ClockThứ Ba, 24/03/2020 14:25

Tháng Thanh niên 2020: Góp sức trẻ chung tay phòng chống dịch COVID-19

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đang lan rộng ra toàn cầu, phòng, chống dịch được xác định là “cuộc chiến” của toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ - một trong những lực lượng xung kích với nhiều đóng góp cụ thể, sáng tạo.

Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống hiv/aids

Cùng chung một ý chí “chống dịch như chống giặc” với hàng triệu người dân, đoàn viên, thanh niên Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để chung tay cùng cả nước đẩy lùi và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, dù số ca nhiễm chưa dừng lại.

Nhiều phần việc thiết thực của tuổi trẻ

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động tuổi trẻ cả nước tham gia ủng hộ phòng, chống dịch. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các Tỉnh đoàn, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc phát động trong đoàn viên, thanh niên của địa phương, đơn vị hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tích cực tham gia ủng hộ để cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch COVID-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam rửa tay phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đồng thời, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các cơ quan truyền thông trực thuộc Trung ương Đoàn tích cực tuyên truyền về lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát động ủng hộ của Trung ương Đoàn; chủ động thông tin, lan tỏa các tấm gương của đoàn viên, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay trong lễ phát động, cán bộ, nhân viên công tác tại cơ quan Trung ương Đoàn đã đóng góp 383 triệu đồng. Tuổi trẻ cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện việc quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh, thể hiện những nghĩa cử cao đẹp, lối sống đẹp của tuổi trẻ.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các Tỉnh đoàn, Thành đoàn không tổ chức Lễ ra quân Tháng thanh niên năm 2020 mà bắt tay ngay vào những công trình, phần việc cụ thể. Khác với những Tháng Thanh niên từ trước đến nay, trong thời điểm dịch COVID-19 đang có diễn biến mới phức tạp hơn, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, Tháng Thanh niên năm 2020 của tuổi trẻ Thủ đô thực sự khác biệt với những hoạt động “lần đầu tiên”. Chương trình khởi động Tháng Thanh niên của tuổi trẻ Thủ đô được tổ chức dưới hình thức phát động trực tuyến; tiếp cận đến hơn 400.000 người với 62.000 lượt xem, gần 1.000 lượt chia sẻ, 1.500 lượt “like” cùng hơn 2.500 bình luận hưởng ứng phát động, tương tác trực tuyến của đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Nội.

Bằng tinh thần xung kích, tuổi trẻ Hà Nội đã và đang vào cuộc kịp thời, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm tiên phong với nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng tạo như: tuyên truyền, định hướng thông tin trong thanh thiếu niên và nhân dân trước tình hình dịch bệnh bằng nhiều kênh phong phú, đặc biệt phát huy vai trò, hiệu quả của mạng xã hội; kịp thời điều chỉnh quy mô ra quân các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, chú trọng triển khai theo các đội hình nhỏ để tránh tập trung đông người; kết nối, huy động các nguồn lực xã hội hóa tổ chức phát hàng trăm nghìn khẩu trang đạt chuẩn, nước rửa tay kháng khuẩn và tờ rơi tuyên truyền khắp 30 quận, huyện, thị và tại trụ sở các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đoàn viên khối trường học phát huy sức sáng tạo, đặc thù chuyên ngành pha chế hàng nghìn lít nước sát khuẩn tay đạt chuẩn, may hàng nghìn chiếc khẩu trang tặng miễn phí cho nhân dân, thanh thiếu nhi, tiêu biểu như: tuổi trẻ Đại học Thủy lợi, Đại học Phenikaa, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đại Nam…

Nhiều Ngày hội hiến máu tình nguyện đã được triển khai; nhiều tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố tích cực hỗ trợ “giải cứu” hàng tấn nông sản của nông dân các tỉnh. Các hoạt động đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường kết hợp với tham gia hỗ trợ khử khuẩn tại các trường học và địa điểm công cộng được thanh niên Thủ đô duy trì thường xuyên, hiệu quả. Hàng trăm “lá thư tay”, sơ đồ tư duy hiểu biết về COVID-19 được đội viên Thủ đô thiết kế, gửi tới các bạn đội viên trong cả nước.

Các cuộc thi thiết kế ấn phẩm tuyên truyền, “thông điệp chiến thắng” được các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố sáng tạo tổ chức, triển khai. Những clip nhảy “Ghen Cô-vy” với màu áo xanh thanh niên của tuổi trẻ Thủ đô được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội với những thông điệp đính kèm ý nghĩa… Bên cạnh đó, hướng tình cảm và sự chia sẻ đến cả cộng đồng, Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Điện Biên và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ 15.000 khẩu trang và 100 lít nước sát khuẩn.

Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang là mô hình sáng tạo được Thành Đoàn Thuận An (tỉnh Bình Dương) thực hiện và lan tỏa trong toàn tỉnh. Bên cạnh cách làm ý nghĩa này, các đội thanh niên xung kích của các cơ sở đoàn tại Bình Dương cũng đã thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho đoàn viên, thanh niên, người dân. Đã có trên 115.000 khẩu trang miễn phí được phát tại nhiều điểm tại Bình Dương trong hai tuần đầu tiên của Tháng Thanh niên. Đồng thời với việc phát khẩu trang, đội thanh niên xung kích cũng đã phát hơn 103.104 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách… nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Để đối phó với tình huống khan hiếm nước rửa tay sát khuẩn trên thị trường, Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã nghiên cứu thực hiện pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn và cung cấp miễn phí cho các cơ sở Đoàn và trường học của tỉnh.

Sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã lập các chốt kiểm soát tại 7 địa điểm trên địa bàn. Góp sức trẻ tham gia phòng, chống dịch, Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên phối hợp cùng lực lượng chức năng ra quân kiểm soát dịch COVID-19 tại các chốt, hỗ trợ người dân khai báo y tế, hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn để đảm bảo an toàn trước khi vào thành phố. Công tác tình nguyện được thực hiện 4 ca/ngày, mỗi ca kéo dài 6 giờ, trong đó có 4 tình nguyện viên/đoàn viên/chốt hỗ trợ lực lượng chức năng. Tại Đà Nẵng có 1.200 tình nguyện viên trẻ đăng ký tham gia chương trình, 250 đoàn viên, thanh niên đang trực tại các chốt.

Phan Tăng Bình (sinh viên năm thứ 5, Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng) là một trong các đoàn viên đầu tiên đăng ký tham gia phần việc này. Bình đăng ký tình nguyện tham gia trực hai ca từ 18 - 24 giờ và từ 0 - 6 giờ hằng ngày. Khoảng cách từ nơi ở của Bình đến điểm chốt dịch ở cuối đường Trường Sa khoảng 30 km, song từ ngày 18/3, ngày nào Bình cũng cần mẫn đến điểm chốt đúng giờ, nhiệt tình tham gia hỗ trợ lực lượng kiểm soát dịch. “Lúc đăng ký, thấy lịch đêm ít người tham gia, nên tôi đã xung phong trực vào giờ đó. Mặc dù có chút mệt, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã góp ít sức nhỏ của mình cùng với cộng đồng chống dịch”, Bình tâm sự.

Theo Bí Thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng, khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước ngoài, Thành đoàn Đà Nẵng đã chủ động, nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đồng thời kêu gọi đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền, vận động người dân có ý thức tự giác phòng, chống dịch; cùng chung tay với cộng đồng thực hiện các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như phát khẩu trang, nước sát khuẩn, dọn vệ sinh môi trường. Trong quá trình làm việc, mỗi đoàn viên, thanh niên đều tuân thủ quy định về phòng dịch, luôn trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ để việc kiểm dịch diễn ra an toàn.

Cùng với Đà Nẵng, Bình Dương cũng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập “Đội phản ứng nhanh” với thành viên là những người trẻ để tuyên truyền cho người dân về cách phòng tránh dịch. Bí thư Thành đoàn Thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Thành đoàn đã thành lập 14 đội phản ứng nhanh, với công việc cụ thể là phối hợp với các đơn vị y tế chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng, trang thiết bị phòng, chống dịch hỗ trợ các đơn vị khi cần thiết. Các thành viên của đội phản ứng nhanh cũng trực tiếp đến các khu dân cư để hướng dẫn người dân về cách phòng dịch từ những hành động, việc làm nhỏ như: vệ sinh, sát khuẩn thân thể, nơi trú ngụ, đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra ngoài, tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng, thường xuyên rửa tay, sử dụng các loại thực phẩm chín, tránh tiếp xúc gần với các loài động vật hoang dã...

Sinh viên hướng dẫn người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát y tế Ga Huế. Ảnh: Tường Vi

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh với những diễn biến mới, rất nhiều sinh viên y khoa trên cả nước cùng thầy cô trong các nhà trường đã tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Mới đây, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Y Dược (thuộc Đại học Huế) đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu tích cực góp sức trong “cuộc chiến” chống dịchCOVID-19. Tại Ga Huế - một trong những nơi đặt chốt kiểm soát y tế, nhóm sinh viên ngành y trường Đại học Y Dược Huế cùng với cán bộ y tế, lực lượng Công an, Quân đội  túc trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi chuyến tàu về ga, dù ban ngày hay đêm khuya, đội ngũ làm nhiệm vụ đều khẩn trương thực hiện phân luồng hành khách, tiến hành đo thân nhiệt, khai báo y tế liên quan đến các thông tin sức khỏe, những nơi đã đi qua, những người đã tiếp xúc, hướng dẫn rửa tay đúng cách…

Tại đây, mỗi ngày có 3 nhóm sinh viên luân phiên làm nhiệm vụ, mỗi nhóm có 5 sinh viên. Hoàng Trần Sao Mai (lớp Y6G, ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược Huế) chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được thông báo của trường, em đã chủ động viết đơn tình nguyện tham gia chiến dịch phòng, chống COVID-19 tại các cửa ngõ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chúng em còn trẻ, còn khỏe nên muốn cống hiến sức trẻ để cùng với cả nước tích cực tham gia vào cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Đây cũng là cơ hội để chúng em có thể vận dụng kiến thức học được từ trong nhà trường vào thực tế”.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, sinh viên Y khoa năm cuối của trường đã tình nguyện tham gia phòng chống dịch. Chỉ sau một ngày thông báo, vận động đã có khoảng 340 sinh viên của trường đăng ký tham gia. Trong đợt đầu, nhà trường lựa chọn khoảng 160 sinh viên có ngoại ngữ tốt, nhằm hỗ trợ, trao đổi với người nước ngoài để tham chiến dịch tình nguyện. Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quốc Huy cho rằng, đây cũng là cơ hội để các sinh viên thể hiện bản lĩnh, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp đối với cộng đồng, xã hội. Với vốn hiểu biết của các sinh viên y dược đang học năm thứ năm, thứ sáu, trong đợt tình nguyện này, nhà trường mong muốn cùng chung sức với cả nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

TIN MỚI

Return to top