Thế giới

Vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp

ClockThứ Năm, 04/11/2021 14:48
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (3/11) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine thứ 8 chống lại COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang có xu hướng tăng nhẹ.

Novavax nộp hồ sơ đề nghị WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Sinopharm

Covaxin, vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ, trở thành loại vaccine thứ 8 được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ảnh: Getty Image

Covaxin, do công ty Bharat Biotech sản xuất, trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên của Ấn Độ được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO (EUL), đồng nghĩa với việc loại vaccine này có thể sẽ sớm được cung cấp cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Quy trình EUL nhằm đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine, và cũng là điều kiện tiên quyết để được sử dụng trong sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Đồng thời, quy trình này cũng tạo điều kiện để quốc gia xúc tiến phê chuẩn sử dụng theo quy định của mỗi nước.

Tiến sĩ Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và Sản phẩm Y tế cho biết: “Danh sách sử dụng khẩn cấp này mở rộng sự sẵn có của vaccine, những công cụ y tế hiệu quả nhất mà chúng ta có để chấm dứt đại dịch”. Tuy nhiên, vẫn cần phải duy trì các nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của mọi người dân, ưu tiên cho những nhóm có nguy cơ vẫn đang chờ được tiêm chủng liều vaccine đầu tiên trước khi có thể bắt đầu tuyên bố chiến thắng đại dịch, Tiến sĩ Simao nhấn mạnh.

Covaxin đã được giới chức Ấn Độ cấp phép sử dụng từ tháng 1/2021, mặc dù vào thời điểm đó, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vẫn đang diễn ra. Dữ liệu sau đó được công ty Bharat Biotech công bố cho thấy vaccine này có hiệu quả khoảng 78%.

Trước Covaxin, 7 loại vaccine ngừa COVID-19 khác đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp bao gồm: vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và của Moderna, các vaccine dựa trên vector virus do Johnson & Johnson, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ phát triển, và các vaccine bất hoạt của Sinopharm/BBIP và Sinovac.

Đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO

Một nhóm cố vấn của WHO đã đánh giá Covaxin theo quy trình EUL, dựa trên việc xem xét dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả, kế hoạch quản lý rủi ro và tính phù hợp theo quy trình. Theo đó, Covaxin được công nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về việc bảo vệ chống lại COVID-19 và được bật đèn xanh để phân phối trên toàn thế giới.

Tháng trước, Covaxin cũng đã được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO xem xét. SAGE là nhóm đưa ra các chính sách cụ thể về vaccine và các khuyến nghị về việc sử dụng.

Theo SAGE, Covaxin nên được sử dụng với 2 liều tiêm, cách nhau 4 tuần, ở tất cả các nhóm tuổi trên 18.

Yêu cầu bảo quản dễ dàng

Covaxin được cho là đạt hiệu quả trong việc chống lại COVID-19 ở mọi mức độ nghiêm trọng từ sau 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai. Loại vaccine này cũng cực kỳ phù hợp với các nước có thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản dễ dàng.

Đối với nhóm phụ nữ mang thai, WHO cho biết dữ liệu hiện có chưa đủ để đánh giá tính an toàn hoặc hiệu quả của loại vaccine này, mặc dù các nghiên cứu đã được lên kế hoạch thực hiện.

Theo số liệu mới nhất của WHO, thế giới hiện đã ghi nhận gần 247 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 5 triệu ca tử vong liên quan đến căn bệnh này.

Trong báo cáo dịch tễ học COVID-19 cập nhật gần đây nhất hôm 2/11 của WHO, đã có hơn 3 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trong tuần trước, thể hiện một xu hướng tăng nhẹ. Sự gia tăng này dẫn đầu bởi mức tăng 6% số ca mắc mới hàng tuần ở châu Âu, trong khi tất cả các khu vực khác đều báo cáo xu hướng giảm hoặc ổn định.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN News & WHO)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 5/12, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn đối đầu quân sự dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành đối thoại ngoại giao, trong đó nhìn lại những bài học kinh nghiệm từ cuộc đối đầu tại khu vực Đông Ladakh (mà Trung Quốc gọi là Aksai Chin).

Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Return to top