Thế giới

WHO: “Giai đoạn cấp tính” của đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022

ClockThứ Năm, 30/12/2021 19:10
TTH.VN - Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus bày tỏ sự lạc quan rằng năm 2022 có thể là năm thế giới chấm dứt “giai đoạn cấp tính” của đại dịch COVID-19.

Thế giới có hơn 280 triệu ca mắc, biến thể Omicron lây lan mạnh

WHO kỳ vọng “giai đoạn cấp tính” của đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách đây 2 năm, khi người dân trên khắp thế giới tụ tập mừng Giao thừa và đón Năm mới, một mối đe dọa toàn cầu mới đã xuất hiện mà sau này được gọi là đại dịch COVID-19. Kể từ đó, 1,8 triệu ca tử vong đã được ghi nhận trong năm 2020 và thêm 3,6 triệu ca tử vong nữa trong năm 2021, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ngoài ra, hàng triệu người khác cũng phải đối mặt với những hậu quả lâu dài do virus SARS-CoV-2 gây ra.

“Cơn sóng thần” các ca lây nhiễm

Hiện tại, các biến thể Delta và Omicron đang làm gia tăng số ca lây nhiễm ở mức kỷ lục, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến. Trước tình hình đó, ông Tedros “rất lo ngại” rằng biến thể Omicron dễ lây truyền, lưu hành cùng lúc với biến thể Delta, đang dẫn đến “một cơn sóng thần” số người nhiễm COVID-19, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế toàn cầu.

Đầu năm nay, trong cuộc họp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới - G7 và G20 - WHO đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số của các nước trên toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% dân số vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2021, 92 trong số 194 quốc gia thành viên của WHO đã không hoàn thành được mục tiêu trên.

Theo người đứng đầu WHO, điều này là do các quốc gia có thu nhập thấp chỉ tiếp nhận được nguồn cung vaccine hạn chế, cũng như phải đối mặt với những khó khăn như thiếu các dụng cụ quan trọng như ống tiêm.

Mục tiêu mới

Phát biểu về tình trạng bất công bằng vaccine, Tiến sĩ Tedros cho rằng đó “không chỉ là một sự xấu hổ về mặt đạo đức mà nó còn phải trả giá bằng mạng sống, đồng thời tạo cơ hội cho virus lưu hành và biến đổi”. Ông cũng cảnh báo việc tiêm các mũi tăng cường ở các nước giàu có thể khiến các nước thu nhập thấp một lần nữa rơi vào tình trạng thiếu hụt vaccine và kêu gọi sự hợp tác giữa nhà lãnh đạo của các nước giàu và các nhà sản xuất để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu vào tháng 7/2022.

“Đây là thời điểm để vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc ngắn hạn, bảo vệ người dân và nền kinh tế chống lại các biến thể trong tương lai bằng cách chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, khi chỉ còn “185 ngày nữa để đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào đầu tháng 7/2022”.

Thành công và trở ngại

Ngay từ đầu, WHO đã nhận định rằng việc đánh bại mối đe dọa sức khỏe từ COVID-19 đòi hỏi phải có nền tảng khoa học, giải pháp và sự đoàn kết. Trong năm qua, thế giới đã đạt được một số thành công, trong đó nổi bật là việc phát triển các loại vaccine mới ngừa COVID-19, được xem là đại diện cho một thành tựu “bậc thầy”.

Tuy nhiên, “chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tích trữ các công cụ y tế, bao gồm khẩu trang, phương pháp trị liệu, chẩn đoán và vaccine, đã làm suy yếu sự công bằng và tạo điều kiện lý tưởng cho sự xuất hiện của các biến thể mới”, Tiến sĩ Tedros thừa nhận. Hơn nữa, các thông tin sai lệch cũng “làm suy yếu khoa học và sự tin tưởng vào các công cụ y tế có thể cứu sống con người”.

Theo các chuyên gia y tế, khi đại dịch kéo dài, các biến thể mới có thể trở nên kháng hoàn toàn với các loại vaccine hiện có hoặc kháng thể từ các chủng trong quá khứ, đòi hỏi phải có vaccine thích ứng mới. Khi đó, WHO lo ngại rằng các phiên bản vaccine cập nhật mới sẽ có thể dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung vaccine mới, do đó cần chú trọng xây dựng nguồn cung ứng sản xuất tại địa phương.

Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi xây dựng một hiệp định mới giữa các quốc gia, cho rằng đây sẽ là “trụ cột chính” của một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top