ClockChủ Nhật, 21/05/2023 13:45

Hoa hồng hé nụ

Khoảng trời bình yên trong “Ô cửa rêu xanh”Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”

Trên hiên nhà là chiếc bàn gỗ và ba chiếc ghế tựa kiểu dáng thanh cảnh mang đến cảm giác thư thái nhẹ nhàng. Mẹ Tùng ngồi tựa lưng vào ghế, hai chân duỗi thoải mái trên chiếc ghế đặt sát cạnh, thả ánh mắt ra khoảng sân, nơi có những khóm hoa hồng đang hé nụ, tay cầm ly trà ấm, thỉnh thoảng lại đưa lên miệng nhấp từng ngụm nhỏ. Chiếc khăn mẹ trùm đầu họa tiết khá sặc sỡ. Bên cạnh bà, nơi chiếc ghế còn lại, một cô gái trẻ đang cắm cúi vào chiếc điện thoại. Đó là Phương, cô hàng xóm nhỏ ngày xưa của gia đình Tùng, trở về sau mười mấy năm thất lạc. Giống như một bức tranh. Bức tranh đó thật sự yên bình, nếu như trên đầu mẹ không có chiếc khăn trùm, để che đậy sự tàn khốc của những đợt “vào” hóa chất. Họa tiết sặc sỡ là sự trấn an nỗi đau của căn bệnh ung thư, cũng là cách mẹ Tùng đưa ra lời tuyên chiến kiên cường trước bệnh tật.

leftcenterrightdel
 

Hồi Tùng chưa xuất khẩu lao động sang Nhật, trên hiên nhà chưa có bộ bàn ghế, chưa có sự trở lại của Phương và mẹ cũng chưa mắc phải căn bệnh quái ác. Khi mẹ phát hiện bệnh, Tùng hoảng hốt, định bỏ ngang hợp đồng lao động. Mẹ mắng Tùng một trận, sau đó lại cười nhẹ nhẹ trong điện thoại: “Không được lỡ dở công việc. Mẹ đã thuê người chăm trong những đợt vào nội trú ở bệnh viện. Bây giờ cần phải ráng thêm nữa mà kiếm tiền chứ, đặng còn gửi về phụ mẹ chữa bệnh”.

Mấy hôm sau, giọng mẹ như reo vui: “Con bé Phương, con gái dì Trang, hàng xóm cũ của nhà mình quay trở lại thành phố. Nó kiếm được công việc kế toán ở khu công nghiệp, nơi trước đây dì Trang làm công nhân. Hôm đến thăm, biết mẹ bệnh, bây lại đi xa, nó bảo sẽ về ở cùng, để đêm hôm mẹ cần gì thì gọi nó. Thật mừng quá. Cái năm mẹ Phương mất, rồi dì nó bán căn nhà, đưa cháu vào Nam nuôi dưỡng, Phương chỉ mới mười tuổi. Bây giờ nó đã là cô gái trưởng thành, xinh xắn lắm”.

Hồi xưa, hàng xóm của mẹ con Tùng là mẹ con dì Trang. Đều hoàn cảnh mẹ đơn thân nuôi con dại, nên dì Trang và mẹ Tùng thương nhau lắm. Người thân dì Trang ở trong Nam, chỉ mình dì lưu lạc nơi đất khách. Căn nhà cấp bốn chỉ vài mươi mét vuông. Dì Trang làm công nhân, vất vả lắm mới lo đủ cuộc sống của hai mẹ con. Mẹ Tùng buôn bán, nhưng là buôn thúng bán bưng, nên cũng không khá giả hơn là mấy. Nhưng dù sao cũng có đồng ra đồng vào, “nhỉnh” hơn gia đình Phương chút đỉnh. Năm Phương mười tuổi, tai ương ập tới, khi người mẹ trên đường đi làm về thì gặp tai nạn, không qua khỏi. Mẹ Tùng, bà con hàng xóm xúm vào cùng người thân của dì Phương trong Nam ra, lo hậu sự cho người đã khuất. Dì Trang được đưa về quê chôn cất. Lúc đó, con bé chỉ nhúm tuổi, không có bố, lại mất mẹ, hoảng hốt, thất thần.

Mẹ Tùng nói với người dì ruột của Phương: “Chị cứ để con bé ở đây, dù sao thì cũng chỉ hơn tháng nữa là kết thúc năm học. Hôm trước tui có nghe chị bảo sẽ bán nhà, dành số tiền đó nuôi con bé ăn học. Chị tính vậy cũng phải. Chị treo biển bán nhà, tụi tui phụ thêm tìm người mua. Rồi hồi nào con bé xong năm học, chị ra đưa cháu vào. Thời gian này, tui sẽ đưa bé Phương về nhà tui ở, chăm sóc cho nó. Tháng hơn chứ mấy, có nhiều nhặn gì đâu”.

Vậy là trong hơn một tháng ngắn ngủi đó, Tùng - thằng nhóc nhiều hơn Phương hai tuổi, được mẹ giao nhiệm vụ trở thành ông anh, coi ngó, đưa đón bé Phương trong những lúc mẹ bận mưu sinh ngoài chợ. Cũng trong thời gian đó, tình yêu thương ở vị trí ưu tiên mẹ Tùng không dành cho Tùng mà “chuyển qua” cho con bé tối nào cũng khóc vì nhớ mẹ. Những lúc như vậy, mẹ Tùng thường lặng lẽ ôm Phương, xoa nhè nhẹ lên tấm lưng nhỏ xíu. Con bé chìm dần vào giấc ngủ, vẫn còn lem nước mắt. Rồi món bún bò với những lát thịt bò mềm hảo hạng mà con bé thường thèm thuồng, sáng nào mẹ Tùng cũng mua cho nó. Hôm người dì ra đưa Phương vào Nam, nó lại khóc một trận nữa. Tùng nhớ mãi khuôn mặt nhỏ nhắn nhòe nhoẹt nước cứ ngoái về phía mẹ con Tùng. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng có lẽ con bé cũng đã buồn vô cùng khi phải biệt ly với những người thân thiết, nơi chốn thân yêu gắn với tuổi thơ. Mắt mẹ cũng đỏ hoe, nắm chặt tay Tùng cho đến lúc chiếc xe khách chở dì cháu bé Phương khuất hẳn sau làn bụi xa mờ.

“Mày lại đang ôm rơm đó hả con?”. Mẹ Tùng nghiêng đầu nhìn vào chiếc điện thoại mà mấy ngón tay Phương đang bấm trên màn hình cảm ứng. Mấy chữ “ôm rơm”, mẹ Tùng nói bằng giọng rất trìu mến. Nghe tới đó, Tùng chắc rằng Phương đang chuyển khoản món tiền 100-200-300… nghìn đồng đến các trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo trong những bài đăng trên mạng xã hội Facebook, của những người chưa từng quen biết. Xong rồi lại cắm cúi với những comment nhắn gửi, đại loại như: “Mong con/anh/chị/cô/bác chóng khỏi bệnh”, “gửi đến con/anh/chị/cô/bác thật nhiều yêu thương”. Chưa hết, đối với những người (tất nhiên cũng xa lạ) đã chia sẻ vật chất, động viên tinh thần đến các trường hợp bệnh tật ấy, Phương còn “nắn nót” viết: “Anh/chị… có trái tim thật nhân hậu, cảm ơn anh/chị… thật nhiều. Chúc gia đình anh/chị… những điều tốt đẹp nhất”…

Những chi tiết đó, mẹ thường kể với Tùng bằng cái giọng trìu mến quen thuộc: “Cái con bé thật là… Công việc của nó bận lắm. Ngoài việc ở công ty, nó còn nhận làm thêm cho mấy doanh nghiệp tư nhân nên càng bù đầu với cái máy tính. Nhưng cứ là chăm sóc cho mẹ và làm mấy việc “ôm rơm” đó, bao giờ nó cũng ưu tiên thời gian.  

Tùng đã từng ngạc nhiên khi một cô gái trẻ, chỉ là hàng xóm ngày xưa, nay dám ghé vai gánh vác công việc vô cùng nặng nhọc. Ban ngày Phương đi làm, có bác giúp việc mà mẹ Tùng thuê. Ban đêm cô luôn ở cạnh và có nhiều đêm liền chăm sóc tận tụy, chu đáo một người bệnh ung thư sau phẫu thuật, sau hóa trị, đang rất đau đớn, yếu ớt, nhiều lúc không thể tự thực hiện những việc cá nhân. “Sau hóa trị mẹ thường nôn ói triền miên, sốt li bì, chướng tính chướng nết. Vậy mà nó lúc nào cũng nhẹ nhàng. Dỗ dành, bón từng muỗng thức ăn, lau mình mẩy, thậm chí chẳng nề hà việc đổ chất thải giúp mẹ. Những hôm ở bệnh viện còn vất vả gấp bao nhiêu lần, vậy mà nó luôn cười. Nó bảo mẹ cần ngắm hoa lá, hóng khí trời trong lành và nắng sớm vào mỗi ban mai, nên đi mua bộ bàn ghế đặt trên thềm nhà. Con bé thật khéo chọn, mẹ tựa êm lưng lắm”.

Câu chuyện của mẹ kể về Phương cứ dài theo những cuộc điện thoại, khiến Tùng yên tâm. Tâm hồn Tùng ngập đầy nỗi ấm áp. Có lần Tùng bảo, đối với mẹ con anh, Phương cứ như cô Tấm bước ra từ quả thị trong truyện cổ tích. Ở đầu dây bên kia: “Hồi đó tuy còn nhỏ, nhưng em không bao giờ quên hơn một tháng trời, ngày nào cũng được mẹ cho ăn món bún bò hảo hạng. Trong lúc mẹ và anh, mỗi người chỉ có chén cơm chiên. Cũng không quên bàn tay gầy gầy của mẹ xoa lưng, dỗ giấc ngủ cho em. Những yêu thương mẹ mang cho con bé mồ côi, chẳng máu mủ ruột rà, em muốn mang tặng người khác”.

Phương ngừng một chút rồi cười khúc khích: “Đợi dành dụm đủ tiền, em sẽ mua lại ngôi nhà ngày xưa của mẹ con em. Rồi hai nhà mình lại là hàng xóm như ngày xưa vậy nhé. Bây giờ anh về rồi, đã có anh lo cho mẹ. Nhưng bất cứ lúc nào mẹ cần sự chăm sóc của một đứa con gái, em có thể “vạch rào” chạy sang ngay”.

Trên hiên nhà, Phương vẫn cắm cúi với những comment lời lẽ yêu thương gửi đến động viên chia sẻ cùng mảnh đời bất hạnh nào đó. Bên cạnh là mẹ Tùng, thỉnh thoảng nhấp ngụm trà ấm nóng, cũng thỉnh thoảng nghiêng mái đầu xuống chiếc điện thoại mà cô gái đang cầm, miệng cằn nhằn “lại ôm rơm nữa”, nhưng giọng nói lại đầy yêu thương trìu mến. Khóm hồng đang hé nụ trước sân nhà, sáng hôm nay sao đẹp quá. Tùng muốn nói với Phương điều mà anh ấp ủ, rằng anh ao ước cô, mẹ và anh là người một nhà. Và sau này, trên hiên nhà, chắc chắn phải đặt thêm vài chiếc ghế. Để những đứa trẻ của anh và cô cũng được cùng bà nội và cha mẹ ngắm hoa hồng hé nụ.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn

Chiều 19/1, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Cùng tham dự có có Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn
Ánh sáng lặng thầm

Ông nội tôi ốm, phải nằm viện huyện. Năm ấy, tôi học lớp 9. Nghe tin, buổi chiều tan học, tôi đạp xe gần 10 cây số vào viện thăm ông. Mặt trời mùa hè buông ánh nắng vàng nhạt, con đường nhỏ dẫn vào bệnh viện loang lổ bóng cây. Khi rẽ vào đường mòn, tôi húc phải đống đá ai đó đổ tràn ra đường. Cú ngã đau điếng khiến tôi bật máu ở đầu gối, chiếc quần cũ rách lỗ chỗ. Tôi hì hục lắp lại chiếc xích xe bị tuột, tay dính dầu đen nhẻm.

Ánh sáng lặng thầm
Lời xin lỗi muộn màng

Sáng nay trời trở rét, mưa phùn lất phất. Từ đêm qua, gió mùa đã tràn về, mang theo hơi lạnh đặc quánh. Sau những ngày nắng đẹp đón Tết, hôm nay trời lại chuyển lạnh, như mùa đông chưa chịu rời đi dù mùa xuân đã về. Nhưng nghĩ đến cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè sắp đến ở miền Trung, Hoàng lại cảm thấy cái lạnh này thật đáng giá biết bao.

Lời xin lỗi muộn màng
Mùa hiền ngoan

Cuối cùng chiếc áo ấm cất trong góc tủ cũng được mẹ lấy ra. Rõ ràng mùa đông đã đi qua hơn một nửa nhưng trời vẫn còn hiền ngoan lắm. Cho đến vài hôm trước, khi cơn mưa liên tục kéo dài mấy ngày liền, vậy là hương vị mùa đông bắt đầu ùa vào gian bếp của mẹ.

Mùa hiền ngoan
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top