Thế giới

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 5/2: Hơn 77 triệu người khỏi bệnh

ClockThứ Sáu, 05/02/2021 09:57
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 466.865 ca tử vong trong tổng số 27.268.387 ca nhiễm, tiếp đó là Ấn Độ với 154.862 ca tử vong trong số 10.803.533 ca bệnh.

Tỷ lệ người dân sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu tăngNhóm chuyên gia WHO tiếp tục lịch trình khảo sát thực tế tại Vũ Hán

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 5/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 105.393.488 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.292.533 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 77.086.153 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 466.865 ca tử vong trong tổng số 27.268.387 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.862 ca tử vong trong số 10.803.533 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 228.883 ca tử vong trong số 9.397.769 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 183 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 171 người và Anh 161 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 33,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 757.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 606.000 ca tử vong trong hơn 19,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 471.100 ca tử vong trong hơn 27,3 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 242.500 ca tử vong trong hơn 15,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 98.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 93.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.

Tại châu Phi, Chính phủ Maroc đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm một tháng, đến ngày 10/3 tới, để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, vốn đanh hoành hành mạnh mẽ tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, Maroc đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcxin phòng chống COVID-19 trên quy mô toàn quốc đợt đầu tiên vào ngày 29/1, cho hơn 300.000 người là những nhân viên tuyến đầu, các quan chức và người cao tuổi. Mục tiêu của quốc gia này là sẽ tiêm chủng miễn phí và dần dần cho khoảng 25 triệu người từ 17 tuổi trở lên, trên tổng số 35 triệu dân của nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cho biết nước này sẽ nhận được 200.000 liều vắcxin Sinopharm của Trung Quốc, sau khi Trung Quốc và Nga cam kết cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho quốc gia nghèo khó ở miền Nam châu Phi này.

Ông Mnangagwa khẳng định cơ quan chức năng đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 9 triệu người, tương đương 60% dân số, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và từ khu vực tư nhân.

Chính phủ Zimbabwe đã dành khoảng 100 triệu USD để mua vắcxin COVID-19. Giai đoạn đầu của quá trình tiêm chủng sẽ ưu tiên cho những nhân viên tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Zimbabwe trong vài tuần gần đây, khi 70% số ca nhiễm mới trong tổng số 33.964 trường hợp nhiễm bệnh, và khoảng 2/3 trong số 1.269 người tử vong, được ghi nhận kể từ đầu tháng 1/2021.

Bà Matshidiso Moeti - Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần 90 triệu liều vắcxin COVID-19 được đàm phán thông qua chương trình COVAX sẽ được chuyển đến châu lục này trong tháng 2/2021.

Việc triển khai vắcxin  đến châu Phi là bước tiến đầu tiên để đảm bảo châu lục này được tiếp cận vắcxin một cách công bằng.

Khoảng 90 triệu liều vắcxin đầu tiên sẽ cho phép các nước châu Phi, trong nửa đầu năm 2021, tiêm chủng cho khoảng 3% dân số thuộc diện có nguy cơ nhiễm COVID-19 ở mức cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh nan y.

Để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số, châu Phi cần phải nhận được khoảng 600 triệu liều vắcxin  vào cuối năm 2021.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo nước này đã ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, vốn được phát hiện lần đầu tại Brazil.

Bộ trưởng Veran cho biết Pháp đang trong "cuộc chạy đua với thời gian" nhằm chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil. Theo Chính phủ Pháp, các ca nhiễm biến thể mới hiện đã chiếm 14% tổng số ca mắc mới tại nước này.

Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố nước này sẽ nhận được những liều vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên của hãng dược AstraZeneca vào cuối tuần này, một bước đi giúp đẩy nhanh tiến độ phân phối vắcxin, vốn trì trệ do sự thiếu hụt từ các nhà cung cấp.

Trong khi đó, quyền Phó Tổng giám đốc phụ trách phương pháp luận khoa học và hợp tác quốc tế - bà Tatiana Nepomnyashchikh cho biết Trung tâm "Vector" ở Novosibirsk đã hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin EpiVacCorona ở những người cao tuổi.

Theo bà Nepomnyashchikh, không có "tác dụng phụ mạnh" nào được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu. EpiVacCorona là vắcxin ngừa virus corona thứ hai được đăng ký ở Nga. Theo Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova, từ tháng 3, vắcxin này sẽ được sử dụng trong quá trình tiêm chủng hàng loạt cho người dân Nga.

Ngoài vắcxin này, vắcxin Sputnik V của Trung tâm Gamaleya đã được đăng ký tại Liên bang Nga. Bên cạnh đó, dự kiến vắcxin CoviVac của Trung tâm Chumakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng sẽ được đưa vào lưu hành dân sự.

Chính phủ Anh ngày 4/2 đã yêu cầu các mạng xã hội lớn gỡ bỏ những thông tin bóp méo sự thật liên quan đại dịch COVID-19 do quan ngại đó có thể là nguyên do dẫn đến một số sắc tộc thiểu số tại Anh từ chối tiêm vắcxin phòng bệnh này.

Cơ quan theo dõi những thông tin sai lệnh về COVID-19 của Anh cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến COVID-19 trên các trang mạng xã hội như Twitter hay Facebook, đồng thời yêu cầu những người quản lý các trang mạng xã hội gỡ bỏ các thông điệp được cho là thiếu chính xác.

Thị trưởng London Sadiq Khan và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề vắcxin của Anh Nadhim Zahawi cùng ngày đã gửi thông điệp đến các cộng đồng sắc tộc thiểu số tại Anh về sự an toàn, hiệu quả của việc tiêm vắcxin phòng COVID-19.

Tại Mỹ, quyền Cảnh sát trưởng Lực lượng Cảnh sát Quốc hội Mỹ (USPC) - ông Yogananda Pittman ngày 4/2 cho biết USPC đã nỗ lực để đảm bảo các liều vắcxin ngừa COVID-19 cho mọi cán bộ và nhân viên.

Theo ông Pittman, các liều vắcxin dự kiến sẽ được phân phối “một cách nhanh chóng,” với những kế hoạch tiêm chủng từ Quốc hội. Hiện nay, có ít nhất 38 cảnh sát của USPC và hàng chục binh sỹ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1.

Cũng trong ngày 4/2, Tổng thống Peru Francisco Sagasti thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để nhập khẩu 20 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19. Theo đó, Pfizer sẽ cung cấp 250.000 liều vắcxin cho Peru vào tháng 3/2021 và 300.000 liều khác vào tháng 4/2021. Đến tháng 6/2021, quốc gia Nam Mỹ này sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều vắcxin Pfizer.

Tổng thống Sagasti cho biết thêm 1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của Tập đoàn Sinopharm sẽ được bàn giao cho phía Peru vào ngày 13/2 tới. Đây là một phần trong thỏa thuận với công ty của Trung Quốc nhằm cung cấp 38 triệu liều cho chương trình tiêm chủng toàn quốc tại nước này.

Ngoài ra, nước này cũng sẽ nhận được hàng trăm nghìn liều vắcxin từ Cơ chế phân phối vắcxin COVAX do WHO đồng bảo trợ.

Cơ chế COVAX trước đó đã công bố kế hoạch phân phối vắcxin ngừa COVID-19, theo đó Peru nhận được tổng cộng khoảng 1,7 triệu liều vắcxin, trong đó có 1,66 triệu từ hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và 117.000 liều từ Pfizer.

Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận khoảng 1,16 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 41.530 ca tử vong./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân

Môi trường mưa ẩm thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường tiêu hóa. Trong số các ca bệnh nhập viện tăng, một số trường hợp diễn biến nặng do tự điều trị.

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân
Return to top