ClockThứ Bảy, 30/03/2019 12:25

Hai mươi năm sau cơn lũ lịch sử...

TTH - Cơn lũ lịch sử 1999, hay trước đó trận bão lớn 1985 gây không biết bao đau thương, mất mát nhưng cũng là cơ hội cho cư dân vạn đò của huyện Quảng Điền lên bờ định cư, ổn định cuộc sống.

30 hộ dân thôn Nam Phước sẽ được di dời sớm

 Nhà xây kiên cố khang trang ở Phước Lập

Từ khu tái định cư Trung Làng

Gần 20 năm, kể từ sau cơn lũ lịch sử 1999 đi qua nhưng quá khứ của người dân vạn đò một thời vẫn hằn in trong tâm trí của ông Hoàng Do ở khu tái định cư (TĐC) Trung Làng, xã Quảng Thái. Cơn lũ bất ngờ ập đến cuốn phăng tất cả cư dân vạn đò, họ cố gắng hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau nhưng hơn 10 người bị lũ cuốn trôi.

Sau cơn lũ lịch sử 1999, chính quyền địa phương quyết định “làm cuộc cách mạng” TĐC cho dân vạn đò, lập nên vùng đất mới - thôn TĐC Trung Làng với 225 hộ.

“Cảnh vạn đò lênh đênh sông nước, “nay đây mai đó”, đời sống bấp bênh. Con em không được đến trường, hồi đó hầu hết đều mù chữ. Lo ngại nhất là mỗi khi có dự báo bão, lũ tràn về, người dân như “ngồi trên đầu voi”… Từ ngày được huyện Quảng Điền quy hoạch, cấp đất và hỗ trợ cho người dân làm nhà, được lên bờ định cư, đời sống của người dân dần đi vào ổn định. Vào mùa bão, lũ người dân không còn nơm nớp âu lo như trước”, ông Do trải lòng.

Nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang dồi dào, kết hợp nghề nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân. Mỗi ngày hộ ông Trần Văn Chiến cũng như nhiều ngư dân Trung Làng có thể thu nhập vài trăm ngàn đồng từ nghề đánh bắt cá, tôm, khai thác trìa... Các hộ nuôi cá lồng có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Đến nay hầu hết các hộ dân thôn Trung Làng đều xây dựng được nhà kiên cố, vững chắc, an toàn trong bão, lũ.

Nuôi thủy sản chắn sáo của cư dân Phước Lập

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước thông tin, tỷ lệ hộ nghèo của thôn đến nay chỉ còn hơn 5%. Người dân chung sức xây dựng và thực hiện quy hoạch trên địa bàn, hưởng ứng phong trào hiến đất hiến cây, đóng góp kinh phí để mở rộng đường giao thông. Cách đây 2 năm, Quảng Thái hỗ trợ kinh phí cho thôn tiến hành xây dựng đoạn đường từ nhà bà Hiền đến đập đá tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, buôn bán.

Đến thôn Phước Lập

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, sau bão 1985, hay từ trận lũ lịch sử 1999 trở đi, huyện Quảng Điền tiến hành TĐC cho hàng ngàn hộ dân. Có thể kể đến các khu TĐC, như Hà Công, Sơn Công, Vạn Mộ, Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi); Trung Làng (xã Quảng Thái); Phước Lập (xã Quảng Phước); Quán Hòa (xã Quảng Thành); thôn 14 (xã Quảng Công); Thủy An (xã Quảng Ngạn)…

Trận bão lịch sử 1985 cũng để lại biết bao đau thương, mất mát cho nhiều cư dân vạn đò trên địa bàn huyện Quảng Điền, trong đó thôn vạn đò Phước Lập, xã Quảng Phước bị thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Sau trận bão lớn, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai quy hoạch, bố trí cho thôn vạn đò lên bờ TĐC, lập nên thôn Phước Lập với gần 200 hộ.

Cảnh lênh đênh sông nước đã lùi xa mấy chục năm nay, người dân không chỉ “an cư” mà còn “lạc nghiệp”. Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản “ăn nên làm ra”, người dân có điều kiện xây nhà kiên cố, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Từ bao đời thèm khát con chữ, gia đình chị Trần Thị Sở quyết tâm nuôi con ăn học đã “gặt hái thành công” khi đứa con trai đầu đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 2, nay đã có việc làm ổn định; hai đứa khác cũng đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng…

Chị Hà Thị Tuyết ở thôn Phước Lập nhớ lại: Hồi còn cư dân vạn đò, hầu như bà con chẳng ai để ý đến chuyện chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho con cái. Từ khi được lên bờ định cư đến nay, người dân thường xuyên khám bệnh, phát hiện kịp thời những loại bệnh để chữa trị. Đời sống từng bước cải thiện, con em đầy đủ dinh dưỡng, không còn còi cọc như thời vạn đò. Từ ngày lên bờ định cư, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hằng năm, đến nay chỉ còn khoảng 10-15%.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước nhận xét, từ khi được an cư, tiềm năng vùng sông đầm được người dân khai thác một cách hợp lý, hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của thôn Phước Lập đến nay đạt trên 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ dùng điện đạt gần 100% và nước sạch hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn Phước Lập chỉ còn dưới 5%.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà: Vừa khắc phục vừa chống lũ

Ngày 16/10, nhiều khu vực dọc sông Bồ nước lên trở lại, thị xã Hương Trà yêu cầu các địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử đồng thời chủ động chuyển sang trạng thái chống lũ mới.

Hương Trà Vừa khắc phục vừa chống lũ
20 năm sau trận lũ lịch sử: Hồi sinh những làng quê

Sáng 3/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và một số lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có chuyến thăm, tặng quà một số địa bàn - nơi từng xảy ra thiệt hại nặng nề về người của trận đại hồng thủy năm 1999.

20 năm sau trận lũ lịch sử Hồi sinh những làng quê
Ma Nê hồi sinh sau lũ

Mỗi mùa lũ lụt đi qua, thôn Ma Nê - vùng thấp trũng nhất thuộc xã Phong Chương (Phong Điền) đều chịu thiệt hại nặng nề; đặc biệt trong cơn Đại hồng thủy năm 1999, Ma nê gần như "trắng tay"...

Ma Nê hồi sinh sau lũ
Bộ NN&PTNT kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp

Từ ngày 20/12 sẽ có bốn đoàn thuộc Bộ NN&PTNT đi tám tỉnh Nam Trung bộ rà soát kỹ thiệt hại sau cơn “lũ chồng lũ” và có biện pháp cụ thể hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN PTNT kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top