Thế giới

Nhật Bản lo ngại nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh COVID-19

ClockThứ Tư, 15/04/2020 16:28
Ngày 15/4, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga kêu gọi người dân nước này cố gắng hết sức hạn chế tiếp xúc với người khác để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa tới đỉnh dịchASEAN cần hợp tác và có phản ứng thống nhất trước đại dịchNhật Bản đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt NamPhilippines trở thành “điểm nóng” dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam ÁTrung Quốc và Hàn Quốc được phê duyệt thử nghiệm vaccine và thuốc chống virus SARS-CoV-2

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Suga nêu rõ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong vòng một tháng ở Nhật Bản, cần phải làm mọi việc có thể để hạn chế 70% tiếp xúc giữa người dân.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế và nghiên cứu virus ở Nhật Bản nhấn mạnh một vấn đề đáng báo động là việc không xác định được nguồn lây nhiễm ở nhiều bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục gia tăng mạnh ở nước này.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn số liệu của giới chức y tế Nhật Bản cho biết, tính đến hết ngày 14/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này là 8.161 người, trong đó 173 người đã tử vong.

Riêng trong ngày 14/4 nước này ghi nhận 477 ca nhiễm mới - trong đó 161 người ở thủ đô Tokyo, 59 ở tỉnh Osaka và 33 ở tỉnh Fukuoka, và 19 người tử vong, trong đó 5 người ở Tokyo.

Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 không xác định được con đường nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên. Điều này khiến các chuyên gia y tế và nghiên cứu virus ở Nhật Bản lo ngại nước này có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát giống như ở các nước phương Tây khác.

Theo Thời báo Nhật Bản, vào đầu tháng 4 này, các chuyên gia trong nhóm cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo rằng họ không xác định được thời điểm cũng như con đường lây nhiễm ở khoảng 40% số bệnh nhân mắc COVID-19.

Riêng tại Tokyo, trong số 197 ca nhiễm mới được thông báo hôm 11/4 thì có tới 77% không xác định được con đường lây nhiễm.

Tỷ lệ này ở các tỉnh Fukuoka, Osaka, Aichi và Okinawa dao động từ 50% đến 75%.

Một trong những nguyên nhân khiến việc xác định con đường lây nhiễm rất khó khăn là do một số bệnh nhân không chia sẻ thông tin đi lại của họ với giới chức y tế.

Nhiều người trong số này được cho là đã tới các cơ sở giải trí như các quán bar và hộp đêm.

Một nguyên nhân khác là tình trạng thiếu nhân lực tại các trung tâm y tế cộng đồng.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) lo ngại số ca mắc COVID-19 không xác định được con đường lây nhiễm gia tăng sẽ làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh ở nước này.

Trong khi đó, theo đài truyền hình NHK, có 9 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản sắp rơi vào tình trạng không còn giường bệnh để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Kết quả khảo sát của NHK cho thấy cả nước có 9.600 giường bệnh được trang bị để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, số bệnh nhân nội trú hiện tại đã vượt quá 5.000 người. Có 9 tỉnh đã sử dụng hết hơn 80% số giường bệnh dành cho các bệnh nhân COVID-19, trong đó có thủ đô Tokyo và các tỉnh Osaka, Hyogo và Fukuoka.

Cùng với việc thiếu giường bệnh, giới chức các địa phương này cũng lo ngại về sự khan hiếm khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác cũng như tình trạng thiếu nhân viên y tế để giám sát việc vận chuyển bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tới các cơ sở cách ly.

Mặt khác, họ cũng quan ngại về tình trạng lây nhiễm chéo trong các bệnh viện lớn.

Trong bối cảnh đó, bác sỹ Kutsuna Satoshi  của Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) cần nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS
Return to top