Thế giới

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

ClockThứ Tư, 15/02/2023 07:32
TTH.VN - Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.

‘Lá nhân tạo’ sản xuất năng lượng từ không khí và ánh nắngChuyển đổi năng lượng trong thập kỷ vàng của Đông Nam ÁASEAN tổ chức diễn đàn ứng phó với các hiểm họa khí hậu

Người dân tập trung lấy nước uống từ một giếng nước ở tiểu bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, ông M. Ravichandran, quan chức hàng đầu của Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ cho biết: “Thời tiết cực đoan đang gia tăng, khi nóng ngày càng nóng hơn và lạnh ngày càng lạnh hơn… Xu hướng này sẽ chỉ tăng lên hàng năm, do hành tinh nóng lên”.

Được biết, các điều kiện thời tiết thất thường đã khiến hàng triệu người dân Ấn Độ phải đối mặt với các thảm họa khí hậu, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm, và gia tăng khó khăn kinh tế do năng suất nông nghiệp sụt giảm. Đồng thời, các điều kiện thời tiết này còn tạo gánh nặng cho nguồn cung năng lượng, khi thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và làm cạn kiệt các nguồn thủy điện.  

Ông M. Ravichandran nói thêm, quốc gia này cần có kế hoạch để đối phó với những sự kiện thời tiết như vậy, đồng thời đầu tư vào những biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đang tiến hành xem xét các nguồn năng lượng thay thế, chẳng hạn như năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng thủy triều.

Hồi năm ngoái, quốc gia này đã phải đối mặt với một mùa hè khắc nghiệt, khi nhiệt độ chạm mức cao kỷ lục ở một số vùng. Những đợt sóng nhiệt nghiêm trọng đã dẫn đến tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng và ảnh hưởng đến mùa vụ lúa mì, buộc Ấn Độ phải cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này vào thời điểm mà thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lúa mì.

Cũng theo ông M. Ravichandran, ngoài những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục chứng kiến sự khác biệt lớn về lượng mưa, với một số nơi có mưa lớn, trong khi những nơi khác đối mặt với tình trạng hạn hán. Điều này đồng nghĩa là ngay cả khi lượng mưa trung bình vẫn được duy trì ở mức bình thường, vẫn có thể xuất hiện sự khác biệt lớn giữa vùng này và vùng khác. Ngoài ra, cũng có khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay.

Theo quan chức hàng đầu của Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy hoạt động nghiên cứu nhằm đảm bảo các nguồn năng lượng mới. Ấn Độ đang xây dựng chính sách cho các dự án điện gió ngoài khơi, đồng thời nghiên cứu các mô hình gió cho những dự án trên đất liền.

Được biết, Ấn Độ là quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.

Từ ngày 27 - 29/3 tới đây, cuộc họp thứ 2 của Nhóm Công tác về Môi trường và Khí hậu Bền vững (ECSWG) của G20 sẽ được tổ chức tại Gandhinagar, tiểu bang Gujarat, Ấn Độ.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Bloomberg & Outlook India)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày 24/12: Bão số 10 đổi hướng di chuyển phức tạp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10 km/giờ.

Thời tiết ngày 24 12 Bão số 10 đổi hướng di chuyển phức tạp
Return to top