|
Di tích Hải Vân Quan trở thành biểu tượng trường tồn sau thời gian dài bị quên lãng |
2024 là năm để lại nhiều dấu ấn mang tính lịch sử trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Hàng loạt công trình kiến trúc trọng điểm được trùng tu, phục hồi, nhiều dự án tiêu biểu tiếp tục được khởi công. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ được triển khai, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, giúp di sản Huế tiếp cận gần hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Những giá trị văn hóa và câu chuyện di sản tưởng chừng chỉ tồn tại trong ký ức nay được hồi sinh rực rỡ, như một lời tự hào về vẻ đẹp trường tồn của Cố đô. Huế không chỉ kể chuyện của riêng mình mà còn là biểu tượng tinh hoa, bản sắc và lịch sử dân tộc.
Điện Thái Hòa – “Trái tim” của Hoàng cung Huế được phục hồi toàn diện, tái hiện vẻ đẹp uy nghi và linh thiêng. Di tích Hải Vân Quan trở thành biểu tượng trường tồn sau thời gian dài bị quên lãng. Điện Kiến Trung – kiệt tác kiến trúc hoàng gia Triều Nguyễn được hồi sinh, tinh xảo đến từng chi tiết, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật hiện đại… Khôi phục giá trị nguyên bản, mỗi công trình di sản không chỉ gợi nhắc về thời kỳ vàng son của Triều Nguyễn, mà còn mang trong mình sức hút mới, trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ văn hóa thế giới.
“Những con số ấn tượng là minh chứng rõ nét cho sức hút của di sản Huế”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ. Năm 2024, di tích Huế đón hơn 2,7 triệu lượt khách; trong đó, 1,26 triệu là du khách quốc tế, mang lại tổng doanh thu đạt 422 tỷ đồng – một con số kỷ lục. Từ nguồn vốn ngân sách hơn 298 tỷ đồng, các dự án trùng tu, bảo tồn được triển khai bài bản, khoa học, đã tạo động lực để Huế vừa gìn giữ trọn vẹn nét xưa, vừa khoác lên mình diện mạo mới.
|
Du khách trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại di tích Hải Vân Quan |
Đặc biệt, Quỹ Bảo tồn di sản Huế với tổng số vốn hơn 4,3 tỷ đồng là minh chứng cho nỗ lực kêu gọi tài trợ và đóng góp từ cộng đồng. “Nguồn quỹ này được sử dụng hiệu quả”, ông Trung khẳng định. Tiêu biểu là dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương hoàng hậu Từ Dũ, với chi phí hơn 2,3 tỷ đồng – dự án đầu tiên được sử dụng hoàn toàn kinh phí tu bổ từ nguồn xã hội hóa thông qua Quỹ.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại đã thổi luồng sinh khí mới cho di sản Huế. Điển hình là dự án chiếu sáng mỹ thuật tại Ngọ Môn, tạo nên hiệu ứng hình ảnh đặc sắc, huyền ảo về đêm, giúp du khách cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của di tích.
Chị Nguyễn Mai Linh, một du khách đến từ Hà Nội nhận xét: “Trở lại Huế lần này, tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa sống động của các di tích. Từ điện Thái Hòa uy nghiêm, điện Kiến Trung tráng lệ đến cảnh quan xanh mát của các lăng, tất cả đã được giữ gìn hoàn hảo, chăm chút kỹ lưỡng, mang lại cảm giác yên bình, hài hòa với thiên nhiên mà khó nơi nào có được”.
Ngoài nỗ lực trùng tu, việc tôn tạo cảnh quan đã biến các khu di tích thành không gian xanh - sạch - sáng, đầy sức hút. Những dự án trồng cây xanh phủ trống lăng Thiệu Trị, làm hàng rào bảo vệ các khu vực lăng vua Dục Đức, Võ Thánh…; chỉnh trang sân vườn xung quanh điện Thái Hòa, Kiến Trung. Nạo vét ao hồ, vệ sinh mặt nước; quản lý hệ thống cây xanh, cây cảnh bằng công nghệ hiện đại là minh chứng cho cách Huế kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, tăng sức hút cho du khách.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những đóng góp này cũng cho thấy, sự phối hợp hiệu quả giữa Trung tâm BTDTCĐ Huế với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt, UNESCO đánh giá cao các nỗ lực của Huế trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản song song với phát triển kinh tế - xã hội.
Di sản Huế, từ câu chuyện về thời kỳ hoàng kim, nay đang trở thành biểu tượng của nỗ lực bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững. Năm 2025 tiếp tục là dấu mốc quan trọng khi hàng loạt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi mới được khởi công, như phục hồi điện Cần Chánh, lăng vua Tự Đức, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, di tích Thái Miếu, đàn Nam Giao, hay xử lý các hạng mục thuộc hệ thống Kinh thành Huế. Đây không chỉ là nỗ lực khôi phục những phần di tích đã xuống cấp mà còn là bước đệm thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố di sản.