Thế giới

Vụ tấn công mạng tại Indonesia báo hiệu mối đe dọa gia tăng ở Đông Nam Á

ClockThứ Ba, 16/07/2024 05:55
TTH - Tạp chí Nikkei Asia ngày 15/7 dẫn lời các chuyên gia cho biết, một vụ tấn công bằng ransomware (mã độc tống tiền) xảy ra gần đây ở Indonesia, trong đó tin tặc mã hóa dữ liệu tại hơn 200 cơ quan chính phủ, đã nêu bật nhu cầu về an ninh mạng mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á, trong bối cảnh sự bùng nổ kỹ thuật số khiến khu vực này phải đối mặt với các mối đe dọa trực tuyến tinh vi và thường xuyên hơn.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI để giảm thiểu rủi ro tấn công mạngGiới chuyên gia Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công mạng tại Olympic Paris 2024 bằng AIBắt tạm giam đối tượng xâm nhập trái phép và tấn công mạng máy tính Công ty MGI

 Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự gia tăng của các cuộc tấn công ransomware. Ảnh minh họa: TTXVN 

Tính đến cuối tuần qua, Indonesia vẫn đang nỗ lực khôi phục dữ liệu được lưu trữ trong trung tâm dữ liệu quốc gia tạm thời ở Đông Java, sau cuộc tấn công xảy ra hồi tháng trước bởi Brain Cipher, một chủng ransomware mới có liên quan đến nhóm tin tặc LockBit 3.0. Đáng chú ý, đây được cho là nhóm tin tặc chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công ransomware ở một số quốc gia khác trong vài năm qua, bao gồm Philippines và Malaysia.

Brain Cipher đã trích xuất và mã hóa dữ liệu từ 282 cơ quan Chính phủ Indonesia, bao gồm các bộ và văn phòng chính quyền địa phương, khiến những dữ liệu này không thể sử dụng. Trong số đó chỉ có 43 cơ quan đã khôi phục dữ liệu bằng cách sử dụng các tệp sao lưu có sẵn. Tin tặc đòi 8 triệu USD tiền chuộc, đe dọa tiết lộ thông tin nhạy cảm, bao gồm cả thông tin về công dân và người nước ngoài, nhưng Chính phủ Indonesia đã từ chối trả khoản tiền chuộc. 

Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu các bản sao lưu dữ liệu là nguyên nhân lớn nhất gây ra vấn đề trong vụ tấn công gần đây. Theo một số cơ quan Chính phủ Indonesia, điều này là do thiếu kinh phí. Trong khi đó, ông Allan Salim Cabanlong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Diễn đàn toàn cầu về chuyên môn mạng (GFCE) nói thêm: “Đây là vấn đề đối với nhiều quốc gia ASEAN, ngay cả ở châu Âu và ở những nơi khác trên thế giới, bởi vì chi phí cho việc sao lưu dự phòng dữ liệu cũng ở mức cao”.

Sau vụ tấn công mới nhất, chính quyền nước này đã bắt buộc sao lưu dữ liệu đối với tất cả các cơ quan chính phủ; và đang tiến tới chương trình thành lập 3 trung tâm dữ liệu quốc gia lớn hơn để tập trung cơ sở dữ liệu của các tổ chức nhà nước và hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước.

Trong một nhận định liên quan, Công ty an ninh mạng Cyfirma cho biết, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là một “mục tiêu hấp dẫn” đối với tội phạm mạng; đồng thời cảnh báo, các cuộc tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính và uy tín, mà còn có “tác động tiêu cực đến việc thu hút đầu tư từ những nhà đầu tư tiềm năng toàn cầu”.

Theo một báo cáo của Công ty tư vấn PwC hồi năm ngoái, chi tiêu an ninh mạng ở Đông Nam Á đã ở mức hơn 3,2 tỷ USD vào năm 2021, và dự kiến sẽ đạt 6,1 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, so với các khu vực khác trên thế giới, hệ thống an ninh mạng của Đông Nam Á “non trẻ hơn”, và lực lượng lao động an ninh mạng cũng tương đối nhỏ hơn.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei Asia)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Return to top