ClockChủ Nhật, 18/08/2013 09:07

Cảm nhận về hồi ký cách mạng của Đại tá Nguyễn Việt Hùng

TTH - Đọc HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH (Nxb Thuận Hóa, 2013) của Đại tá Nguyễn Việt Hùng giúp tôi nhớ lại những thuở thiếu thời ở quê nhà, càng “tự hào với quá khứ, khẳng định hiện tại và tin tưởng tương lai”. Những trang viết của tác giả đầy tâm huyết, thật hào hùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Anh và đồng đội anh đã bất chấp mọi hiểm nguy, vượt qua biết bao gian nan thử thách, sát cánh chiến đấu bên nhau thắm tình đồng chí, đồng đội và đầy ắp nghĩa tình của nhân dân, của cơ sở dành cho cán bộ, chiến sĩ nằm vùng ở một miền quê cách mạng.

Làng Vân Thê, xã Thủy Thanh bên dòng sông Như Ý - một vùng quê gần với quê hương của tác giả, một địa phương giàu tình làng, nghĩa xóm, giàu truyền thống cách mạng và đậm đà đặc trưng văn hóa nông thôn. Những năm tháng chiến tranh, nơi đây là vùng tranh chấp giữa địch và ta, vùng “xôi đậu” diễn ra nhiều trận đánh rất ác liệt. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ngọn lửa hồng cách mạng ở quê hương tôi vẫn luôn âm ỉ cháy, vẫn giữ vững niềm tin chờ mong đến ngày thắng lợi. Thật tâm đắc và cảm phục khi đọc Hồi ký của đồng chí Nguyễn Việt Hùng, ghi lại hồi ức những năm tháng bám trụ kiên cường ở quê hương tôi. Tập hồi ký đã dành nhiều trang ghi lại chân thật, sinh động về những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ nằm vùng ở một vùng đất thân thương chịu nhiều lửa đạn nhưng rất đỗi tự hào.

Đọc hồi ký, chúng ta gặp lại tên đất, tên người nặng trĩu biết bao ân tình và kỷ niệm. Cảm nhận con sông quê, đồng lúa xanh bát ngát, thấp thoáng bầy chim bồ câu hiện về ước mơ khát vọng hòa bình trong những năm tháng chiến chinh. Quý mến những gương mặt rạng rỡ tin yêu, can trường và mưu trí của một thế hệ thanh niên ngời sáng lý tưởng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà tiêu biểu như chiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Đỗ Văn Thanh và những đồng đội của các anh. Rất cảm phục và vô cùng trân trọng biết ơn những người mẹ, người chị gan dạ, thông minh, ngoan cường và nhân hậu - những người đã nuôi dấu và che chở cán bộ dưới hầm sâu bí mật bao tháng năm trường mà điển hình là chị Nguyễn Thị Hai (tức Hoàng Thị Hai), chị Nguyễn Thị Tạnh (tức Tình), mẹ Trần Thị Thay... Trân trọng với các cấp chỉ huy “nằm gai nếm mật”, những người đầy bản lĩnh luôn giành thế chủ động trước mọi hiểm nguy, trước những giây phút quyết định cân não với kẻ thù mà tên tuổi còn sống mãi với thời gian như đồng chí Nguyễn Trung Chính, đồng chí Lê Quý Cầu, Anh hùng LLVT Trần Phong, Anh hùng LLVT Hoàng Thức Bảo... Ấn tượng sâu sắc hơn cả là những anh hùng liệt sĩ, những cán bộ chỉ huy một lòng, một dạ trung với Đảng, hiếu với dân với cách mạng, đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh dũng cảm cho sự nghiệp giải phóng quê hương, để đất nước được nở hoa độc lập, kết quả tự do mà trong tác phẩm đã khắc họa rất cảm động như các anh hùng, liệt sĩ Đỗ Nam, Võ Hồng Sơn, Hoàng Sơn, Lê Duy Vy, Đỗ Dũng, Huỳnh Năm, liệt sĩ Chữ...

Hồi ký của Đại tá Nguyễn Việt Hùng làm xúc động lòng người và rất thành công khi mô tả những tình huống sinh tử và chí khí chiến đấu một mất, một còn của những chiến sĩ cách mạng khi tuổi còn rất trẻ trước kẻ thù hung bạo. Thật khâm phục khi đọc những dòng hồi ức của anh: Di chuyển được khoảng 500 mét thì phát hiện mấy toán địch dàn hàng ngang đi ngược về phía tôi. Tôi nhanh chóng bước vào một bụi cây cạnh lũy tre dày, vừa kịp ngồi xuống thì nghe tiếng nói, có lẽ của thằng chỉ huy: “Bắt sống, đạp vào bên phải, bên trái. Đ.mạ tao vừa thấy bóng tên Việt cộng xuất hiện, tìm đi...” Không biết nó phát hiện ra tôi thật hay là nó ra đòn gió để lấy tinh thần với quân lính?

Trong bụi cây, cầm chắc tay súng tôi bình tĩnh suy tính, khi bọn chúng đi qua khỏi chỗ tôi ngồi chừng mấy mét, tôi nghe tiếng nói của tên lính chỉ huy: “Dừng lại phục ở đây, cái hào này tốt”. Tất cả bọn chúng lạch cạch ngồi xuống, súng đạn kêu lẻng kẻng rồi im lặng ...”. Câu chuyện thật hồi hộp và đoạn kết có hậu, thật mừng cho anh và cũng rất cảm động anh đã vượt qua được họng súng phục kích của kẻ thù!

Năm tháng trôi qua, ký ức còn lại. “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”, người thanh niên quê quán làng Giạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, giác ngộ sớm, thoát ly gia đình đi làm cách mạng, là người chiến sĩ an ninh vũ trang nằm vùng ở làng Vân Thê, xã Thủy Thanh rất kiên cường trong những năm tháng khó khăn ác liệt. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Việt Hùng còn viết tiếp hồi ức của mình của thời kỳ đổi mới, với cương vị là lãnh đạo Công an một phường ở thành phố Huế, hay giám thị ở một đơn vị đặc thù, nơi không còn tiếng súng nhưng tính chiến đấu hòa quyện với tính nhân văn không kém phần cam go phức tạp. Nhưng anh đã tiếp tục giành thắng lợi, đã tiến bước vững vàng với bản chất người lính Cụ Hồ, với tư cách người sĩ quan Công an nhân dân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chúc mừng anh Nguyễn Việt Hùng đã có tập hồi ký thật hay, trên nhiều phương diện; với văn phong giản dị, ngôn ngữ súc tích, bút pháp chân thật thu hút bạn đọc và để lại những mỹ cảm tốt đẹp. Hồi ký của anh, vừa nêu được cái chung vừa nêu được cái riêng, giúp người đọc hiểu rõ những chiến công xuất sắc của một chiến sĩ an ninh dũng cảm, đồng thời cũng phản ánh được sự lấp lánh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, luôn tin yêu theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Cảm phục những thành công, những đóng góp quan trọng của một sĩ quan Công an nhân dân. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng với truyền thống hào hùng của quê hương cách mạng, tiếp tục phát huy chiến công những năm tháng hào hùng, với lý tưởng cao đẹp của một thời thanh niên nhiệt huyết. “Hồi ức của một người lính” sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng và luôn tỏa sáng trong tâm hồn bạn đọc gần xa.

Huế, ngày 9 tháng 8 năm 2013
Phan Công Tuyên (UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top