một ngày, cha tôi là người ngồi đan thay ông. Bây giờ chính tôi lại thế vào vị trí đó”, ông kể.
|
Đôi tay thoăn thoắt sửa lưới |
Là gia đình có truyền thống làm ngư lâu đời của vùng biển bãi ngang xã Giang Hải, đã hàng chục năm nay, ông Hà vừa là ngư dân có nghề, vừa là tay đan lưới thiện nghệ được nhiều ngư dân biết đến. Nhớ về thời hoàng kim của nghề đan lưới, ông chia sẻ: “Thời ấy người đan lưới được nể trọng lắm. Tôi thường tới nhà của những ngư dân khác, ăn uống và làm việc ngay tại nhà của họ. Người thuê tin tưởng nên tôi cũng cố gắng hết sức, tay phải chắc, mắt phải tinh để làm sao vừa đan lưới đều mắt, vừa phải làm thật nhanh để những ngư dân có ngư cụ tốt cho các chuyến biển”.
Khoảng 20 năm trước, những tay lưới đan bằng máy bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Số người thuê đan lưới giảm dần, nghề đan lưới thủ công cũng dần mai một. Nhưng không vì thế mà ông Hà buồn. Ông nói: “Nghề nào cũng thế, có lúc thăng sẽ có lúc trầm, đó là điều hiển nhiên của cuộc sống. Đâu chỉ đam mê chài lưới, nếu tôi không nỗ lực thì dù có là nghề nào cũng rất khó trụ lại”.
Một dạ với nghề
Điều ông Hà nghĩ hoàn toàn đúng đắn. Dù có sự cạnh tranh, lấn át của lưới đan máy, thế nhưng một vài ngư dân “sành” nghề vẫn chuộng lưới đan tay của ông. Ông Lê Thuận, một ngư dân cho biết: “Ông Hà cũng là ngư dân, hơn ai hết, ông hiểu tập tính, kích thước của từng loài cá tôm sống ở vùng biển này nên tôi rất yên tâm khi thuê ông đan lưới. Tay lưới của ông đồng đều, chất lượng tốt, khi lưới rách thì ông ưu tiên sửa lưới nên tôi rất tin tưởng tay nghề của ông”.
Song song với nghề đan lưới, ông Hà còn nhận sửa lưới cho các ngư dân. Công việc này kéo dài quanh năm, không có mùa vụ cụ thể. Khi biển động, ngư dân thuê ông sửa những tay lưới dài hàng trăm sải. Lúc biển êm, khi những con thuyền cùng nhau đi bủa cá, ông cũng có mặt trên chiếc thuyền của mình hoặc nhận sửa lưới gấp cho ngư dân nào nóng lòng ra khơi.
Hiện nay, ông Hà thường đan và sửa đủ các loại lưới 1, 2 hoặc 3 màng với đủ kích thước. Dù lưới 2 – 3 màng có độ khó và thời gian sửa lâu hơn, thế nhưng như cái cách tính lưới hào sảng của những người dân miền biển từ bao đời nay, dù là loại lưới nào, ông Hà vẫn giữ nguyên một mức giá. “Lưới đan mới được tính tiền theo sải chứ không phân biệt loại. Cứ 100 sải là 700 nghìn đồng tiền công đan, nguyên, vật liệu như cước, chì thì ngư dân tự sắm”, ông nói.
Còn với nghề sửa lưới, mỗi ngày công ông chỉ nhận 200 nghìn đồng, ít hơn nhiều so với các thợ sửa lưới khác. Ông chia sẻ: “Đều là ngư dân vất vả như nhau, tôi lấy giá cao làm gì. Mình theo nghề thì lấy công làm lãi, hy vọng cuộc sống khấm khá nhờ lộc biển thôi”.
Một dạ với nghề và tận tâm với bạn chài, niềm vui của ông Hà vô cùng giản dị. Ánh lên sự mãn nguyện trên gương mặt hằn những vết chân chim, ông chia sẻ với chúng tôi niềm hạnh phúc khi con trai của mình từ TP. Hồ Chí Minh ra quê lập nghiệp đang tập tành học để theo nghề của cha. “Dù tay nghề chưa thuần thục nhưng giờ con tôi đã rất rành các kỹ thuật đan. Tôi tin chỉ cần mình không phụ nghề, làm việc có tâm ắt hẳn nghề cũng sẽ không bạc đãi mình”, ông nói.