ClockThứ Sáu, 05/02/2021 19:47

Bánh tét làng Chuồn vào Nam đón Tết

TTH.VN - Nổi tiếng từ lâu nay, bánh tét làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) được xem là hương vị truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người dân Cố đô. Món bánh trứ danh ấy còn xuất hiện trên những mâm cúng, bữa ăn của người Huế xa quê trong dịp tết đến xuân về.

Bánh tếtBánh gói lá đon của mạCặp bánh chưng xanh đặc biệt!Hương xưa bánh Tết

Bánh tét làng Chuồn giờ đây đã trở thành đặc sản với nhiều người miền Nam

Những năm gần đây, bánh tét làng Chuồn được người Huế xa quê đặt hàng từ sớm. Những đòn bánh do chính tay bà con làng Chuồn nấu để phục vụ nhu cầu của người Huế nơi xa vì thế chất chứa cả ân tình, hương vị quê hương, nhất là với bà con sống ở miền Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Những ngày này, không khí những ngõ xóm ở ngôi làng nổi tiếng nằm bên vùng đầm phá khá nhộn nhịp. Không khó để ngửi được mùi thơm của hương vị nếp thịt, cùng với làn khói bếp và tiếng vui đùa của các gia đình làm bánh. “Đặt bánh hả con. Ở Huế hay đưa đi xa, bao nhiêu, khi nào cần?” những câu hỏi dồn dập cùng với nụ cười hiền của bà con vùng quê này khi gặp người lạ vào làng, khiến ai cũng bất ngờ lẫn tò mò.

Hầu hết những gia đình làm bánh tét ở đây nối từ đời này sang đời khác. Trải qua thời gian, bánh tét làng Chuồn không còn bó hẹp ở không gian địa lý nhỏ hẹp trên địa bàn tỉnh mà đã trở thành đặc sản theo người Huế đi xa. “Những năm gần đây, bà con ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng nhiều lắm. Cứ gọi, nấu xong, mình chất vào thùng rồi lên bến xe gửi vô cho người ta”, anh Đoàn Hưng, một người làm bánh tét ở làng quê này nói.

Năm nay, gia đình anh Hưng đã nhận hơn 100 đơn đặt hàng, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng chiếm hơn một nửa. Ngoài các thành viên trong nhà, anh Hưng còn thuê thêm nhiều người dân quanh xóm phụ việc. Trẻ con lau lá, người lớn vuốt nếp, làm nhụy, gói bánh... không khí rộn ràng cả một ngôi nhà.

Bánh tét làng Chuồn được gói bằng nếp trồng trên ruộng của làng nên có vị thơm đặc trưng riêng, lá chuối cũng là lá chuối vườn nên người mua bánh rất yên tâm, không sợ chất nhuộm xanh. Với kinh nghiệm làm bánh đến đời thứ 3 (trước đó ba và ông nội cùng làm bánh), anh Hưng bảo rằng bánh tét làng Chuồn nổi tiếng bởi đòn bánh được gói đẹp, nhụy bánh nằm đúng trung tâm, giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau... Khi luộc bánh lửa phải đỏ rực và phải trực thường xuyên để chêm nước.

“Tiếng lành đồn xa. Ban đầu chính bà con làng Chuồn xa quê đặt hàng rồi mời bạn bè ăn. Cứ thế, người khác thấy ngon nhờ đặt nên trải qua thời gian hương vị này được rất nhiều người phương xa ưng ý, đặt vào dịp tết”, anh Hưng chia sẻ.

Cũng như gia đình anh Hưng, hàng trăm hộ dân ở làng Chuồn cũng rộn ràng gói bánh. Mỗi lần tết đến, nhà ít thì vài trăm, nhà nhiều cũng đến dăm ngàn đòn. Vui hơn khi bánh tét làng Chuồn được không chỉ người Huế xa quê nhớ đến mà ngay cả những người không phải gốc Huế nhưng từng thưởng thức món đặc sản này hài lòng.

Gia đình chị Phan Thị Thời có thâm niên hàng chục năm làm bánh tết ở làng Chuồn cho biết, năm nay đã nhận hàng chục đơn hàng với hàng trăm đòn bánh tét tận TP. Hồ Chí Minh. Tuỳ theo đơn hàng và ngày nhận, cả gia đình chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để làm bánh rồi gửi đi đúng thời gian. “Bánh sau khi chín, gửi xe đi chưa tới một ngày người ta có thể nhận được ngay. Tuỳ theo kích cỡ, mỗi đòn bánh có giá từ 40.000 – 60.000 đồng”, chị Thời nói.

Thông qua mạng xã hội, việc quảng bá hình ảnh, chất lượng của bánh thuận tiện hơn rất nhiều, vì thế khách hàng ở xa có thể tiếp cận và đặt hàng nhanh chóng. Cũng theo người làm bánh tét làng Chuồn, bên cạnh nguyên liệu và cách làm, thương hiệu bánh đón nhận được khách hàng là nhờ vào sự uy tín trong việc giao nhận đơn hàng và giá cả phải chăng.

Tết Nguyên đán năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều bà con hoãn về quê đã chọn phương thức đặt bánh từ xa để thưởng thức trong mấy ngày tết, đơn hàng vì thế cũng tăng theo. “Cứ tết về mình sẽ ăn món bánh truyền thống này. Nhưng năm nay vì dịch COVID-19 nên ở lại thành phố, rất may cũng đã kịp đặt 10 đòn bánh để vừa ăn tết, vừa biếu bạn bè trong này”, anh Trần Anh Sơn, người làng Chuồn đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nói. Theo dự tính, trưa 28 tháng Chạp anh sẽ nhận được “hương vị tết quê nhà”.

“Phi đội bay” bánh tét... lỗi hẹn

Bên cạnh việc nhận gói bánh rồi gửi theo xe, những năm trước, cứ giữa tháng Chạp, có rất nhiều thợ bánh làng Chuồn được bà con sống ở TP. Hồ Chí Minh mua vé máy bay, vé xe để thuê vào gói tận nơi. Theo lý giải của người thuê, rằng ở đâu cũng có người làm bánh, nhưng với bánh tét thì để đạt đến độ sắc sảo, chỉn chu như dân làng Chuồn thì rất khó.

Cứ thế, những “phi đội bay” bánh tét làng Chuồn làm việc cật lực, cho đến chiều 30 tết, khi mẻ bánh cuối cùng ra lò cũng là lúc họ khăn gói, mang theo tiền công trở về nhà ăn tết.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm nay diễn biến phức tạp nên “phi đội bay” bánh tét của bà con làng Chuồn không thể vào TP. Hồ Chí Minh để gói bánh phục vụ người mua.

Ông Trần Thanh Toàn – người gốc làng Chuồn hiện đang trú ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh qua điện thoại cho biết, năm nay đành lỗi hẹn với những ai muốn mua bánh tét làng Chuồn được gói ngay trên đất TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, có thể đặt hàng để lấy bánh từ quê vào.

Ông Toàn kể, hơn chục năm nay, cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán ông lại thuê gần chục người từ làng Chuồn vào để gói bánh tét. Tất cả đều được ông Toàn bao vé máy ăn, ăn ở… “Thế nhưng hơi tiếc, năm nay không thể. Hy vọng, năm sau hết dịch, nồi bánh tét làng Chuồn sẽ đỏ lửa trở lại tại vùng đất phương Nam này”, ông Toàn chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản cho vụ Tết

Nông sản, đặc sản vùng cao A Lưới đang vào thời điểm hoạt động rộn ràng phục vụ đơn hàng và nhu cầu người tiêu dùng. Đây là mùa sản xuất được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao, đồng thời quảng bá các mặt hàng đến với nhiều thị trường.

Đặc sản cho vụ Tết
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
“Săn” cá bống suối

Hôm đến xã Hồng Thủy xa xôi của huyện biên giới A Lưới, tôi gặp hình ảnh dưới dòng suối uốn lượn giữa núi rừng, người phụ nữ Pa Cô đang mải miết “săn” cá bống. Mồ hôi ướt lưng chiếc áo cũ, dệt bằng vải zèng truyền thống, nhỏ giọt trên đôi má hồng rực lên dưới nắng. Nụ cười cũng rạng rỡ như nắng và mộc mạc, hiền lành như lá rừng. “Bức tranh” thật đẹp khiến chúng tôi không thể nào không “chốt” cái hẹn ngược suối.

“Săn” cá bống suối
Bình yên nơi làng An Truyền

Người Huế có niềm vui nho nhỏ tụ tập gia đình, họ hàng vào dịp cuối tuần, thể hiện được nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình thân. Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vừa gần với trung tâm thành phố vừa gìn giữ được chất “làng quê yên bình”, không khí của phá Tam Giang trong lành là chọn lựa phù hợp cho một ngày nắng đẹp.

Bình yên nơi làng An Truyền

TIN MỚI

Return to top