ClockThứ Năm, 07/09/2017 09:00

Khi trạm y tế thiếu bác sĩ

TTH - Thiếu bác sĩ (BS) tại một số trạm y tế phường đã gây trở ngại trong việc khám chữa bệnh ban đầu, khiến người dân không hài lòng.

Trở ngại

“Trạm y tế (TYT) không có BS gây trở ngại cho người dân. Dù có BS của trạm khác, phường khác được bố trí tăng cường đến khám chữa bệnh 2 ngày/1 tuần nhưng chưa đáp ứng được. Chúng tôi là người già cả, đi lại khó khăn, nhiều người bị cao huyết áp, khi cần khám, lấy thuốc, ra TYT phường, thì lại không “trúng” ngày có BS tăng cường. Bệnh tật trong người phát ra có đợi được ngày trạm có BS tăng cường về khám đâu”?... Đây là ý kiến phản ánh của người dân đến đường dây nóng Báo Thừa Thiên Huế.

Theo cơ chế liên thông, bệnh nhân có thể đến bất cứ TYT nào hoặc phòng khám khu vực 2, khu vực 3, Trung tâm y tế TP. Huế... để khám chữa bệnh ban đầu, nhưng đối với người dân vẫn bất tiện. Bởi không phải ai cũng có điều kiện đi xa. “Chúng tôi lớn tuổi, đi lại khó khăn, nên chỉ muốn đến ngay TYT phường. Nếu phải đi khám nơi khác, chúng tôi lại phải phiền đến con cháu, “mất” thêm một người bỏ công ăn việc làm, bất tiện lắm”- Một người dân giãi bày. “Vì bực bội, bức xúc nên không ít người dân phản ứng, có lời lẽ không hay với cán bộ lãnh đạo phường”- ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Đúc nói.   

Tương tự, TYT phường Phú Hội hiện nay chỉ có y sĩ, chưa có BS. “Mỗi lần người dân đến khám, mà không “trúng” ngày có BS tăng cường, chúng tôi nhẫn nại giải thích, đồng thời hướng dẫn người dân đến khám tại nơi khác, nhưng họ vẫn không hài lòng, bức xúc vì cho rằng TYT hành dân, bắt dân đi lui, đi tới”- Một cán bộ TYT phường Phú Hội cho hay.

Đối với các phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, quá trình vận động mua bảo hiểm y tế (đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TYT phường) người dân phản ứng rất nhiều. Nay được khám thông tuyến, họ “thông cảm” hơn, vì các địa bàn này gần với phòng khám khu vực 3 (nằm trên tuyến đường Phan Đình Phùng) hoặc Medic (nằm trên tuyến đường Nguyễn Huệ), là những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, con người... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tường Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh và bà Nguyễn Thị Tuyết Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận, TYT không có bác sĩ vẫn là vấn đề bất cập, gây trở ngại trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Cần sớm phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Huế cho biết, theo Thông báo số 2415 ngày 21/10/2016, kết luận của TS.BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế tại Hội nghị giao ban khám chữa bệnh quý III năm 2016: “Có thể bố trí BS y học dự phòng (YHDP), BS y học cổ truyền (YHCT) về công tác tại TYT, vì theo quy định mới các BS này được cấp phép chứng chỉ hành nghề có phạm vi khám chữa bệnh ban đầu (được cấp chứng chỉ hành nghề với điều kiện công tác trên 18 tháng)”. Theo đó, phần lớn các TYT trên địa bàn đều có BS; đối với những TYT chưa có BS, Trung tâm Y tế thành phố đã bố trí, tăng cường BS đến khám chữa bệnh cho người dân 2 ngày/1 tuần. ..

Không có người ứng tuyển

Trên địa bàn TP Huế, hiện nay có 7 TYT thuộc 7 phường (Phường Đúc, Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, An Hòa, Thuận Thành, Hương Long) chưa có BS hoặc chưa có BS đa khoa. Theo ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Huế, hiện các TYT đang thiếu BS đa khoa, là do không có người ứng tuyển, mặc dù năm nào Sở Y tế cũng thông báo tuyển dụng. Ngay cả Trung tâm Y tế TP cũng thiếu, phải rút BS ở các TYT về.

Thế nhưng, thông tin từ cán bộ TYT và lãnh đạo nhiều phường cho rằng, người dân “không chấp nhận” bác sĩ YHCT, YHDP khám chữa bệnh tây y cho họ. Mặc dù các BS đông y công tác trên 18 tháng được cấp chứng chỉ hành nghề, khám chữa bệnh ban đầu (tây y), nhưng người dân hoàn toàn không tin tưởng, thà chịu mất thời gian tìm đến cơ sở khám chữa bệnh khác.

Mặt khác, trên “lý thuyết”, BS tăng cường đến làm việc mỗi tuần 2 ngày. Thế nhưng, ý kiến từ một số TYT và UBND phường (nơi thiếu BS) cho biết, có tuần BS tăng cường chỉ đến 1 buổi, có tuần không có buổi nào. Lý do, những BS này còn bận công việc ở đơn vị của họ, bận các cuộc họp...

Người dân còn không hài lòng, không chỉ những lần họ đến khám không có BS mà ngay cả những hôm “may mắn” được gặp BS; bởi bệnh của họ không được theo dõi từ một BS, lần này BS này, lần sau lại BS khác, đồng nghĩa với việc không đảm bảo về việc điều trị...

Tại Kế hoạch số 2874 ngày 2/8/2017 của UBND TP. Huế về triển khai đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn TP. Huế giai đoạn 2017-2025 đề ra mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2020, Trung tâm Y tế TP đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực có kỹ thuật cao, chuyên khoa; 100% TYT có bác sĩ hoạt động, đảm bảo biên chế thành phần, cơ cấu cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Mong rằng, kế hoạch nêu trên được thực hiện càng sớm, càng tốt, để “giải tỏa” những bất cập, trở ngại trong việc khám chữa bệnh cho người dân tại cơ sở.

TS.BS.Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế:

Phấn đấu trong tương lai gần sẽ đảm bảo bác sĩ ở trạm y tế 

Từ năm 2014 đến năm 2016, toàn tỉnh có nhu cầu 210 BS, nhưng Sở y tế chỉ tuyển dụng được 40 bác sĩ (BS), trong đó chỉ có 12 BS đa khoa.

Phản ánh của người dân về đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh là chính xác. Tuy nhiên, đáp ứng 100% là rất khó, nhưng sự đáp ứng sẽ ngày càng tăng lên. Trước năm 2016 (tức trước thời điểm thông tuyến), người dân ở đâu khám ở đó, vậy nên 82% TYT có BS biên chế tại chỗ, 16% TYT được bố trí BS tăng cường. Nhu cầu người dân tương đối ổn.

Từ khi thông tuyến, người khám chữa bệnh có quyền đến khám tại các phòng khám (tuyến huyện) có hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế. Thực tế, từ 60% đến 80% người dân khám thông tuyến. Do đó, Sở Y tế phải cân bằng nhân lực, điều BS tăng cường đến nơi có nhiều bệnh nhân đến khám, để giảm quá tải những nơi này. Nhìn tổng quan chung có sự điều chỉnh về mặt nhân lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, nên hụt thời gian ở một số TYT (có ít bệnh nhân đến khám). Bộ y tế quy định 1 tuần khám 2 buổi tại TYT. Những ngày không khám, các trạm phải có thông báo, mời bệnh nhân đến khám ở trạm khác. Có thể người dân chưa biết về thông tuyến hoặc muốn khám tại nơi gần nhất để tiện lợi. Cho nên, các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm y tế thành phố phải truyền thông, tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân hiểu, giảm bức xúc.

Hiện trên địa bàn thành phố có 12 phòng khám đa khoa tư nhân (Bệnh viện Hoàng Viết Thắng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình…), 3 bệnh viện công lập (Bệnh viện 268, Bệnh viện Đường sắt, Phòng khám BS gia đình ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế). Điều đó chứng tỏ, mạng lưới y tế ở TP.Huế thuận lợi rất nhiều. Với cơ chế thông tuyến, người dân có nhiều lựa chọn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu.

Phản ánh là đúng, nhưng người dân cần thông cảm cho cái khó của ngành. Giữa đòi hỏi của người bệnh và thực tế cần có sự cân bằng toàn diện, tổng thể và có sự thông cảm. Dần dần vấn đề nhân lực sẽ có sự chuyển dịch, ngành y tế phấn đầu trong tương lai gần sẽ đảm bảo BS tại TYT.

Phạm Thùy Chi (ghi)

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển dụng 58 bác sĩ đa khoa về các cơ sở y tế

​Chiều 15/10, Sở Y tế thông tin, UBND tỉnh đã có thông báo tuyển dụng 126 người tại 19 đơn vị sự nghiệp gồm: Bác sĩ đa khoa (BSĐK), bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, kỹ sư công nghệ thực phẩm… Riêng chức danh tại trạm y tế 9 huyện, thị xã, thành phố cần tuyển 25 người gồm: Bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền, cao đẳng hộ sinh, cao đẳng dược…

Tuyển dụng 58 bác sĩ đa khoa về các cơ sở y tế
Triển khai chiến dịch uống vitamin A đợt 1 cho trẻ

Ngày 4/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết đã cấp phát gần 90.000 viên nang vitamin A đợt I/2024 từ nguồn hỗ trợ của tổ chức UNICEF. Trong đó, có 81.500 viên nang loại 200.000 IU, 8.000 viên nang loại 100.000 IU.

Triển khai chiến dịch uống vitamin A đợt 1 cho trẻ

TIN MỚI

Return to top