ClockThứ Bảy, 14/01/2023 08:24

Cùng chung tay cho “đô thị giảm nhựa”

TTH - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thừa Thiên Huế đã và đang làm tốt vai trò đơn vị kết nối trong triển khai thực hiện dự án (DA) “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Phụ nữ A Lưới phát triển nông sản địa phươngNăm 2023, phụ nữ Huế tập trung 10 nhiệm vụ trọng tâmNhiều mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo

Hội phụ nữ thực hiện mô hình IMO

Chuyện của hội viên Lê Thị Hằng

Tháng 3/2022, chị Lê Thị Hằng, hội viên Hội LHPN phường Đông Ba (TP. Huế) được tiếp cận với phương pháp làm nước tẩy rửa từ rác hữu cơ do Hội LHPN phường chủ động tập huấn từ các loại vỏ cam, vỏ chanh, quýt và quả bồ hòn. Qua thực hiện, chị Hằng nhận thấy nước tẩy rửa dùng để rửa chén bát rất sạch sẽ và đáng nói là, phần cặn có thể tiếp tục sử dụng để lau nhà, chùi rửa nhà vệ sinh.

Nhận thấy chế phẩm enzyme là một loại chất tẩy rửa hữu cơ sử dụng tốt cho sức khỏe lại có lợi ích về kinh tế hơn, chị Lê Thị Hằng đã chia sẻ chế phẩm này cho các chị em trong chi hội phụ nữ mỗi người một ít về dùng thử. Các chị em qua sử dụng đều rất mong muốn được biết cách làm. Và rồi, tháng 10/2022, thông qua sinh hoạt chi hội, chị Hằng và chị chi hội trưởng đã chủ động mua bồ hòn và các vật dụng cần thiết tập huấn cho hơn 20 chị trong chi hội tham gia chế biến rác hữu cơ thành chế phẩm enzyme.

Ngay trên địa bàn chi hội phụ nữ của chị Lê Thị Hằng đã có gần 30 chị đăng ký tham gia mô hình. Riêng nhà chị Hằng, mỗi đợt làm từ 3 - 4 xô lớn. Để mô hình có được hiệu quả cao hơn, chị Lê Thị Hằng mong muốn các cấp hội phụ nữ tiếp tục tạo điều kiện mở lớp tập huấn rộng rãi tới các chi hội và cung cấp đầy đủ tài liệu tập huấn về quy trình làm chế phẩm enzyme này để giúp chị em hội viên và bà con thực hiện đúng quy trình, đạt hiệu quả cao hơn nữa. Được biết, lợi ích từ chế phẩm enzyme được xác định đó là nước tẩy rửa sinh học, dung dịch thông cống và phân bón sinh học cho cây (sử dụng bã sau lọc).

Câu chuyện chị Lê Thị Hằng gắn với DA "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam", được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế, nhằm hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.

Trong vai trò đơn vị kết nối, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn. Đáng kể như tập huấn TOT truyền thông thay đổi hành vi trong công tác bảo vệ môi trường; phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO cho 200 hội viên, phụ nữ phường An Đông, Thủy Biều, Phú Thượng, Hương Long; thu gom - phân loại - sơ chế rác thải thành phân bón cho 50 hội viên, tiểu thương chợ An Cựu; chế biến rác hữu cơ thành chế phẩm enzyme cho 200 hội viên, phụ nữ tại phường Đông Ba, Phước Vĩnh, Tây Lộc, Hương Hồ.

Hội LHPN tỉnh cũng trao tặng 300 xô nhựa và 10 thùng rác cho hơn 300 hội viên; thiết kế, in ấn sổ tay theo dõi kết quả phân loại và xử lý rác hữu cơ với  400 cuốn sổ tay được phát cho các hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình IMO, Enzyme; thành lập tổ hợp tác làm nghề ve chai, thu gom phế liệu tại phường An Đông; giám sát định kỳ, đánh giá kết quả đầu ra các mô hình IMO, Enzyme triển khai.

Hội cũng phát động Cuộc thi “Xây dựng ý tưởng truyền thông về bảo vệ môi trường”. Từ nguồn kinh phí giải thưởng, các thí sinh triển khai hoạt động, hiện thực hóa ý tưởng truyền thông tại địa phương; tổ chức Ngày Hội đổi rác tái chế lấy nhu yếu phẩm; dựng tiểu phẩm tuyên truyền về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân; vẽ tranh tuyên truyền trên tường tại các tuyến đường; truyền thông sử dụng cốc thủy tinh, ly giấy tại các quán trà sữa; thay đổi sử dụng túi vải thay vì sử dụng túi ni lông tại các cửa hàng tạp hóa và xây dựng các “Ngôi nhà xanh”.

Nhân rộng các mô hình

Toàn tỉnh có 303 hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình IMO, Enzyme. Phần lớn đều biết cách ủ rác bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO và chế phẩm enzyme theo đúng kỹ thuật và quy trình; từ 11,9 tạ rác hữu cơ chế biến thành 2.417 lít phân bón và chế phẩm enzyme. Sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn, IMO dùng để tưới hoa, rau màu và chế phẩm enzyme dùng để rửa chén, lau sàn... mang lại hiệu quả cao. Một số phường có diện tích đất nông nghiệp lớn phù hợp để nhân rộng mô hình IMO, được hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng.

Thực tế vẫn còn nhiều bất cập, ví như quá trình làm thủ tục phê duyệt dự án khá lâu. Sổ tay theo dõi mô hình “Phụ nữ sống Xanh” phát hành muộn so với việc thực hiện mô hình nên ảnh hưởng đến việc ghi chép, theo dõi kết quả đầu ra. Nguyên liệu để làm chế phẩm enzyme thường không có sẵn ở Huế, nên khó khăn trong việc đặt mua nguyên liệu. Vị trí đặt thùng ủ rác tại chợ An Cựu chưa phù hợp với tình hình ở chợ, sản phẩm IMO chưa được sử dụng.

Tại Hội nghị sơ kết DA “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, Hội LHPN tỉnh đề ra nhiệm vụ nhân rộng các mô hình trong năm 2023 gắn với củng cố chất lượng hoạt động của các mô hình đã thành lập năm 2022. Cùng với hỗ trợ tập huấn củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ thuật xử lý rác thải; hỗ trợ bổ sung dụng cụ thực hiện mô hình cho các thành viên mới là việc tạo các dịch vụ có sẵn và kết nối, phát triển sản phẩm enzyme, men vi sinh để tạo sinh kế cho các thành viên tham gia mô hình, hướng tới tổ chức sự kiện “Phiên chợ xanh – vì tương lai xanh” cấp tỉnh.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top