Thế giới

Thế giới đối mặt với suy thoái khi lạm phát ảnh hưởng đến người tiêu dùng

ClockThứ Tư, 24/08/2022 20:56
TTH - Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái ngày càng tăng, khi người tiêu dùng phải đối mặt với lạm phát cao kiềm chế chi tiêu, trong khi các ngân hàng Trung ương cũng đang thắt chặt chính sách ngay khi cần hỗ trợ.

Hội nghị WEF Davos 2022: Nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều mối đe doạWorld Bank: Nam Á dự báo đối mặt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 40 năm qua

Lạm phát tăng cao đẩy nền kinh tế thế giới đến gần hơn với nguy cơ bị suy thoái. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Báo Tin tức

Nguy cơ cao xuất hiện giữa lúc các chuỗi cung ứng vẫn chưa thể phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, cộng thêm tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine và việc chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã và đang gây tổn hại cho ngành sản xuất.

Vô số các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng từ châu Á đến châu Âu được công bố vào đầu tuần này cho thấy, hoạt động kinh doanh giảm đi trông thấy và hiện có rất ít hy vọng về sự thay đổi sớm.

Nói một cách đơn giản, tỷ lệ lạm phát cực cao đã dẫn đến việc các hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho các hàng hóa và dịch vụ mà họ phải mua, đồng nghĩa họ sẽ ít chi tiêu hơn cho các sản phẩm khác. Đó chính là sản lượng kinh tế giảm, nguyên nhân dẫn đến suy thoái. Lãi suất cao hơn đang đóng một vai trò nhỏ, song nguyên nhân thực sự vẫn là lạm phát cao hơn nhiều.

Nói một cách cụ thể, hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8, ghi nhận ở mức yếu nhất trong vòng 18 tháng qua, với lĩnh vực dịch vụ đặc biệt suy giảm.

Theo các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters, có 45% khả năng Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 1 năm và 50% trong vòng 2 năm. Tình trạng này cũng tương tự đối với khu vực đồng Euro, nơi khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nghĩa là khách hàng vẫn dè dặt trong việc chi tiêu và hoạt động kinh doanh trên toàn khối cũng giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp.

Dữ liệu ảm đạm đã khiến đồng Euro giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với đồng Dollar, với giá khí đốt tăng cao cũng kéo châu Âu đến gần hơn với bờ vực suy thoái.

Ở Anh, bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), tăng trưởng của khu vực tư nhân chậm lại khi sản lượng nhà máy giảm và khu vực dịch vụ chỉ mở rộng khiêm tốn cũng cho thấy một cuộc suy thoái đang đến.

Có thể nói, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới, buộc các ngân hàng Trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ để duy trì ổn định giá cả.

Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất qua đêm chuẩn lên thêm 2,25% trong năm nay như một nỗ lực kiềm chế lạm phát cao hàng thập kỷ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn có khả năng sẽ ở trên mục tiêu của Fed trong năm nay và 2023...

Trước tình hình này, lãnh đạo các ngân hàng Trung ương lớn, bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này sẽ tham gia một hội nghị chuyên đề hằng năm để cùng thảo luận sâu hơn và làm sáng tỏ về mức độ tăng lãi suất trong tương lai...

Hạnh Nhi

 (Lược dịch từ CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024

Theo danh sách các sản phẩm ăn khách của châu Á do Nikkei biên soạn, từ các buổi concert của ca sĩ nổi tiếng thế giới Taylor Swift diễn ra tại Singapore, đến sự lan tỏa của xu hướng “P-pop” từ Philippines và sự ra mắt của một bộ phim thu hút từ Thái Lan…, nhìn chung các hoạt động và xu hướng giải trí đã chiếm vị trí trung tâm tại Đông Nam Á năm 2024.

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024
Return to top