Thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Chưa có dấu hiệu cúm gia cầm H5N1 lây lan từ người sang người

ClockThứ Sáu, 10/05/2024 12:07
TTH - Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết, virus cúm gia cầm H5N1 cho đến nay chưa có dấu hiệu thích nghi để lây truyền từ người sang người, đồng thời kêu gọi tiếp tục công tác giám sát.

Cúm A/H5N1 dễ lây truyền từ gia cầm sang người và có thể lây lan thành dịch

 Sữa tươi được phân phối tại New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cho đến nay, một trường hợp nhiễm bệnh ở người đã được báo cáo tại Mỹ kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát trên hàng triệu con bò sữa trên khắp quốc gia này. Ít nhất 220 người phải theo dõi và ít nhất 30 người đã được xét nghiệm.

“Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, và điều quan trọng là tất cả những người tiếp xúc đều phải được xét nghiệm hoặc theo dõi và được chăm sóc nếu cần”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi: “Cho đến nay, virus không cho thấy dấu hiệu thích nghi để lây lan từ người sang người, nhưng cần phải giám sát nhiều hơn”.

Thanh trùng giúp tiêu diệt virus

Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết, mặc dù virus đã được phát hiện trong sữa nguyên liệu ở Mỹ, nhưng “các xét nghiệm sơ bộ cho thấy phương pháp thanh trùng có thể tiêu diệt virus”.

“Lời khuyên thường trực của WHO ở tất cả các quốc gia là mọi người nên tiêu thụ sữa thanh trùng”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Thanh trùng là một quá trình xử lý nhiệt đối với sữa, làm giảm số lượng vi sinh vật gây bệnh có thể có đến mức độ mà chúng không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe. Phương pháp này cũng kéo dài thời gian sử dụng của sữa.

Rủi ro sức khỏe cộng đồng “thấp”

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lưu ý, dựa trên thông tin hiện có, WHO tiếp tục đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng do cúm gia cầm H5N1 gây ra là ở mức thấp, và từ thấp đến trung bình đối với những người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, cơ quan y tế của Liên hợp quốc có hệ thống giám sát bệnh cúm trên toàn cầu thông qua một mạng lưới các trung tâm ở 130 quốc gia, 7 trung tâm hợp tác và 12 phòng thí nghiệm tham chiếu có năng lực và yêu cầu an toàn sinh học để đối phó với các loại virus H5.

“Chúng tôi cũng có Khung chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch cúm, để hỗ trợ việc phát triển nhanh chóng và phân phối vaccine công bằng trong trường hợp xảy ra một đại dịch cúm”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Tình trạng lây lan của H5N1

Trong những năm gần đây, H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim hoang dã, gia cầm, động vật có vú trên cạn và dưới biển, và hiện nay là ở bò sữa.

Kể từ năm 2021, đã có 28 trường hợp được báo cáo ở người, mặc dù chưa có tài liệu nào ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.

Được biết, dịch bệnh bùng phát ở Mỹ cho đến nay đã lây nhiễm cho 36 đàn bò sữa ở 9 tiểu bang.

LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News & WHO)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Với phương châm “Thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, huyện Quảng Điền sớm ban hành Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện.

Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Return to top