ClockThứ Hai, 27/09/2021 05:57

Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật: Nâng bậc cao đẳng để đào tạo tốt hơn

TTH - Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật là địa chỉ đào tạo văn hóa, nghệ thuật có bề dày với các thế hệ học sinh đã thành danh. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhà trường đang xây dựng đề án thành lập trường cao đẳng.

Gìn giữ vốn quý văn hóa dân gianGìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân gian

Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật là nơi đào tạo các thế hệ nghệ sĩ cho Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Cần nâng bậc cao đẳng

Để góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc con người và các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, Huế cần có đội ngũ làm công tác văn hóa được đào tạo nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo các ngành nghề văn hóa, nghệ thuật đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Về nghệ thuật truyền thống, đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ ở Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đa số là cựu học sinh của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật qua nhiều thời kỳ. Nhiều năm nay, việc tuyển sinh các bộ môn truyền thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuồng, múa hát cung đình, nhã nhạc… đứng trước nguy cơ thiếu lớp trẻ kế cận. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xã hội tại cơ sở vẫn chưa được đào tạo bài bản. Hệ thống các thư viện, bảo tàng, nhà lưu niệm, trung tâm văn hóa, các khu di tích lịch sử cần lực lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành...

Thiếu nhân lực nhưng những năm gần đây, việc tuyển sinh ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Một số ngành nghề không có người đăng ký. Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, dù có nhiều văn bản chỉ đạo về phân luồng học sinh nhưng rất khó để thay đổi tâm lý người học. Việc các trường đại học, cao đẳng mở rộng xét tuyển đầu vào, dùng phương thức xét điểm học bạ cũng gây ra sự tác động lớn đối với trường trung cấp.

Gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng thí điểm mô hình đào tạo thẳng lên bậc cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS nhằm làm tốt hơn công tác phân luồng học sinh khiến các trường đào tạo trung cấp càng khó khăn hơn. Hơn nữa, điều kiện đầu vào của khối ngành văn hóa nghệ thuật còn đòi hỏi người học phải có năng khiếu và đam mê, thời gian học lại dài hơn hệ trung cấp các ngành khác nhưng ra trường khó xin việc làm...

Theo ông Nguyễn Văn Mãi, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật là đơn vị duy nhất trong tỉnh đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống và các ngành nghiệp vụ văn hóa ở bậc trung cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo đúng chuyên ngành, cũng như lực lượng đã qua đào tạo trung cấp muốn được học lên bậc cao hơn. Vì vậy, đào tạo nghề ở bậc cao đẳng là yêu cầu tất yếu của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Việc thành lập Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế trên cơ sở nâng cấp trường hiện nay sẽ giúp nhà trường làm tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Đào tạo nhân lực cho văn hóa cơ sở

Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật đã xây dựng đề án thành lập Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế trên cơ sở nâng cấp trường hiện nay. Đề án đang được hoàn chỉnh và lấy ý kiến các ngành trước khi trình các cấp phê duyệt. Dự kiến, nếu được các cấp cho phép, trường sẽ được nâng cấp lên cao đẳng vào năm 2022-2023. Khi trở thành trường cao đẳng, nhà trường sẽ tiến hành đào tạo hai trình độ: cao đẳng, trung cấp và các trình độ, hình thức đào tạo khác.

Việc nâng cấp Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật lên cao đẳng được đặt ra từ rất sớm. Năm 2002, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về “Phát triển giáo dục đào tạo từ năm 2002 đến 2005 và 2010” định hướng quy hoạch phát triển Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế trở thành Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật.

Điều này cũng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của xu thế phát triển văn hóa, xã hội. “Nhu cầu học bậc cao đẳng đối với các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật khá nhiều, trong đó có cả số học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp của trường hiện đang công tác trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung, muốn nâng cao trình độ để góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là nhiệm vụ của nhà trường trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để đón đầu sự phát triển Huế trong tương lai, nhất là thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Mãi cho hay.

Hiện nay, nhà trường đã hoàn thiện đầy đủ các điều kiện về đội ngũ, công tác chuyên môn, quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học… sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về đào tạo trình độ cao đẳng khi đề án nâng cấp trường được lãnh đạo các cấp phê duyệt. Ngoài phần cơ sở vật chất đã có, tháng 4/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2).

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật là cơ sở đào tạo quan trọng của vùng đất Cố đô. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của tỉnh và miền Trung xuất thân từ lò đào tạo này đã và đang cống hiến cho ngành văn hóa. Điều quan trọng nhất là trường đã đào tạo ra một số lượng lớn những người sau này trở thành cán bộ văn hóa cơ sở. Đây là lực lượng chính trong việc kết nối, gìn giữ, bảo vệ và phát triển văn hóa tại địa phương.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top