ClockThứ Sáu, 22/03/2019 06:00

Yêu tà áo dài Huế

TTH - Rất yêu tà áo dài Huế nên những người con của Huế vẫn luôn trăn trở nhiều câu chuyện đẹp, mong muốn góp sức cùng Huế xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu áo dài tốt hơn.

Khi áo dài trở thành ''thượng phẩm"Huế được mặc định "có thương hiệu" áo dàiÁo dài Huế: Cần chiến lược xứng tầm thương hiệu

Áo dài mang đến sự nền nã duyên dáng đối với phụ nữ Việt Nam và cả khách nước ngoài. Ảnh: L.Tuệ

Du khách “si tình”

Nhẹ nhàng bằng chất giọng rất Huế, nhà báo Hoàng Thị Thọ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Mỗi lần xuống phố, thấy những nữ sinh mặc áo dài trắng, không biết tôi còn "tương tư" cho đến bao giờ”. “Chao ôi, thật là đẹp!”, chị xúc động. Trong ký ức chưa xa của nhà báo Hoàng Thị Thọ, áo dài không chỉ là một phần thanh xuân của chị, mà còn là hình ảnh dễ thương đến không thể nào quên của mạ và những người phụ nữ cùng thời với mạ, đi chợ cũng lịch sự trong tà áo dài. Thời ấy, rất nhiều người mặc áo dài, dù công việc của họ nhọc nhằn và tất bật, như o bán bún gánh, o bán chè dạo. “Những tấm áo dài được may đơn giản, loại vải cũng rất bình thường nhưng khi nhìn thấy ai đó mặc chiếc áo dài, mình thấy rất thiện cảm và tôn trọng họ”, chị nói.

Yêu vẻ đẹp của áo dài, nhà báo Hoàng Thị Thọ ghi nhớ rất nhiều câu thơ, ý nhạc viết về tà áo dài của thiếu nữ Huế. Chị đọc, rồi chiêm nghiệm: Không chỉ người Việt ra nước ngoài, mà ngay cả du khách quốc tế khi đến Huế, trong hành trang trở về của họ ít nhiều luôn có những bức ảnh chụp người phụ nữ Huế mặc áo dài. Chị kể, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường Đồng Khánh, chị cùng bạn học mặc toàn áo dài trắng, thong thả đạp xe dọc đường Lê Lợi, qua cầu Tràng Tiền. Đang đi, tình cờ gặp người của một đoàn làm phim. Mặc dù các chị đã có tuổi, nhưng áo dài trắng đẹp quá nên họ chạy theo, cứ ngẩn ngơ.

Thừa Thiên Huế vốn đã đẹp về di sản văn hóa, thiên nhiên hữu tình. Đã đến lúc, chính quyền địa phương phải khôi phục cho được tà áo dài Huế trong đời sống hôm nay, đồng thời lấy thế mạnh ấy mê hoặc du khách. Nhà báo Hoàng Thị Thọ gợi ý. Cách đây mấy năm, một đài truyền hình Pháp đã đến Huế làm một phóng sự “Thành phố áo dài trắng”. “Từ xa xôi, họ đã thấy được vẻ đẹp của tà áo dài trắng của Huế và làm được những chương trình như thế, tại sao chúng ta chính là những chủ thể ấy lại không thể?”, bà trăn trở.

Theo nhà báo Hoàng Thị Thọ, thành phố Huế có con đường Lê Lợi quá đẹp, nên chăng những trường THPT có học sinh đi về trên con đường này cần khuyến khích tăng số ngày trong tuần nữ sinh mặc áo dài đến trường. Bên cạnh đó, việc phổ cập trang phục áo dài trong cuộc sống hằng ngày của người dân Huế là cần thiết. Tùy độ tuổi và công việc, mỗi người có thể chọn những thiết kế phù hợp, nhưng đó là cách tốt nhất để mỗi người dân Huế góp phần tôn vinh nét đẹp áo dài trong của văn hóa Huế.

Góc đời thường của áo dài Huế (ảnh tư liệu)

Giáo dục cho thế hệ trẻ

Cần thiết tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi nữ sinh về vẻ đẹp, cốt cách của áo dài truyền thống. Ý tưởng này được Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa và tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan cùng đề xuất tại hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế”, vừa được UBND tỉnh tổ chức. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, có sự giáo dục để chính các em biết chọn lựa đúng đắn thời trang phù hợp với cốt cách Việt Nam. Với trang phục áo dài, cách tân kiểu gì cũng được, nhưng quan trọng nhất là phải giữ cho được cốt cách, tâm hồn của người Việt Nam.

Không phải là nhà may, cũng không là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, nhưng TS. Thái Thị Kim Lan giới thiệu với hội thảo một số bộ áo dài bà sưu tập bằng niềm đam mê. Tiến sĩ bày tỏ sự cảm động khi UBND tỉnh có chính sách khuyến khích chị em phụ nữ mặc áo dài, đồng thời mong muốn áo dài không chỉ là quốc phục của Việt Nam trong các dịp lễ, hội mà còn cả trong cuộc sống hằng ngày. Theo TS. Kim Lan, để người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng trở lại mặc áo dài trong cuộc sống thường ngày, cần có chính sách cụ thể và đưa áo dài trở thành thói quen của người tiêu dùng.

“Khi chúng ta đặt vấn đề thương hiệu cho áo dài, việc cần quan tâm là tâm lý của người tiêu dùng. Trong câu chuyện chính sách, làm thế nào để giới trẻ trở lại xu hướng thích áo dài là vấn đề quan trọng. Đây không phải là công việc của riêng các nhà thiết kế, mà chính quyền các cấp, các nhà giáo dục và mỗi gia đình đều phải tham gia để giáo dục, định hướng cho người trẻ. Vun đắp tình yêu với áo dài và đưa áo dài trở lại cuộc sống không phải trong giây lát là được, mà cần nhiều thời gian. Hy vọng lãnh đạo tỉnh sẽ mở thêm nhiều cuộc hội thảo nữa để tiếp tục bàn về vẻ đẹp của chiếc áo dài, sự cần thiết phải mặc áo dài và thu hút được nhiều nhiều chiến thuật, chiến lược cho áo dài”, TS. Kim Lan chia sẻ.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top