ClockThứ Năm, 06/11/2014 05:38

Đường làng

TTH - Về làng bữa ni gặp được một người đi chân đất ra đường là hiếm lắm. Lý do cũng đơn giản, ngày trước đường làng là đường đất cát mịn êm nên đi chân đất thấy thoải mái; chừ đường bê tông hóa hết rồi không mang dép vô không thể đi được. Những ngày thu chín, sau một đêm mưa rào rạt, sáng ra lá tre rụng đầy đường thành một tấm thảm trông xù xì trên những đám cát mới hình thành theo dòng nước chảy đêm qua. Cái cảm giác đi chân đất đạp trên lá tre lạo xạo trong những buổi sáng mát dịu đến trường mỗi lần nhớ lại mà thấy thương thương cho tuổi thơ nghèo.

Con đường mình vừa kể là lối về xóm nhỏ có lũy tre xanh bao bọc sớm tối. Cùng với những lối nhỏ thân thương này, làng mình còn có 3 con đường chính: đường cấy, đường quan và đường độn. Đường cấy là tỉnh lộ 68, chừ là Quốc lộ 49B; là con đường lớn nhất chạy qua làng và nối làng mình với các làng bên cạnh. Hồi nhỏ mình cứ nghĩ sở dĩ được gọi tên là đường cấy vì con đường đó nằm bên cánh đồng lúa lớn, dân làng chất đầy mạ non mỗi mùa xuống đồng cấy lúa. Sau nghĩ lại từ “cấy” chắc là từ “cái” theo cách phát âm của tiếng địa phương quê mình. Thỉnh thoảng có một chiếc xe tải tung bụi mù mịt chạy qua con đường này mang theo hơi hám của phố thị xa xôi mà lũ trẻ chưa bao giờ được thấy. Nhìn những chiếc xe qua, mình ao ước một ngày nào đó theo xe đi đến một nơi nào đó phồn hoa xa lạ…

Đường quan là con đường ngang giữa làng nối liền các ngã ba xóm. Sau này được đặt tên là đường Độc Lập chắc là từ dư âm của bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” hay hát trên loa của xã. Con đường này có hai hàng dương liễu to đều thẳng tắp, là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi trai gái làng dạo ấy. Sau này nghe nhạc Phạm Duy có hình ảnh con đường Cái quan là con đường thiên lý Bắc Nam trải dài đất nước. Hay là con đường đó đã từng chạy ngang qua làng mình để bây giờ tên gọi của nó còn được lưu truyền trong dân gian?
Còn đường độn là con đường ngang qua các truông rú đầu các xóm. Đó là con đường mà dân làng dùng để tránh lụt. Đường độn rất ít người qua lại, chỉ khi nào có những trận lụt to nước ngập cả đường cấy, đường quan thì người dân trong làng mới lưu thông rồi họp chợ ngay trên con đường này rất lạ mà vui!
Hôm qua đọc, cái status của anh bạn vừa từ miền Nam về thăm quê rằng: về làng mình được sống trong một resort khổng lồ, giám đốc resort là mạ, phụ tá là các anh em và bạn bè thân. Mình đi mênh mênh mang mang nên mạ cứ gọi con ở mô rứa mô rứa? Tự nhiên mình lại nghĩ làng mình đã từng là mộ cái resort khổng lồ với những con đường xào xạc lá và cát cùng những lũy tre xanh um tùm là chủ thể chính: “Những trưa đồng đầy nắng, Trâu nằm nhai bóng râm, Tre bần thần nhớ gió, Chợt về đầy tiếng chim.”
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top