ClockThứ Tư, 11/08/2021 14:23

Gìn giữ vốn quý văn hóa dân gian

TTH - Sau 30 năm hình thành và phát triển, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế (VNDG) đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Huế.

Ca Huế được các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ gìn giữ và trao truyền (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Giữ vốn quý của ông cha

Xác định VNDG là dòng chảy lớn trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc, là vốn quý không thể mất, nhiều năm qua, dấu chân điền dã của các hội viên Hội VNDG rải khắp từ miền núi cao đến vùng đồng bằng và đầm phá ven biển để nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa, văn nghệ dân gian; thực hiện nhiều công trình biên khảo công phu, khoa học, góp phần làm nổi bật sắc thái phong phú của văn hóa dân gian truyền thống trên đất Thừa Thiên Huế.

Kết quả những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và công phu của Hội VNDG được đánh dấu bằng những sản phẩm, công trình có giá trị khoa học và thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của các hội viên đạt các giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia; trong đó các công trình: “Khảo luận về tục ngữ người Việt”, “Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam” và “Ca dao Thừa Thiên Huế” của nhà nghiên cứu Triều Nguyên đạt giải thưởng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội VNDG Thừa Thiên Huế, văn hóa và nghệ thuật dân gian không chỉ hình thành và gắn bó với ông cha ta trong quá khứ mà còn tiếp tục phát triển trong xã hội đương đại, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội viên Hội VNDG ngày càng phát huy sự đóng góp của mình trong việc nghiên cứu và phục hồi các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Chủ động phục dựng lễ hội, trò chơi dân gian

Quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật và nhịp sống hiện đại tác động một phần đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Một số loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống đang dần bị lãng quên và có nguy cơ mai một trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Một bộ phận lớp trẻ hướng ngoại, ít quan tâm tìm hiểu văn hóa cội nguồn.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, cho rằng: “Chúng ta phải xác định, giá trị văn hóa truyền thống chỉ có ý nghĩa lịch sử tương đối. Vai trò và tác động của các giá trị văn hóa truyền thống có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc nghiên cứu sự tác động của các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đến cuộc sống hiện tại là cách để nhận ra những tác động tích cực bên cạnh những tác động tiêu cực, từ đó phát huy tích cực và khắc phục tiêu cực của các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là nhiệm vụ của Hội VNDG hiện nay, nhất là khi Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương”.

Ông Ngọc đề nghị, Hội VNDG cần tham gia phục dựng giá trị văn hóa văn nghệ dân gian và đưa vào phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; nên chủ động phục dựng một số lễ hội, trò chơi dân gian để đưa vào phục vụ du lịch…

Trước mắt, hội cần tổ chức nghiên cứu đưa ra danh mục những giá trị vật thể, phi vật thể cần sưu tầm, thống kê, phục dựng.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, ngành văn hóa đang đồng loạt triển khai nhiều nghị quyết, kế hoạch, đề án, dự án được tỉnh giao, tiêu biểu như: Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam và Đông Nam Á, kế hoạch tổng kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn, đề án xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, các đề án “Huế kinh đô ẩm thực”, “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”...  Trong quá trình này, ngành văn hóa mong được các nhà nghiên cứu thuộc Hội VNDG phối hợp, đồng hành và hỗ trợ.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Gian nan giữ rừng mùa lũ

Bảo vệ rừng (BVR) vốn lắm gian nan, nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn khi các lực lượng phải băng rừng, vượt suối trong mùa mưa lũ để bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”.

Gian nan giữ rừng mùa lũ
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Giữ sạch bãi biển mùa hè

Những ngày hè, khá đông khách đổ về các bãi biển để tắm mát, thưởng thức hải sản... Điều này cũng khiến các địa phương có biển phải chú trọng hơn đến công tác giữ sạch vệ sinh môi trường, giữ điểm đến ấn tượng trong lòng du khách.

Giữ sạch bãi biển mùa hè

TIN MỚI

Return to top