ClockChủ Nhật, 07/07/2024 14:13

Sỏi đá kể chuyện ký ức

TTH - Lắng nghe những thanh âm kỳ diệu từ sỏi đá, họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Tiên đã cho sỏi đá kể lại những câu chuyện ký ức. Qua nét cọ sống động và tinh tế, đá cuội đã trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, những khoảnh khắc đáng nhớ của biết bao người.

Tạo hình cho đá cuộiTranh trên đá cuộiĐời sống khác của đá cuội

 Họa sĩ Nguyễn Văn Tiên đang vẽ tranh trên đá cuội

1. Từng rong ruổi khắp các tỉnh thành trong cả nước để vẽ tranh tường, nhưng có lẽ duyên phận với Huế quá đậm sâu đã thôi thúc Nguyễn Văn Tiên (30 tuổi, trú tại phường Kim Long, TP. Huế) dừng chân ở Huế để lập nghiệp, theo đuổi giấc mơ hội họa của mình.

Năm 2018, Tiên tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Nhưng niềm đam mê hội họa đã khiến chàng trai quê ở Đắk Lắk chọn bút màu và cọ vẽ. Bước chân chàng họa sĩ trẻ đã in dấu qua nhiều vùng đất, từ thành phố lớn cho đến nông thôn, miền núi.

Nhưng rồi, dẫu đi khắp nơi, dù xuôi Nam ngược Bắc, chàng họa sĩ trẻ ấy vẫn thấy Huế là mảnh đất phù hợp nhất để neo đậu. Tiên chia sẻ, Huế không chỉ cuốn hút anh bởi những trầm tích văn hóa, ẩm thực phong phú. Anh yêu vẻ đẹp của thiên nhiên ở xứ này, yêu thích màu xanh của cây lá ở khắp nơi và những con người thân thiện, đó là lý do anh chọn Huế làm quê hương thứ hai của mình.

 Cầu Dã Viên lung linh trong đêm mưa

Cơ duyên Tiên đến với nghệ thuật vẽ tranh trên đá cuội rất tình cờ, từ một đơn đặt hàng của một người bạn nước ngoài. Những bức tranh vẽ các con vật ngoài thiên nhiên hoang dã của Tiên sau đó nhanh chóng được nhiều người yêu thích. Vậy là bén duyên. Tiên nói, khách du lịch nước ngoài đa phần thích tranh vẽ về các con vật như chuồn chuồn, bươm bướm, bọ cánh cam, kiến cánh, ếch nhái. Trong khi khách du lịch trong nước lại yêu thích các hình vẽ về thú cưng như chó, mèo. Những hình vẽ 2D, 3D được Tiên thể hiện bằng những nét vẽ sinh động, phối sắc hài hòa, khiến mỗi bức tranh trên đá cuội trở thành một sản phẩm độc đáo và duy nhất.

Đối với dòng tranh thị trường đơn giản trên đá cuội, Tiên thường mất vài giờ để thực hiện. Riêng các tác phẩm sáng tác, anh đầu tư nhiều thời gian hơn. Không chỉ đi thực tế để lấy tư liệu, cảm hứng, mà còn phải tư duy thật khác biệt, để khung cảnh ấy, góc thân quen ấy, được tái hiện một cách ấn tượng nhất.

Trên những bức tranh đá cuội đủ mọi kích thước lớn nhỏ, Huế tĩnh lặng, đằm sâu được Tiên tái hiện đầy xúc cảm bằng nét bút khỏe khoắn và đầy nội lực. Đó là lăng Khải Định chìm trong màn sương trắng lúc sớm mai tựa như lâu đài cổ tích; là những công trình kiến trúc Cố đô đầy bí ẩn và ấn tượng dưới ánh đèn đêm mờ ảo; là khung cảnh sớm mai bình yên bên hiên nhà đầy nắng... Với Tiên, có những điều dù đã thấy, đã vẽ bao nhiêu lần thì anh vẫn tìm được sự mới mẻ, cuốn hút không bao giờ vơi cạn.

2. Gần 5 năm theo đuổi công việc vẽ tranh trên đá cuội, Tiên không thể nhớ hết mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung trên đá. So với vẽ tranh 2D, 3D về phong cảnh, loài vật, tranh chân dung có độ khó cao hơn vì phải truyền tải được cái thần thái của nhân vật trên chất liệu gồ ghề. Không gian thể hiện nhỏ hẹp, có khi mỗi người chỉ bé bằng đầu ngón tay nên đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh xảo hơn. Tiên thường phải mất từ 1 đến 2 ngày để hoàn thành một bức chân dung trên đá cuội. Những bức tranh có nhiều người, càng mất nhiều thời gian hơn.

Tranh thú cưng trên đá cuội 

Mỗi người khách tìm đến Tiên, đều mang theo trong mình một câu chuyện riêng. Có người muốn anh vẽ chân dung để đánh dấu một giai đoạn đáng nhớ trong đời như kỷ niệm những năm yêu nhau hoặc kỷ niệm ngày cưới, họ muốn ghi dấu lại khoảng thời gian hạnh phúc đã song hành cùng nhau. Có người lại muốn vẽ chân dung về người mà mình yêu thương nhất để tặng họ trong những dịp đặc biệt. Những bức chân dung trên đá cuội thường được vẽ lại từ những bức ảnh chụp, tái hiện lại những khoảnh khắc mà họ thấy đẹp nhất, rực rỡ nhất.

Background của các bức chân dung cũng đa dạng không kém. Có người muốn vẽ thêm khung cảnh của chính quê hương họ sinh ra; ghép những địa danh đã để lại trong họ nhiều kỷ niệm nhất. Có thể là nơi họ cùng người thân ao ước đến nhưng chưa có cơ hội; hay có khi đã đến lại không kịp chụp chung cùng nhau một bức hình.

Trong hành trình làm nghề của mình, Tiên vẫn nhớ mãi 12 bức chân dung mà một người mẹ muốn anh vẽ lại sự đổi thay của con trai qua 12 tháng. Đó là món quà mà chị tặng con trai mình trong lễ thôi nôi, lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng yêu nhất của cậu bé. Có chàng trai đặt tranh trước một tháng để làm quà cưới cho bạn. Từ Sài Gòn lái xe ra Huế tham dự đám cưới, khi nhận bức tranh chuẩn bị làm quà như ý nguyện, anh đã bồi hồi với bao cảm xúc.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tiên cho biết, có rất nhiều cặp đôi chọn vẽ lại những bức ảnh cưới để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy trên chất liệu đá cuội như muốn nhắn nhủ, sự gắn bó keo sơn của họ, sẽ mãi trường tồn, bền chặt theo thời gian, như chính sỏi đá giữa trời đất, qua mưa nắng, giông bão đều chẳng đổi thay.

Cảm nhận được những yêu thương, trân trọng từ những món quà được trao gửi, họa sĩ Nguyễn Văn Tiên luôn dụng tâm trong từng nét vẽ. Anh muốn truyền tải tất cả những yêu thương, trân quý ấy lên tác phẩm của mình. Và mỗi ngày trôi qua, trong căn nhà ở miệt Kim Long, sỏi đá đã cùng chàng họa sĩ trẻ kể lại bao câu chuyện đẹp.

Tiểu Yến
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hình cho đá cuội

Kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực du lịch, am hiểu nhu cầu của du khách và nhận thấy trên địa bàn chưa ai kinh doanh các sản phẩm từ đá cuội...

Tạo hình cho đá cuội
Tranh trên đá cuội

Người ta thường gắn nhãn vô hồn cho đá, nhưng với anh Nguyễn Viết Công Thành (30 tuổi, huyện A Lưới), đá cuội lại là nơi gửi gắm tâm hồn đam mê nghệ thuật và yêu quê hương. Thành đã biến đá cuội thành chất liệu sáng tác và trở thành nghề “tay trái hái ra tiền”.

Tranh trên đá cuội
Đời sống khác của đá cuội

Từ đôi bàn tay tỉ mẩn, những ngọn đèn cuội, lọ hoa, chân nến, chậu đá, lavabo, thảm massage chân… được làm từ đá cuội mang vẻ đẹp hoang dã, mộc mạc, có tính ứng dụng trong đời sống...

Đời sống khác của đá cuội

TIN MỚI

Return to top