ClockThứ Hai, 03/02/2014 05:37

Màu hoa xưa trong tâm thức người Huế

TTH - Cuộc sống của người Huế gắn bó mật thiết với hoa, một quà tặng của thiên nhiên Đất Trời, có từ rất lâu đời, hàng trăm năm chứ không phải ít. Hoa có nhiều ý nghĩa đối với họ, bắt đầu là một tín hiệu liên lạc âm dương, mang nặng tính chất tâm linh. Bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng có một bình hoa. Dần dà theo thời gian ý nghĩa và giá trị nhân lên, phong phú hơn. Kiểu cách tiếp cận với hoa cũng bị phân hóa khác nhau tùy theo từng nhà, từng gia đình, từng hoàn cảnh, từng giai cấp, từng vùng đất...

Nhân dịp xuân về, Tết đến, tôi muốn nói lại cách người Huế chơi hoa ngày xưa, cách đây mấy mươi năm, điều mà ít ai quan tâm tìm hiểu.

Mai Huế

Giờ đây khi hồi tưởng lại đến thú trồng hoa và chơi hoa ở quê nhà, tôi thấy quả là có quá nhiều sự thay đổi lớn trong tư duy và hành động làm cho Huế không giữ được trọn vẹn bản sắc đặc trưng của một thành phố Cố đô, thanh lịch, cổ kính. Thực vậy, trước 1945, đi dạo quanh kinh thành, ta thấy hầu hết nhà nào cũng dành một mảnh đất để trồng hoa. Người ta trồng vài loại hoa để có hoa đơm cúng trên bàn thờ tổ tiên, vào những ngày rằm, mồng một âm lịch, ngày kỵ giỗ. Nhà nào cũng có một vài luống trồng hoa cúc vạn thọ màu vàng nhạt, vàng đậm, hoa cẩm nhung màu đỏ tím sặc sỡ, hoa hồng tường vy, hoa thược dược tím, hoa nhài trắng thoang thoảng thơm lâu...

Cúc vàng. Ảnh: Hoàng Đạt

Nhà tôi ở đường Lê Lợi, trước mặt là nhà “Đoan” (Douane, trước gọi là Thương chánh, nay gọi là Hải quan), giờ đây là Khách sạn Hương Giang, ngoài những luống hoa truyền thống nói trên còn có vài cây điệp thân gỗ cao, cây thì có hoa màu vàng pha đỏ, cây thì có hoa màu đỏ pha vàng. Giữa vườn là một cây hoa mai tứ quý, lá xanh đậm, hoa màu vàng nhỏ xuất hiện quanh năm.

Đi xuống Vỹ Dạ hay đi lên Kim Long, những vùng ven thành phố thì các nhà vườn có nhiều đất nên họ trồng cây cao to có hoa thơm, như cây ngọc lan, cây bưởi, thanh trà, cây hải đường hoa đỏ, cây sứ hoa trắng ruột vàng. Cứ đến ngày rằm hay mồng một âm lịch các bà chủ vườn hái hoa từng rỗ, xếp chục cái hoa ngọc lan, hoa bưởi kèm theo vài lá trầu xanh, quả cau tươi đã bổ đôi, bổ tư, quệt ít vôi trắng gói trong lá chuối láng đem ra chợ bán cho những người mua về cúng. Đôi lúc cũng thấy có bán hoa huệ thơm dịu màu trắng, hoa thiên lý, màu xanh lá, mọc trên giàn.

Lily

Mùa hè thì mới thấy bán hoa sen hồng, sen trắng hái từ những hồ nước chạy quanh co theo bức tường thành cổ hoặc từ các hồ vùng quê ở các huyện xung quanh. Ai đi chùa cũng đem theo vài bó sen lên cúng Phật.

Các bà người Huế có phong tục thờ một vị gọi là “mạng phụ” trong nhà, trên một trang gỗ xây dính vào tường. Trong trang thờ có hoa làm bằng giấy, gắn vào một cái que tre chứ không dùng hoa tươi. Đôi khi có thêm một đĩa nhỏ bỏ hoa ngọc lan hay hoa bưởi còn tươi, thơm nhẹ nhàng.

Ở huyện Phú Vang, gần Huế, có làng Thanh Tiên chuyên làm nghề hoa giấy trang trí. Chỉ gần Tết họ mới làm và đem lên thành phố để bán. Người mua là dân có ít tiền. Loại hoa giấy này làm ra để thay thế cho hoa thật hiếm hoi cho nên khác với loại hoa thờ bán quanh năm, về hình dáng tượng trưng, màu sắc, nguyên liệu, cách đi bán (bán dạo), người mua.

Còn ở thành phố Huế, thú trang trí chơi hoa cảnh cũng khác nhau tùy theo khu Tây, khu Ta (chủ yếu trong Thành nội). Vào các dịp có ngày lễ lớn như Tết Tây, Noel, quốc khánh Pháp, Vạn thọ (sinh nhật Vua), Tết Ta... người ta thấy hoa tươi được bày bán trong hai cửa hàng bách hóa lớn của Tây là Morin và Chaffanjon (sáp-phăng-jông). Hoa ở đây rất đẹp màu sắc sặc sỡ đưa từ Đà Lạt về, từ Hà Nội vào). Đây là những giống hoa nguồn gốc từ châu Âu, Pháp như cúc Marguerite, Glaieul, Tulipe giá rất đắt. Những gia đình có nhà nghỉ ở núi Bạch Mã, đa số là các quan chức nhà nước Bảo hộ và Nam triều thì trang trí bằng hoa trồng trên đó như các loại phong lan, địa lan, hoa Hortensia (cẩm tú cầu) màu tím lam khá đẹp. Các nhà buôn giàu thì mới có trang trí với một cành mai vàng Huế hoặc một cành đào hồng của Hà Nội, nhưng cũng rất hiếm. Thời ấy không thấy” “bonsai”, cây kiểng, chậu quất. Không có chợ hoa. Người ta đi tảo mộ chỉ mang hương thơm, giấy vàng bạc.

Người Huế thời trước chơi hoa như thế đó, nặng về tâm linh truyền thống. Mặt trang trí không phải là chính. Giờ đây, sau mấy mươi năm đã trôi qua, thú chơi hoa của người Huế vẫn như xưa. Nhưng cách chơi hoa và đối tượng hoa đã thay đổi rất nhiều.

Sự trồng hoa tự túc không còn phổ biến vì hoa ngày nay rất nhiều, phong phú, dồi dào đủ mặt, hình dáng, màu sắc đủ kiểu. Hoa hồng mà lại màu đen, màu xanh! Tư duy bày biện hoa trên bàn thờ tổ tiên, chùa chiền cũng thay đổi linh hoạt. Hoa xuất hiện khắp nơi, ở nhà, ở nơi công cộng, hội hè, ở lễ tang, đám cưới. Hoa bày bán ở vỉa hè, đầu đường phố. Hoa về tận nông thôn, chợ quê hẻo lánh. Đâu đâu cũng thấy hoa. Hoa thật nhìn đẹp nhưng hoa giả cũng đẹp không kém. Hoa nhựa, hoa vải, hoa giấy, đủ loại, đủ màu giống như hoa thật trên cây. Vì thế có người lo các loài hoa cổ, hoa truyền thống sẽ không còn ai trồng nữa! Rồi đây chúng chỉ còn lại trong ký ức mà thôi.

Tuy nhiên có người dân Huế ra nước ngoài lại đem giống hoa ở quê sang ươm trồng tại nơi họ đang sinh sống định cư. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mấy luống hoa vạn thọ nở hoa vàng trong vườn nhà một người bạn ở Paris. Đến Lille, miền Bắc nước Pháp lại thấy nhiều chậu hoa nhài tại một nhà hàng cơm của một Việt kiều người Huế. Thấy tôi chăm chú nhìn chúng, người bạn ở Paris nói ngay “Hoa vạn thọ ở Huế đó, đem từ Huế sang trồng cho đỡ nhớ nhà. Tổ tiên các Cụ mình thờ cúng ở đây không thích hoa Tây!”.

Mong sao những hoa cổ trong các vườn hoa cung đình nhà Nguyễn trong Thành nội được nhân giống lại, phục hồi như xưa. Tuy chúng không đẹp, ít hấp dẫn bằng hoa nhập nội ngày nay nhưng đó là “hoa di sản” mà các nơi khác chưa chắc đã có.

NGƯT Thân Trọng Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top