ClockThứ Bảy, 02/10/2021 17:08

Nghe sửa rạp Đông Ba, chợt rưng rưng hoài niệm…

1,2 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa Rạp Đông Ba

Báo chí loan tin, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa rạp Đông Ba (số 187 Trần Hưng Đạo, TP. Huế) với kinh phí 1,2 tỷ đồng. So với đầu tư xây dựng cơ bản, đó không phải là số tiền quá lớn, nhưng cái tin rạp Đông Ba được quyết định cải tạo, sửa chữa vẫn khiến nhiều người háo hức, nhất là với những người thuộc thế hệ U50 trở về trước. Bởi với họ, đây không chỉ là một rạp xi-nê mà còn là hoài niệm về một Huế của những ngày xưa cũ…

 Rạp Đông Ba (Tân Tân cũ)

Rạp Đông Ba là cái tên được đổi sau này, còn ngày trước nó có tên là rạp Tân Tân - một trong 2 rạp xi-nê danh tiếng trên đường Trần Hưng Đạo, con phố trung tâm và sầm uất nhất của Huế (rạp kia có tên là rạp Hưng Đạo, nay là Trung tâm Văn hóa thành phố). Ngoài Tân Tân, Hưng Đạo, theo trí nhớ của người ngoài 50 như tôi, Huế còn có rạp Hoàn Mỹ và rạp Châu Tinh trên đường Chi Lăng còn hoạt động đến sau 1975. Một số người lớn hơn, và có thể cả ghiền xi-nê hơn thì bảo Huế ngày trước còn có thêm các rạp Lửa Hồng trong Thành nội, rạp Morin, sau đổi là Nguyễn Văn Yến ở góc đường Lê Lợi - Hoàng Hoa Thám ngày nay.

Đi xi-nê ngày trước là một cái gì đó hết sức… sang trọng. Còn nhớ lâu rất lâu, tôi mới được bà chị dẫn cho đi rạp Hưng Đạo hay Tân Tân một lần. Châu Tinh và Hoàn Mỹ thì rất hiếm đi, đơn giản là vì hơi xa, mà chị em tôi thì di chuyển chủ yếu bằng “ô tô… bước”. Tiền vé thì chắc không đến nỗi, nhưng chủ yếu là do người lớn lo tập trung chạy gạo, đâu có thời gian rảnh để mà chiều mấy đứa con nít chúng tôi. Sau này chiến tranh ngày càng leo thang, chuyện đi xi-nê của chị em chúng tôi bị cấm tiệt, bởi người lớn e sợ nhỡ có điều gì xui xẻo khi đến chỗ đông người.

Rạp Hưng Đạo, nay là Trung tâm Văn hóa TP. Huế

Sau ngày giải phóng, lũ trẻ chúng tôi chuyên trị xi-nê bãi, mỗi vé 5 xu, còn hầu hết là chui hàng rào chuồn vé. Còn đi rạp là cái gì đó quá xa xỉ. Còn nhớ lúc đó chừng 10-11 tuổi gì đó, tôi cùng anh bạn bây giờ là chủ một doanh nghiệp vận tải giàu có ở Huế, do có người thân làm ở HTX cơ khí Phú An, 2 thằng lò dò lên xin nhận các loại thép phi 4, phi 6 về nuỗi. Đó là loại thép vụn, bị xoắn vặn, cong quẹo lung tung, HTX cần làm cho thẳng để sử dụng. Do cũng thuộc hàng “con ông cháu cha” trong HTX, 2 đứa được mấy anh xã viên quen biết lựa cho những thanh thép nào ít bị cong quẹo nhất để dễ gia công. Nhận hàng, 2 thằng tha về nhà tôi vì ba tôi là thợ cơ khí, sẵn đe búa. Hí húi ngồi vặn vặn, gõ gõ suốt ngày, rồi mang thành phẩm lên bàn giao, cứ 1kg được trả mấy hào đó, lâu quá không còn nhớ. Mấy bác xã viên lắc đầu, lưng lẻo nhìn những que thép 2 thằng tôi gia công, bởi không thanh nào thẳng như yêu cầu. Nhưng thôi, “con ông cháu cha” mà, pass! Cầm được mấy đồng trong tay, 2 thằng thở phào, lòng cùng lâng lâng phấn chấn. Vậy là có tiền để đi xi-nê rồi!

Đứng bóng 12h trưa, 2 thằng đã í ới nháy nhau chuồn ra khỏi nhà, rồi cắm đầu cuốc bộ từ miệt An Cựu vượt cầu Trường Tiền để trực chỉ Đông Ba hay Châu Tinh, Hoàn Mỹ. Sở dĩ phải đi sớm là để còn chen vào xếp hàng mua vé, không thì đành về chứ tiền đâu mà mua vé chợ đen. Đúng là thời hoàng kim của xi-nê. Mà đâu phải là phim gì ghê gớm lắm? Hành động thì cũng chỉ đến “Mối tình đầu”, “Tội lỗi cuối cùng”; chiến tranh thì “Vùng trời”, “Vượt sông trinh sát”; thần thoại thì “Ruslan và Lutmila”, “Ba hạt dẻ dành cho Lọ lem”… vậy mà vé chen chẹp ruột mới mua được. Giờ nhìn lại, đúng là như cổ tích. Đến khi ti vi màu, đầu video nhập về, rồi phim hành động của Hollywood, phim bộ của Hồng Kông tràn ngập…, xi-nê thoái trào rồi tuột dốc theo chiều thẳng đứng. Các rạp chiếu phim đình đám một thời trở nên đìu hiu quạnh quẽ. Lứa thanh niên con nít ngày nào bây giờ đã lên lão, hoặc chí ít cũng đều đã trung niên, mỗi khi có dịp qua về đưa mắt ngắm nhìn mấy rạp xi-nê xưa, lòng không khỏi trào dâng chút bâng khuâng thương nhớ…

Thế nên, tin rạp Đông Ba sẽ được đầu tư cải tạo, sửa chữa loan ra, với người khác thế nào không rõ, nhưng với tôi nó gợi lên một niềm vui xen chút bâng khuâng nhẹ nhàng dễ chịu. Rạp được đầu tư sửa chữa trước mắt để phục vụ liên hoan phim, bên cạnh hẳn cũng góp phần chỉnh trang bộ mặt phố thị. Nhưng còn sau đó? Làm thế nào để rạp sáng đèn, thoát cảnh cho thuê mặt bằng “cải thiện”. Đó là một câu hỏi mà ai cũng mong những người quản lý hãy luôn thao thức để tìm câu trả lời, cho dù biết rằng không hề dễ dàng. Chứ cải tạo, sáng đèn ba bữa liên hoan phim, rồi lại trở về yên ắng, đìu hiu như cũ, thì…buồn ơi!!!

Bài, ảnh: THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top