ClockThứ Bảy, 10/03/2018 09:10

Tội nghiệp chim én

TTH - Đi qua chùa Từ Đàm, xuống dốc Nam Giao, bắt gặp điều này làm cho người viết nghĩ ngợi.

Một phụ nữ tuổi trung niên, chở theo hai chiếc lồng khá to. Đáy chiếc lồng có hình chữ nhật, mái có hình vòm giống như mái của những chiếc thuyền của bà con ngư dân. Trong lồng nhốt đầy chim én. Hình ảnh này tôi đã bắt gặp rất nhiều lần trước đây. Cũng những chiếc lồng mái hình vòm như vậy. Có lẽ họ làm ra những chiếc lồng hình vòm là để cho lũ chim khi bay táo tác sẽ đỡ bị đau hơn !?

Những con chim én này chắc chắn là được đem đi bán cho những người  có nhu cầu, với cái gọi là  phóng sinh.

Thoạt nhìn, chúng ta thường hay băn khoăn, tại sao lại có một cách xử sự ngược đời như vậy ! Chim én đang tự do tung tăng bay ngoài trời. Và chẳng phải có lắm lúc chúng ta đã nâng loại chim này lên thành cái đẹp, cái lãng mạn - “Chim én dệt mùa xuân”. Và nó cũng đã từng là những hình ảnh đẹp trong một câu ca nào đó: “ Tạm biệt chim én xưa, tạm biệt những giấc mơ, và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong…”. Trong thơ của Đại thi hào Nguyên Du cũng có những câu thơ đẹp về chim én "Xập xè én liệng tầng không/Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày"... rồi con người lại giăng bẫy bắt, gom nó lại, nhốt nó lại, đem bán như một món hàng hóa cho ai đó có nhu cầu thả nó ra, gọi là phóng sinh để làm… phúc. Nói ngược đời là vậy.

Nhưng ở đây có vấn đề “không ngược đời” trong hành động và suy nghĩ. Là vì hai chủ thể sinh ra hai cách nghĩ và hai hành động khác nhau. Chủ thể thứ nhất là đi bắt chim để bán, xem loài chim én như là một món hàng bình thường, bán để kiếm tiền mưu sinh. Chủ thể này có lẽ không bao giờ lăn tăn trong đầu mình là mình làm điều ấy là điều ác. Chủ thể thứ hai, ngược với chủ thể thứ nhất, đã xuất hiện cái sự nghĩ ngợi về đạo đức, phải giải thoát cho những con chim tội nghiệp kia. Và cũng để cho mình, thông qua hành động này mong có được điều phúc. Rõ ràng, hai cách nghĩ và hai hành động nói trên là trái ngược nhau, một bên có thể nói là không đẹp. Và một bên là hành động đẹp.

Nhưng rồi bình tâm suy nghĩ lại, cả hai cách ứng xử nói trên đều tác động vào một đối tượng, là chim én và chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Nếu không có hành động này thì không bao giờ có hành động kia và ngược lại. Nói cách khác là không có người bắt chim én thì sẽ không có người mua chim én. Không có người mua chim én thì sẽ không có người đi bắt chim én để bán. Trong kinh tế có thể nhìn nhận mối quan hệ này như là qui luật cung - cầu. Người bắt chim (tạo ra cầu), đến lượt mình, người mua chim (tạo ra cung). Nếu xét như vậy thì suy cho cùng, chẳng có hành động nào đẹp cả. Và như vậy, chẳng có hành động nào tạo ra điều phúc!

Thông thường, có một hành động nào, được cho không là đẹp diễn ra trong cuộc sống, mọi người thường hay cùng nhau lên án, chỉ trích. Nặng hơn nữa là áp pháp luật vào để điều chỉnh. Hành động bắt chim en, rồi mua thả chim én (không có ít con chưa kịp nhờ người giúp, trở về với thiên nhiên đã chết), có vẻ như không thấy mấy người quan tâm, mấy người lên án để ngăn chặn hành động này, để bảo vệ loài chim nhỏ bé tội nghiệp, để “Chim én dệt mùa xuân” làm đẹp cho chính cuộc sống chúng ta.

Không phải chỉ có một loài chim én. Chim sẻ cũng là một loài cùng chung trong số phận này. Cách đây ít lâu, tôi có dẫn một người chị đến Huế thăm tượng Phật bà Quan Thế Âm. Tượng đài Quan Âm được xây trên núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Có 145 bậc cấp dẫn lên tượng đài, nơi được cho là chốn linh thiêng ở Huế. Hôm ấy vừa mới lên đến sân tượng đài thì có một phụ nữ, cũng trạc tuổi trung niên đến mời tôi mua mấy con chim sẻ được nhốt trong lồng để phóng sanh. Tôi cương quyết không mua và có nói với chị rằng, tại sao chim đang bay lượn tự do chị lại bắt nhốt vào lồng rồi mời tôi mua để phóng sanh. Và tôi đã nhận từ chị những lời mắng nhiếc chẳng mấy đẹp.

Từ trường hợp của tôi vừa nói trên, tôi nghĩ, có lẽ cũng đã có nhiều người hành xử như tôi và cũng đã có không ít người nhận những câu trả lời như tôi nhận. Một người phản ứng không hiệu quả thì cần nhiều người, rất nhiều người phản ứng. Rồi từ những phản ứng riêng lẻ trở thành những phản ứng phải được tổ chức để nó có sức đánh động mạnh mẽ hơn. Nếu tất cả những điều này không có tác dụng thì chúng ta cần đến sự can thiệp của luật. Luật bảo vệ động vật hoang dã.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên truyền nghiêm cấm mua bán động vật hoang dã để phóng sanh

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin ngày 30/8, đơn vị đã làm việc trực tiếp với gần 70 ngôi chùa trên địa bàn toàn tỉnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và việc mua bán các loài chim nói riêng.

Tuyên truyền nghiêm cấm mua bán động vật hoang dã để phóng sanh
Phúc lợi động vật

Báo Thừa Thiên Huế đưa tin: 11 giờ ngày 16/3, nhận được tin báo về việc một người dân bán chim trời tại khu vực quán cơm chay Liên Hoa, đường Lê Quý Đôn (TP. Huế), HKL TP. Huế đến hiện trường, mời đương sự về trụ sở làm việc.

Phúc lợi động vật
Nơi chim én bay về

Tôi có chút ngỡ ngàng khi bắt gặp nhiều cụ già chống gậy vui vẻ ngắm trời, trò chuyện rôm rả bên những triền hoa thanh trà nở trắng lối đi.

Nơi chim én bay về
Phận chim phóng sinh

Việc bắt chim, buôn bán chim phóng sinh đang là kế sinh nhai của một số người. Nét đẹp phóng sinh không còn ý nghĩa như nó vốn có.

Phận chim phóng sinh

TIN MỚI

Return to top