ClockThứ Năm, 27/02/2014 10:41

Giá trị nghệ thuật của bản Nhã nhạc Tam Thiên

TTH - Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, âm nhạc cung đình cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy, do đó loại hình nghệ thuật này đã theo chân các nghệ nhân cung đình lan tỏa về với dân gian, tác động vào nghệ thuật dân gian trên nhiều vùng văn hóa trong cả nước. Hiện nay, ngoài một số bài bản đang còn được bảo tồn và phát huy, thì vẫn còn một số bài bản thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình đã bị mai một hoặc tản mát ngoài dân gian, trong đó có bài bản Nhã nhạc Tam Thiên (hay còn gọi là Tam Thiên khúc).

 

“Tam Thiên” là một trong 17 bài bản cơ bản của Tế nhạc, được triều đình nhà Nguyễn tấu trong các dịp tế lễ và trong các dịp khác của vua chúa (phần dâng rượu trong nghi thức tế lễ), về sau được lưu truyền trong dân gian chủ yếu ở các vùng phía Bắc Thừa Thiên Huế. Qua một thời gian dài, nay gần như bị thất truyền với nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Các nghệ nhân trình diễn bài bản Nhã nhạc Tam Thiên

 

Theo các nghệ nhân, sở dĩ bài bản này bị thất truyền do ít được chú ý đến vì nó có đường nét giai điệu bình thường, âm hình tiết tấu khá đơn giản, phạm vi sử dụng lại hạn hẹp, hầu như chỉ được dùng làm “nhạc dẫn” trong lễ tế. Trong khi đó thì các bài bản lớn khác như: Long ngâm, Bình bán, Lưu thủy… lại thường được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau (dâng hương, yến tiệc…) vì giai điệu của chúng phong phú, linh hoạt, tiết tấu phức tạp và có sức cuốn hút, dễ hấp dẫn người nghe hơn.

 

Trong các lễ tế, bài bản Nhã nhạc Tam Thiên được sử dụng khi nghi thức dâng rượu bắt đầu (tuần sơ hiến…), đây bài bản được thể hiện theo phương thức hòa tấu dàn nhạc. Để nêu được giá trị nghệ thuật của bài bản Tam Thiên nói riêng và các bài bản thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình nói chung. Qua tiếp cận chúng tôi tập trung khảo sát một số nguyên tắc trong việc sử dụng các bài bản và nghệ thuật hòa tấu của hai dàn nhạc Đại nhạc và Tiểu nhạc còn lại hiện nay.

 

Dàn Đại nhạc có hai bộ, đó là bộ gõ (trống, mõ…) và bộ hơi (kèn); dàn Tiểu nhạc có ba bộ, đó là bộ gõ (trống bản, phách…), bộ hơi (sáo) và bộ dây (đàn nhị, đàn nguyệt…). Xét về mặt hiệu quả âm thanh, phần giai điệu do bộ hơi, bộ dây thể hiện, phần tiết tấu do bộ gõ đảm nhiệm, trong đó nhạc công trống giữ vai trò nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc về mọi mặt: Giai điệu, nhịp độ, sắc thái…

 

Về tốc độ và nhịp, bài Tam Thiên thường được diễn tấu sao cho thích hợp với các bước chân đi đều của những người dẫn rượu (bộ dẫn rượu). Như vậy, theo chúng tôi, bài này phải được ký âm với nhịp 4/4 (nhịp C) và sử dụng với tốc độ vừa phải là chuẩn xác.

 

Trong dàn nhạc truyền thống ở Huế, thông thường người đánh trống là nhạc trưởng điều khiển tất cả các thành viên. Do đó, các nhạc công kèn, đàn đều phải dựa vào sự ra dấu (bằng câu thủ) do người đánh trống thực hiện để vào bài cho đúng phách nhịp kể cả đúng bài bản. Như vậy, vai trò của người nhạc công trống là quan trọng nhất. Trong lễ tế, điều này lại càng trở nên cần thiết hơn, lúc đó nhạc công trống giữ vai trò trung gian điều khiển tạo sự hòa nhịp giữa các hoạt động của ban văn lễ (xướng, dẫn rượu…) và ban nhạc.

 

Nói chung, khi đánh trống điều khiển các người dẫn rượu (bộ dẫn) bước đều, các nghệ nhân đều thống nhất sử dụng ba roi “Tòong Tòong Cắc”. Roi Tòong thứ nhất (ký hiệu T): Báo cho bộ dẫn chuẩn bị và chú ý. Roi Tòong thứ hai (ký hiệu T): Báo cho bộ dẫn thực hiện động tác cầu (thân người hơi khom xuống, cẳng chân với đùi hợp thành một góc 900 mũi chân hướng về trước, sau đó đá chân về phía trước rồi hạ bàn chân xuống ngay tiếng Tòong thứ hai). Roi Cắc cuối cùng (ký hiệu C): Báo cho bộ dẫn đặt bàn chân xuống. Chính cách phân bố này đã tạo nên một khuôn trống rõ ràng (gồm hai nhịp). Nhịp thứ nhất: Roi Cắc được thực hiện trên phách thứ nhất, ba phách còn lại là thời gian trống nghỉ dành cho bộ dẫn đưa mũi bàn chân sau tiếp giáp với gót bàn chân trước vừa được đặt xuống, động tác này được nghệ nhân Hồ Đăng Châu gọi là “đỡ gót chân” (trong vũ đạo tuồng ta hay gọi là động tác ký). Nhịp thứ hai: Roi Tòong thứ nhất được thực hiện trên phách một và ngân dài qua phách hai của nhịp. Roi Tòong thứ hai được thực hiện trên phách ba và ngân dài qua phách bốn của nhịp.

 

Với sự nối tiếp lần lượt của các khuôn trống cho ta cảm nhận được tính tuần hoàn của ba roi: T.T.C…T.T.C…T.T.C… Ứng với ba roi này, bộ dẫn chỉ bước được một bước và làm động tác ký. Như vậy, nếu diễn tấu trọn vẹn một bài Tam Thiên (10 nhịp) bộ dẫn bước được năm bước. Chính điều này, cho phép người đánh trống áng chừng được số bước chân cần thực hiện của bộ dẫn để tính toán số lần cần lặp lại của bài Tam Thiên.

Trong thực tế, khi điều khiển bộ dẫn (ở giai đoạn dâng rượu) và dàn nhạc người đánh trống thường phải đổ trống sau lệnh xướng: “nghệ đại vương thần vị tiền”. Tuy vậy, trước khi đổ trống, muốn cho dàn nhạc đánh bài gì, nhạc công trống phải thực hiện câu thủ của bài đó để ra lệnh cho dàn nhạc diễn tấu rồi mới đổ một hồi trống để bộ dẫn nâng khay lên. Sau đó, nhạc công trống dựa vào giai điệu dàn nhạc đang diễn tấu để thực hiện ba roi T.T.C… đúng phách nhịp của bài với tốc độ vừa phải để bộ dẫn bước đúng nhịp, đúng giai điệu dàn nhạc đang thực hiện. Kể từ đây, dàn nhạc diễn tấu liên tục và chỉ dừng lại khi nhạc công trống báo hiệu dứt nhạc.

 

Những giá trị nghệ thuật của bài bản Nhã nhạc Tam Thiên có ý nghĩa thiết thực trong việc phục vụ nghi lễ ở chốn cung đình xưa, cũng như trong dân gian hiện nay; khi thực hiện hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc Tam Thiên, nhóm nghiên cứu hy vọng phục dựng lại bài bản này đúng như những gì nó vốn có, để gìn giữ và phát huy những vốn cổ mà tiền nhân đã để lại.

Trọng Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top