ClockThứ Năm, 02/02/2023 14:34

Nặng tình với ca Huế

TTH - Là cô gái út trong một gia đình có 4 anh em ở Văn Xá, Hương Văn (Hương Trà), Trần Thị Kim Chuân ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. 36 năm qua, cô gái ấy không ngừng vượt lên bi kịch của số phận, dồn tình yêu, niềm đam mê vào ca Huế, với niềm khao khát góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng trên vùng đất núi Ngự sông Hương.

Gánh nặng của ca HuếCa Huế là tình Huế

Kim Chuân trong tà áo dài và nón Huế

Bố mẹ Kim Chuân làm nghề nông vất vả, suốt ngày ra đồng. Vì thế, cô bé Chuân thui thủi một mình trong nhà. Năm 1995, Chuân được vào sống, sinh hoạt và học tập tại Trung tâm Giáo dục – hướng nghiệp trẻ em mù của tỉnh. Từ đây, cô bé đã tìm được niềm vui, tìm được ánh sáng cho cuộc đời mình dù đôi mắt không nhìn thấy.

Chuân tâm sự: “Âm nhạc nói chung và ca Huế nói riêng đã đưa vào trong tâm trí của mình ánh sáng đầy sức sống. Tiếng đàn bầu, những làn điệu ca Huế làm mình quên đi sự mặc cảm của bản thân. Chính ca Huế đã làm cho cuộc sống của mình trở nên đẹp hơn, có ý nghĩa hơn”.

Được NSƯT Kim Vàng hướng dẫn, uốn nắn từng lời ca, giai điệu, Kim Chuân tiến bộ nhanh chóng. Sau 6 năm được làm quen, được học tập bộ môn ca Huế ở Trung tâm Hội Người mù tỉnh, năm 2012, Chuân thi vào và đỗ Á khoa của Khoa Di sản đàn ca Huế thuộc Học viện Âm nhạc Huế. Những ngày đầu đến trường, học chung với các bạn sinh viên từ nhiều nơi đến, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Được sự giúp đỡ, động viên của bạn bè, thầy cô, gia đình… cô sinh viên khiếm thị ấy đã nhanh chóng hòa nhập và không ngừng nỗ lực, dồn tất cả niềm đam mê vào từng điệu phách, nhịp gõ, lời ca.

Năm 2016, Chuân tốt nghiệp chuyên ngành đàn ca Huế, đứng vị thứ 4 trong 109 sinh viên toàn khóa của Học viện Âm nhạc Huế. Vẫn chưa bằng lòng với những gì mình có được, cô gái ấy tiếp tục thi vào và theo đuổi tiếp con đường học tập, để rồi đến năm 2019, Kim Chuân tốt nghiệp văn bằng đại học 2 chuyên ngành thanh nhạc và Piano. Học thanh nhạc, đàn, ca Huế với nhiều làn điệu khác nhau với người mắt sáng đã khó, với một sinh viên không thấy ánh sáng như Chuân lại càng khó khăn hơn. Vì thế, cô gái ấy đã không ngừng vượt qua nỗi đau bệnh tật bởi tình cảm dành cho Huế, cho những làn điệu dân ca quê hương ngọt ngào quá sâu đậm. 2 văn bằng đại học xếp loại giỏi, 1 văn bằng trung cấp văn hóa nghệ thuật chuyên ngành đàn bầu là thành quả đẹp cho sự khổ luyện và tình yêu của Chuân đối với các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc.

Từ khi còn đi học và sau khi ra trường, Kim Chuân tham gia biểu diễn nhiều nơi. Hình ảnh một cô gái Huế khiếm thị trong tà áo dài tím thả hồn theo những điệu ngâm, điệu hò, điệu ca, điệu hát chầu văn… như Mẹ Suốt, Tìm em trong nét Huế; Cảnh đẹp Huế đô; Nam Bình nước non ngàn dặm; Lý mười thương; Hò mái nhì… đã để lại biết bao tình cảm đẹp trong lòng người nghe. Từ năm 1996 đến nay, Kim Chuân đã có trong tay trên 10 giải thưởng, huy chương khi tham gia vào các hội thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh.

Với Chuân, điều khó nhất với ca Huế là gõ nhịp sao cho khớp với lời ca; khó về luyến láy, hát làm sao cho ra chất Huế. Để thỏa mãn niềm đam mê và để lan tỏa loại hình âm nhạc dân tộc đến nhiều người nghe, cô gái này đã lập YouTube có tên Kim Chuân khiếm thị với những bài ca Huế đặc sắc thu hút rất nhiều lượt nghe.

Ngoài ca Huế, Chuân còn làm thơ. Đến nay, Chuân có trong sổ tay thơ của mình trên 500 bài thơ về cảnh và người xứ Huế. Với bút danh Hương Ngự, Kim Chuân vừa cho ra đời tập thơ Huế tôi yêu (NXB Thuận Hóa). Tập thơ là món quà đẹp được cất lên từ một tâm hồn đẹp mà Hương Ngự dành cho Huế, cho vùng đất kinh kỳ.

Yêu ca Huế, thích làm thơ, dù biết là khó, song cô gái khiếm thị Trần Thị Kim Chuân luôn mơ ước có được công việc ổn định để có thêm điều kiện đem lời ca tiếng hát của mình đến gần hơn với với mọi người, góp phần gìn giữ, lan tỏa loại hình âm nhạc đã thành bản sắc trên đất Cố đô.

Bài, ảnh: Quốc Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…

TIN MỚI

Return to top