ClockChủ Nhật, 24/03/2024 10:25

Theo đường xuất bản theo đường văn

TTH - Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

“Trần Hoàn - Nhà văn hóa tài ba, người nghệ sĩ, chiến sĩ ưu tú” Cuốn sách về A Lưới sớm có “tiếng vọng” từ Mỹ

Cuốn sách “Theo đường xuất bản theo đường văn” của tác giả Nguyễn Duy Tờ 

Hơn 80 bút ký, cũng là chừng ấy nhân vật được ông khắc họa theo một cách rất riêng. Họ là nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, lương y… Những con người từng có những mối quan hệ gắn kết cùng Nhà xuất bản Thuận Hóa, nơi ông đang công tác. Có người ông thân quen, có người ông chỉ may mắn đôi ba lần gặp gỡ, có người ông chưa một lần gặp nhưng luôn mang trong lòng sự mến mộ, kính trọng của một hậu bối đối với tiền nhân. Tác giả bộc bạch rằng, ông không viết chân dung tác giả, ông chỉ trao gửi những điều cảm nhận về kỷ niệm, về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả mà ông được biết với một sự trân quý và đầy yêu mến.

“Theo đường xuất bản theo đường văn” được ông kể bằng chất giọng mộc mạc, tựa như lời tâm tình bên chung trà nghi ngút khói giữa một chiều mưa lay bay nào đó ở xứ Kinh kỳ. Qua từng trang sách, người đọc một lần nữa gặp lại những con người rất đỗi quen thuộc nhưng đã góp phần xây dựng nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giáo dục… cho đất nước. Họ hiện ra bình dị, gần gũi và đầy chân thật.

Đó là câu chuyện uống rượu ngâm thơ đầy thú vị của nhà thơ Phùng Quán trong một lần về trường đại học đọc thơ cho sinh viên nghe. Bình trà trên bàn của nhà thơ rất đặc biệt, thay vì nước trà bên trong lại đựng đầy rượu. “Nhà thơ Phùng Quán vào cuộc đọc thơ như cá gặp nước. Thỉnh thoảng ông rót “trà” chíp một cái, gương mặt tươi rói, không có biểu hiện gì khi gặp “đồ cay”. Càng chíp, ông nói thơ, đọc thơ càng hay; giảng viên, sinh viên vỗ tay rào rào”.

Đó là hành trình tác giả tìm về Hà Nội để gặp nhà thơ Tố Hữu, với mong muốn được làm bộ sách về ông. “Một buổi chiều mùa thu Thủ đô năm 1994, tôi đeo chiếc túi xách nhỏ cuốc bộ tìm tới “Ngôi nhà Cây táo ông Lành” trên đường Phan Đình Phùng rợp bóng mát những cây sấu cổ thụ xanh mướt, mang theo kỳ vọng và ước nguyện làm bộ sách Tố Hữu - Tác phẩm. Vọng gác ở đầu ngõ có anh bảo vệ túc trực. Tôi xin vào, ngước mắt tìm “Cây táo ông Lành, cây hồng (nhà anh có một cây hồng - Quả so nhún nhẩy đèn lồng cành tơ). Cây vẫn xanh tươi nhưng chưa tới mùa cho quả”. Bao nhiêu niềm ngưỡng mộ, luyến lưu đối với nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng, người con ưu tú của quê hương xứ Huế cứ thế in dấu mãi trong lòng tác giả. Là kỷ niệm một chiều ghé về thăm nhà giáo sư Vũ Khiêu ở Hà Nội để xin xây dựng nội dung cuốn sách Trí thức Việt Nam thời xưa. Một nhà giáo lão thành, một trí thức lớn của đất nước, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, ở tuổi ngoài 90 vẫn giữ nguyên phong thái sang trọng nhưng cũng vô cùng cởi mở, ấm áp đã lưu lại những tình cảm đẹp. Rồi cuộc gặp gỡ cùng nhạc sĩ Trần Hoàn vào mùa hè năm 1994 khi ông ra Hà Nội xin giấy phép cho Tạp chí Huế xưa và nay; là kỷ niệm thân thương, bình dị cùng bác Vương Hồng, người xây đắp nền móng NXB Thuận Hóa những ngày đầu mới thành lập.

Mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi một con người, có những con người tác giả chỉ được “gặp” qua những trang sách, trên những bản thảo lớn mà họ để lại cho thế hệ sau như cụ Bửu Kế. Để rồi với lòng ngưỡng mộ, sự kính ngưỡng đối với người trí thức xuất thân từ hoàng tộc, tác giả đã “tìm đường xuất bản” cho bộ bản thảo đồ sộ mà mình có cơ duyên được quản lý.

“Theo đường xuất bản theo đường văn” cũng phần nào giúp người đọc hiểu thêm về công việc xuất bản sách. Để mỗi khi chúng ta được cầm trên tay một cuốn sách đẹp, một cuốn sách hay, lòng lại càng thêm trân trọng những nỗ lực của những người làm sách khi dành biết bao tâm huyết để đưa tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc.

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”

TIN MỚI

Return to top