ClockChủ Nhật, 13/04/2014 14:48

Ca Huế là tình Huế

TTH - “Dù là nghiên cứu, làm thơ hay ca Huế, đều là để giữ lấy niềm vui và thỏa mãn niềm đam mê của mình mà thôi”, nhà thơ Võ Quê tâm sự về mối nhân duyên sâu nặng của ông với ca Huế.

Vậy, hành trình của nhà thơ đến với ca Huế như thế nào? Và quê hương An Truyền có ảnh hưởng gì đến sự lựa chọn bộ môn nghệ thuật này của ông?

Ngày xưa ở An Truyền quê mình có ông Bửu Bàng, chuyên tổ chức hát bội. Con cháu của ông sau khi đánh cá về (vì làng Chuồn là làng cá) và gánh cá lên chợ bán thì về nhà đóng cân đai áo mũ, sắm vai tuồng. Khi đó học tiểu học, chiều chiều mình lại bỏ sách vở ở nhà để chạy xuống đó coi hát bội. Tối lại, trong làng có những nhóm chơi ca Huế, họ đi đến từng nhà (gọi là ca tri âm), nhân các ngày như giỗ mẹ giỗ cha thì các gia đình giàu có sẽ mời nhóm này vào ca Huế, từ đó mà “nhiễm” dần.

Ông cụ thân sinh ra mình đi đây đó nhiều, lại có học thêm ca Huế nên những năm tháng còn nhỏ tuổi, mình đã được nghe những bài như Ngắm sông nước nên càng mê ca Huế hơn nữa. Lớn lên, do mải mê tham gia đấu tranh cách mạng nên mình quên bẵng đi những làn điệu ca Huế. Chỉ đến sau năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, qua những buổi nói chuyện của ông Nguyễn Văn Hảo về ca Huế, mình cũng đi nghe. Rồi những thế hệ minh họa cho ca Huế như Minh Tâm, Kim Liên… làm cho không khí ca Huế thời kỳ đó hết sức sôi động. Sau đó mình cũng có đi biểu diễn ở nhà bà Từ Cung vì ở đây có ông cận thần của vua Bảo Đại là ông Nguyễn Văn Tiết còn giữ được mấy cây đàn tam, nguyệt, nhị nên thường xuyên đàn ca từ đầu hôm cho đến suốt sáng.

 

Năm 1980, mình mới tập hợp các nghệ nhân nghệ sĩ lại. Thời kỳ đầu tiên, bốn tay đàn có các nghệ sĩ Lê Văn Cần (đàn tì bà), Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị) và bốn diễn viên ca Huế có Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa. Địa điểm diễn ca Huế hằng đêm lúc bấy giờ là ở 47 Trần Hưng Đạo (Nhà sách Phú Xuân bây giờ - NV), sau khi đặt vấn đề với Nhà Văn hóa Trung tâm thì mình bắt đầu bán vé. Sau đó 1 - 2 năm, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, mình lấy ngày 20-8 để làm ngày thành lập CLB Ca Huế. Ngày 20/8/2013 vừa rồi, CLB tròn 30 tuổi.

Vậy, ca Huế thính phòng từ đâu mà có?

Ngày xưa khi còn là Chủ tịch Hội (Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế - NV), chúng tôi từng đưa ca Huế vào phục vụ tại UBND TP Huế và nhận thấy rằng âm thanh khi biểu diễn ở đây rất hay, khác hẳn trên sông Hương.

Khi bắt đầu bàn giao trụ sở UBND TP Huế cho Bảo tàng Văn hóa Huế (26 Lê Lợi, TP. Huế) quản lý, tôi có đặt vấn đề là mong muốn có một phòng trưng bày ca Huế bao gồm các nhạc cụ, tư liệu, sách báo, tranh ảnh về ca Huế và một phòng để minh họa cho các sản phẩm. Và thế là ca Huế thính phòng ra đời.

Vậy có nét tương đồng, khác biệt nào giữa ca Huế trên sông Hương và ca Huế thính phòng?

Một đêm ca Huế dù ở đâu bao giờ cũng bắt đầu bằng một làn điệu khách. Làn điệu Bắc được đưa vào đầu chương trình để tạo không khí tươi vui, rộn ràng, sau đó mới sâu lắng dần với làn điệu Nam để người nghe có thể thẩm thấu hết được tinh túy của cái hay trong ca Huế. Đó là thính phòng và cũng là cái khó khi thể hiện ca Huế. Còn ở dưới thuyền, anh phải kết cấu như thế nào để kết thúc bằng hò giã gạo. Lối hát ở thuyền là vừa hát vừa ngắm cảnh, hát bài gì để khách tươi vui mà đi tham quan chỗ khác nữa, cho nên những câu hò, điệu lý được khai thác triệt để. Còn thính phòng thì thuần túy nghệ thuật hơn nên cần những điệu hát khó như Nam xuân để còn đọng lại “một chút gì rất Huế” trong đó nữa.

Câu lạc bộ ca Huế thính phòng ra đời không chỉ tạo nên chỗ vui chơi cho những người đờn người ca mà còn là nơi lui tới của những bạn trẻ yêu thích và muốn tìm hiểu về ca Huế, những sinh viên trường nghệ thuật không có điều kiện để nghe ca Huế trên sông Hương (vì phải mất tiền), những khách du lịch không đủ thời gian xuống thuyền... Chính trong môi trường này, các nghệ nhân nghệ sĩ sẽ truyền đạt lại chính xác nhất và tâm huyết nhất về ca Huế.

Được biết, trong dịp Festival Huế 2014 sẽ có một chương trình tôn vinh ca Huế. CLB Ca Huế thính phòng đã có những dự định và kế hoạch gì?

Đó là một điểm mới trong nghệ thuật ca Huế thính phòng, dự kiến sẽ được trình diễn suốt 9 đêm trong thời gian diễn ra Festival Huế 2014, cũng tại Bảo tàng văn hóa Huế (từ 19h30 - 21h).

CLB Ca Huế thính phòng sẽ biểu diễn trích đoạn “Trần Bồ cưới vợ lẽ”. Đây là một trích đoạn tuồng đồ (tuồng do dân gian sáng tác) nhằm lên án về thói trưởng giả học làm sang, mê tín dị đoan, mang tính trào lộng. Bên cạnh đó, trong mỗi chương trình sẽ lồng ghép, giới thiệu chương trình ca Huế gia đình, nghĩa là những người nhà với nhau sẽ cùng lên sân khấu biểu diễn. Ví dụ như gia đình nghệ sĩ Kim Vàng - Quốc Khánh, Lệ Hoa - Ý Nhi, Thu Hằng - Ý Linh… Đây sẽ là một hình thức nhằm vun đắp niềm tự hào về truyền thống nghệ thuật ca Huế trong bản thân mỗi nghệ sĩ cũng như mỗi người xem. Trước mỗi bài hát, người dẫn sẽ giới thiệu nguồn gốc xuất xứ và những thông tin liên quan và luôn được đổi mới để đáp ứng nhu cầu của cả khách quen và khách tham quan du lịch.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Bích (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top