ClockThứ Sáu, 22/07/2022 21:05

Hòa vào lòng đất mẹ

TTH - Trải qua những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, hiện cả nước còn 200.000 người lính hy sinh trên chiến trường hãy còn nằm lại đâu đó trong lòng đất.

Quy tập các liệt sĩ về Nghĩa trang Bình Điền. Ảnh: Liên Minh

Vào những ngày tháng bảy, cả nước có một mùa đặc biệt - mùa tri ân. Là một trong 72 nghĩa trang ở vùng “đất lửa” Quảng Trị, Nghĩa trang  liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi an nghỉ của 10.000 liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - mỗi năm đón hơn 70.000 người trở về trong cuộc hành hương tâm linh ấy.

Tháng bảy, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh Liệt sĩ, cũng là lúc trong trái tim mỗi người nhói lên những con số. Cả nước có trên 1.146.000 người con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; chống Mỹ; trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo… Trong số hơn 1.146.000 người con đã hy sinh, hơn 200.000 liệt sĩ đến nay chưa được tìm thấy hài cốt. Thi thể các anh còn nằm lại đâu đó trên các chiến trường ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông… Và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang trên cả nước đến nay chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó hành trình chờ đợi, tìm kiếm thầm lặng của những người vợ, người mẹ, người con và của những người đồng đội. Như câu chuyện lòng của một đồng nghiệp chúng tôi, là con trai duy nhất của một người lính hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc ở chiến trường Vị Xuyên.

“Ba của mình hy sinh khi mình còn rất nhỏ. Hình ảnh về ba thân yêu luôn trong tâm khảm của mình qua những câu chuyện kể của mẹ. Ba lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi mình mới 3 ngày tuổi. Hơn một năm sau, cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc đã cướp đi ba của mình khi mình chưa đầy một tuổi rưỡi, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Gần 45 năm đã trôi qua, mẹ của mình vẫn tóc bạc đợi chồng…”. Đó là những dòng tâm sự từ tận đáy lòng của người đồng nghiệp ấy trên trang facebook mà tôi tình cờ bắt gặp trong những ngày tháng bảy tri ân. Đó cũng là nỗi mong chờ đằng đẳng của những người vợ, người mẹ, người con của gần 200.000 liệt sĩ trên cả nước đang nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ, trên những dải đất thân thương của Tổ quốc...

Đến hôm nay, ở Huế, cứ vào mùa khô, lại có những người lính với chiếc ba lô nặng trĩu, lên đường, tìm về những chiến trường xưa, trên hành trình đi tìm đồng đội. Cuộc hành quân thầm lặng ấy đã kéo dài 1 năm, hai năm, hàng chục năm… qua rừng sâu, đèo cao, vực thẳm, với mong mỏi tìm được các anh, dù chỉ là một chiếc nịt, một mẩu xương, một chiếc bi-đông đựng nước hay một tấm ảnh - di vật về người thân…, để đón các anh về với gia đình, về với quê hương.

Tại Hội nghị sơ kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2019 – 2020, ông Nguyễn Văn Phương - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) nhấn mạnh: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cả trong và ngoài nước là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết; là sự đền đáp công ơn to lớn của các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đó là nghĩa cử cao đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, là sự yên lòng trong đời sống tâm linh của người Việt chúng ta.

Mỗi độ tháng bảy về, tôi lại nhớ bóng ba, thường lặng lẽ mang theo một bó nhang lớn và một bó hoa tươi hái từ vườn nhà. Ông lặng lẽ đến nghĩa trang liệt sĩ ở xã, thắp cho đồng đội một nén tri ân, đến những người lính trẻ như ông năm xưa, đã rời ruộng lúa, bờ tre ra trận và không kịp trở về trong ngày hòa bình. Sau ngày hòa bình, cùng gia đình về lại quê hương sau mấy chục năm tham gia kháng chiến, ba thường bảo, ông còn mắc nợ những đồng đội nằm xuống một món nợ lớn…

Món nợ lớn ấy với gia đình hàng triệu liệt sĩ, hàng triệu người có công với nước đã và đang được Đảng, Nhà nước, Nhân dân dành nhiều chính sách, nhiều đóng góp công sức để thực hiện chương trình đền ơn đáp nghĩa, để bù đắp những đau thương mất mát, xoa dịu vết thương chiến tranh.

Hành trình tri ân ấy là những chuyến hành hương về nguồn của những người đang sống, của thế hệ tiếp nối. Là rất nhiều những phần quà ấm áp được trao đi. Là những ngôi nhà đồng đội được xây cất… Theo thông tin của  Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, hiện cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số ấy có trên 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng và  4.183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đến tháng 5/2021) được chăm sóc, phụng dưỡng.

Giai đoạn 2016-2020, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở các địa phương đã vận động được gần 5.600 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương vận động được 16,8 tỷ đồng; cả nước đã trao 61.650 sổ tiết kiệm với 103,5 tỷ đồng; xây dựng mới từ vận động các nguồn xã hội 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa 24.650 nhà tình nghĩa trị giá trên 2.200 tỷ đồng…

Đó cũng là những con số biết nói, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi vào tim mình giá trị của hòa bình, độc lập đã được đổi bằng máu xương của cha anh, đổi bằng sự hy sinh thầm lặng của biết bao người mẹ, người vợ… Máu của họ, thanh xuân và nước mắt của họ đã hòa vào lòng đất mẹ, để Tổ quốc được hòa bình, thống nhất hôm nay.

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vững niềm tin vào Đảng Cộng sản cùng tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam

Những ngày qua, kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới rất quan tâm tới công tác khắc phục hậu quả bão lũ của Việt Nam và kết quả của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung, một Việt kiều tại Pháp, bày tỏ rằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi gian khó cũng như tầm nhìn, quyết sách quan trọng vừa được đưa ra sẽ tạo bước đột phá để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững.

Vững niềm tin vào Đảng Cộng sản cùng tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam
Mang thu Hà Nội vào với Huế

“Không cần phải đi xa như mình, không cần tốn nhiều chi phí như mình” là cách các bạn trẻ ở Huế đem không khí của Hà Nội với hình ảnh chiếc xe bán hoa dạo nổi tiếng về Cố đô, để cùng chia sẻ các khoảnh khắc “mùa thu Hà Nội” với các bạn cùng quê đang ở nhà.

Mang thu Hà Nội vào với Huế
Những lưu ý cho học sinh mới vào lớp 10

Sau khi có kết quả tuyển sinh vào trường trung học phổ thông (THPT), các em học sinh vào lớp 10 cần lưu ý có sự chuẩn bị chu đáo để tránh những điều đáng tiếc xảy ra trong suốt 3 năm học cấp THPT.

Những lưu ý cho học sinh mới vào lớp 10
Phát triển Đại học Huế, quan tâm từ chất lượng đầu vào

Đại học (ĐH) Huế có nhiều thành quả ở các mặt, nhưng bài toán nâng chất lượng đầu vào tuyển sinh vẫn là trăn trở không chỉ của các cơ sở giáo dục mà còn của người dân Huế, để xứng đáng với vùng đất học và sự vươn tầm trở thành ĐH Quốc gia.

Phát triển Đại học Huế, quan tâm từ chất lượng đầu vào

TIN MỚI

Return to top